KẾT TẬP TAM TẠNG PĀḶI
Để giữ gìn duy trì pháp-học Phật-giáo cho được đầy đủ, nguyên vẹn, không để rời rạc, không cho thất lạc, cho nên, chư Đại-Trưởng-lão, chư Trưởng-lão đã kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi bằng tiếng Pāḷi trải qua các thời-kỳ như sau:

Kỳ Kết Tập Tam-Tạng Pāḷi Lần Thứ Nhất
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa đứng ra tổ chức kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất, thời gian sau khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn 3 tháng 4 ngày, trong mùa an cư nhập hạ tại động Sattapaṇṇi gần thành Rājagaha xứ Māgadha.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất này gồm có 500 vị Thánh A-ra-hán có đầy đủ tứ-tuệ phân-tích, lục thông, … đặc biệt thông-thuộc Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi. Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa chủ trì đại hội, đọc tuyên ngôn đoạn cuối kết luận rằng:
“…Saṃgho appaññattaṃ nappaññapeti, paññattaṃ na samucchindati, yathāpaññattesu sikkhāpadesu samādāya vattati, khamati saṃghassa, tasmā tuṇhī evametaṃ dharayāmi.” (1)
“……Chư tỳ-khưu-Tăng! Không được phép chế-định thêm điều-giới nào mà Đức-Phật không chế-định, không được phép xoá bỏ điều-giới nào mà Đức-Phật đã chế-định. Chư tỳ-khưu Tăng cần phải giữ gìn, duy trì, thực- hành nghiêm chỉnh đúng theo các điều-giới mà Đức- Phật đã chế định. Tất cả chư tỳ-khưu-Tăng đều hài lòng nên làm thinh. Tôi ghi nhận sự hài lòng này của quý vị bằng trạng-thái làm thinh như vậy.”
Tất cả chư tỳ-khưu Tăng gồm có 500 bậc Thánh A-ra- hán đều đồng tâm nhất trí tuân theo lời tuyên ngôn của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa. Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa chủ trì chất vấn Ngài Trưởng-lão Upāli giải đáp về Tạng Luật, và chất vấn Ngài Trưởng-lão Ānanda giải đáp về Tạng Kinh Pāḷi và Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi được thực hiện suốt 7 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi.
Kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất này bằng cách truyền khẩu (mukhapāṭha) chưa ghi chép bằng chữ viết.
Đức-vua Ajātasattu đất nước Māgadha là người hộ độ chư Thánh A-ra-hán trong kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất này. Khi Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, Đức-Phật đã từng tuyên dương Ngài Trưởng-lão Upāli là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử xuất sắc nhất về trì luật trong các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.
1. Về Trường-bộ-kinh Pāḷi (Dīghanikāyapāḷi) thuộc về phận sự của Ngài Trưởng-lão Ānanda. Ngài Trưởng- lão có bổn phận dạy trường-bộ-kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi đến nhóm đệ-tử để giữ gìn duy trì Trường-bộ-kinh Pāḷi và Chú-giải trường-bộ-kinh Pāḷi này.
2. Về Trung-bộ-kinh Pāḷi (Majjhimanikāyapāḷi) thuộc về phận sự của nhóm đệ tử của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta. Các vị Đại-đức này có bổn phận dạy trung- bộ-kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi đến nhóm đệ-tử, để giữ gìn duy trì Trung-bộ-kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi này.
3. Về Đồng-loại-bộ-kinh Pāḷi (Saṃyuttanikāyapāḷi) thuộc về phận sự của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa. Ngài Đại-Trưởng-lão có bổn phận dạy đồng-loại-bộ- kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi đến nhóm đệ-tử, để giữ gìn duy trì Đồng-loại-bộ-kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi này.
4. Về Chi-bộ-kinh Pāḷi (Aṅguttaranikāya) thuộc về phận sự của Ngài Trưởng-lão Anuruddha. Ngài Trưởng- lão có bổn phận dạy chi-bộ-kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi đến nhóm đệ-tử, để giữ gìn duy trì Chi-bộ-kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi này.
5. Về Tiểu-bộ-kinh Pāḷi (Khuddakanikāyapāḷi), thuộc về phận sự chung của 500 chư Thánh A-ra-hán. Quý Ngài có bổn phận dạy tiểu-bộ-kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi đến các nhóm đệ-tử, để giữ gìn duy trì Tiểu-bộ-kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi này.
6. Về Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi (Abhidhammapiṭaka- pāḷi) gồm có 7 bộ lớn, thuộc phận sự chung của 500 chư Thánh A-ra-hán. Quý Ngài có bổn phận dạy Tạng Vi- diệu-pháp Pāḷi và Chú-giải Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi đến các nhóm đệ-tử, để giữ gìn duy trì Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi và Chú-giải Pāḷi này.
Toàn giáo-pháp của Đức-Phật Gotama được kết tập lại đầy đủ trọn vẹn.
Ngài Đại-Trưởng-lão và chư Vị Trưởng-lão có bổn phận dạy cho các hàng đệ tử học thuộc lòng, ghi nhớ đầy đủ trọn vẹn Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi, gìn giữ duy trì pháp-học Phật-giáo cho được trường tồn lâu dài trên thế gian, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc cho tất cả chúng-sinh nhất là chư-thiên và nhân-loại .
(TỪ NGUỒN TÀI LIỆU DO TỲ KHƯU HỘ PHÁP BIÊN SOẠN)