Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Tập I – Thiên Có Kệ
Chương XI
Tương Ưng Sakka
III. Phẩm Thứ Ba (hay Sakka Năm Kinh).
I. Sát Hại Gì? (S.i,237)
1) Tại Sàvatthi, Jetavana.
2) Rồi Thiên chủ Sakka đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Ðứng một bên, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Sát vật gì, được lạc?
Sát vật gì, không sầu?
Có một loại pháp gì,
Ngài tán đồng sát hại,
Tôn giả Gotama?
4) (Thế Tôn):
Sát phẫn nộ được lạc,
Sát phẫn nộ không sầu.
Phẫn nộ với độc căn,
Với vị ngọt tối thượng,
Pháp ấy, bậc Hiền thánh
Tán đồng sự sát hại.
Sát pháp ấy, không sầu,
Hỡi này Vàsava!
II. Xấu Xí (S.i,237)
1) Tại Sàvatthi, Jetavana.
2) Tại đây… Thế Tôn nói như sau:
3) — Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có một Dạ-xoa xấu xí, thấp lùn, bụng to (Okotimako), đến ngồi trên chỗ ngồi của Thiên chủ Sakka.
4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở Tam thập tam thiên bực tức, chán ghét, phẫn uất: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Tên Dạ-xoa xấu xí, thấp lùn, bụng to lại đến ngồi trên chỗ ngồi của Thiên chủ Sakka!”.
5) Này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở Tam thập tam thiên càng bực tức, chán ghét, phẫn uất bao nhiêu, thời Dạ-xoa ấy càng đẹp hơn, càng dễ nhìn, càng dễ thương bấy nhiêu.
6) Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở Tam thập tam thiên đi đến Thiên chủ Sakka; sau khi đến, nói với Thiên chủ Sakka:
7) “– Ở đây, này Tôn giả, có một Dạ-xoa xấu xí, thấp lùn, bụng to đến ngồi trên chỗ ngồi của Ngài. Ở đây, này Tôn giả, chư Thiên ở Tam thập tam thiên, bực tức, chán ghét, phẫn uất: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Dạ-xoa này xấu xí, thấp lùn, bụng to lại đến ngồi trên chỗ ngồi của Thiên chủ Sakka!”. Nhưng này Tôn giả, chư Thiên ở Tam thập tam thiên càng bực tức, chán ghét, phẫn uất bao nhiêu, thời Dạ-xoa xấu xí, thấp lùn, bụng to ấy càng tốt đẹp, càng dễ nhìn và càng dễ thương bấy nhiêu. Thưa Tôn giả, có phải Dạ-xoa ấy sẽ trở thành Dạ-xoa nuôi dưỡng với phẫn nộ?”
8) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka đi đến Dạ-xoa nuôi dưỡng bằng phẫn nộ ấy; sau khi đến đắp thượng y vào một bên vai, đầu gối phải quỳ trên đất, chấp tay vái Dạ-xoa nuôi dưỡng với phẫn nộ và nói lên tên của mình ba lần: “Thưa Tôn giả, tôi là Thiên chủ Sakka! Thưa Tôn giả, tôi là Thiên chủ Sakka!”.
9) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka càng nói lên tên của mình bao nhiêu thời Dạ-xoa ấy càng trở thành xấu xí, thấp lùn, bụng to bấy nhiêu; và sau khi trở thành càng xấu xí, càng thấp lùn, bụng to hơn, vị ấy biến mất tại chỗ ấy.
10) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka, sau khi ngồi xuống trên chỗ ngồi của mình, làm cho hòa dịu chư Thiên ở Tam thập tam thiên, ngay lúc ấy, nói lên những bài kệ này:
Tâm ta không dễ dàng,
Ðể cho bị thất trận,
Không dễ bị lôi kéo,
Trong xoáy nước dục tình.
Người biết đã từ lâu,
Ta không còn phẫn nộ,
Phẫn nộ không chân đứng
Một chỗ nào trong ta.
