Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Tập II – Thiên Nhân Duyên
Chương VI
Tương Ưng Lợi Ðắc Cung Kính
III. Phẩm Thứ Ba
I. Phụ Nữ (S.ii,234)
1) … Tại Sàvatthi.
2) — Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng…
3) Với ai, này các Tỷ-kheo, tâm bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chinh phục và ngự trị, thời không một nữ nhân nào, với tâm của mình chinh phục và ngự trị tâm của người ấy.
4) Như vậy, khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng…
5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
II. Mỹ Nhân (S.ii,235)
… không một mỹ nhân nào…
III. Con Trai
1) … Tại Sàvatthi.
2) — Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng…
3) Một tín nữ, này các Tỷ-kheo, chơn chánh khuyên dạy đứa con độc nhất, đáng yêu, đáng mến, sẽ khuyên dạy như sau: “Này Con thân yêu, hãy giống như gia chủ Citta, hãy giống như Hattaka ở Alava!”
4) Các vị ấy, này các Tỷ-kheo, là cân lường, là mẫu mực cho các đệ tử cư sĩ của Ta, tức là gia chủ Hatthaka ở Alava.
5) “Này Con thân yêu, nếu con xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, này Con thân yêu, hãy giống như Sàriputta và Moggalàna!”
6) Các vị ấy, này các Tỷ-kheo, là cân lường, là mẫu mực cho các đệ tử Tỷ-kheo của Ta, tức là Sàriputta và Moggalàna.
7) “Này Con thân yêu, chớ để cho lợi đắc, cung kính, danh vọng chạm đến người, kẻ hữu học với tâm đầy nhiệt tình”. Này các Tỷ-kheo, nếu một Tỷ-kheo hữu học với tâm đầy nhiệt tình, bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chạm đến, như vậy là chướng ngại cho vị ấy.
8) Như vậy, khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng…
9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
IV. Con Gái Một (Tăng, Ðại 2, 562) (S.ii,236)
1) … Tại Sàvatthi.
2) — Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng…
3) Một tín nữ, này các Tỷ-kheo, chơn chánh khuyên dạy đứa con gái độc nhất, đáng yêu, đáng mến, sẽ khuyên dạy như sau: “Này Con thân yêu, hãy giống như nữ cư sĩ Khujjutarà và Velu-kandakiyà, mẹ của Nanda!”
4) Các vị ấy, này các Tỷ-kheo, là cân lường, là mẫu mực cho các đệ tử nữ cư sĩ của Ta, tức là nữ cư sĩ Khujjutarà và Velukandakiyà.
5) “Này Con thân yêu, nếu Con xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; này Con thân yêu, hãy giống như Tỷ-kheo-ni Khema và Uppàlavanna!”
6) Các vị ấy, này các Tỷ-kheo, là cân lường, là mẫu mực cho các đệ tử Tỷ-kheo-ni của Ta, tức là Tỷ-kheo-ni Khemà và Uppàlavanna.
7) “Này Con thân yêu, chớ để cho lợi đắc, cung kính, danh vọng chạm đến người, kẻ hữu học với tâm đầy nhiệt tình!”
8) Này các Tỷ-kheo, nếu một Tỷ-kheo-ni hữu học, với tâm đầy nhiệt tình, bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chạm đến, như vậy là chướng ngại cho vị ấy.
9) Như vậy, khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng…
10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
V. Sa Môn , Bà La Môn (S.ii,236)
1) … Tại Sàvatthi.
2) — Này các Tỷ-kheo, như Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật biết vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của lợi đắc, cung kính, danh vọng; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy đối với Ta, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các Sa-môn, hay là Bà-la-môn giữa các Bà-la-môn. Và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong đời sống hiện tại, không có thể tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh và mục đích Bà-la-môn hạnh.
3) Và này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào như thật biết vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của lợi đắc, cung kính, danh vọng; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy đối với Ta, đuợc chấp nhận là vị Sa-môn giữa các Sa-môn, hay là Bà-la-môn giữa các Bà-la-môn. Và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong đời sống hiện tại, có thể tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh và mục đích Bà-la-môn hạnh.
VI. Sa Môn, Bà La Môn (S.ii,237)
1) … Tại Sàvatthi.
2) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật biết sự tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