Ta không nói ác ngữ,
Vì phẫn nộ giận hờn,
Và không có khen tặng,
Những đức tánh của ta.
Thấy được lợi ích mình,
Ta tự thân chế ngự.
III. Huyễn Thuật (S.i,238)
1) Tại Sàvatthi…
2) Thế Tôn nói như sau:
3) — Này các Tỷ-kheo, thuở xưa A-tu-la Vepacitti, vua các A-tu-la, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.
4) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka đi đến A-tu-la để hỏi thăm tình trạng bịnh hoạn.
5) Này các Tỷ-kheo, Vepacitti từ đàng xa trông thấy Thiên chủ Sakka đi đến, thấy vậy liền nói với Thiên chủ Sakka:
“– Này Thiên chủ, hãy chữa bệnh cho tôi”.
6) “– Này Vepacitti, hãy nói tôi biết ảo thuật của Sambhara”.
7) “– Này Tôn giả, hãy chờ tôi hỏi ý kiến các A-tu-la.”
8) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la, hỏi ý kiến các A-tu-la:
” — Chư Tôn giả, tôi có nên nói cho Thiên chủ Sakka, ảo thuật của Sambhara không?”
9) ” — Thưa Tôn giả, Ngài không nên nói cho Thiên chủ Sakka ảo thuật của Sambhara”.
10) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la, nói lên bài kệ này với Thiên chủ Sakka:
Ông thuộc dòng Magha,
Là Sakka, Thiên chủ,
Là chồng của Sujà,
Ảo thuật dắt dẫn đến,
Vực sâu của địa ngục,
Tại đấy Sambhara,
Ðã sống một trăm năm.
IV. Tội Lỗi (hay Không Phẫn Nộ) (S.i,239)
1) Tại Sàvatthi… tại vườn ông Cấp Cô Ðộc.
2) Lúc bấy giờ hai Tỷ-kheo cãi lộn nhau. Ở đây, một Tỷ-kheo phạm tội, Tỷ-kheo ấy phát lộ tội phạm là tội phạm trước mặt Tỷ-kheo kia. Tỷ-kheo ấy không chấp nhận.
3) Rồi Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
4) — Ở đây, bạch Thế Tôn, có hai Tỷ-kheo cãi lộn nhau. Một Tỷ-kheo phạm tội. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo ấy phát lộ tội phạm là tội phạm trước mặt Tỷ-kheo kia. Tỷ-kheo ấy không chấp nhận.
5) — Này các Tỷ-kheo, hai Tỷ-kheo này là ngu si: một vị không thấy phạm tội là phạm tội, một vị không chấp nhận phát lộ tội phạm đúng pháp. Này các Tỷ-kheo, hai vị Tỷ-kheo này là ngu si.
6) Này các Tỷ-kheo, hai Tỷ-kheo này là sáng suốt, một vị thấy phạm tội, một vị chấp nhận phát lộ tội phạm đúng pháp. Này các Tỷ- kheo, hai Tỷ-kheo này là sáng suốt.
7) Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka, để làm hòa dịu chư Thiên ở Tam thập tam thiên tại hội trường Sudhamma, ngay trong lúc ấy, nói lên bài kệ này:
Hãy nhiếp phục phẫn nộ,
Giữ tình bạn không phai,
Không đáng mắng, chớ mắng,
Không nên nói hai lưỡi,
Phẫn nộ quăng người ác,
Như đá rơi vực thẳm.
V. Không Phẫn Nộ (Không Hại) (S.i,240)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo… Thế Tôn nói như sau:
3) — Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka, để làm hòa dịu chư Thiên ở Tam thập tam thiên tại hội trường Sudhamma, ngay trong lúc ấy, nói lên bài kệ này:
Chớ để lòng phẫn nộ,
Nhiếp phục, chi phối người!
Chớ để lòng sân hận,
Ðối trị với sân hận!
Không phẫn nộ, vô hại,
Bậc Thánh thường an trú.
Phẫn nộ quăng người ác,
Như đá rơi vực thẳm.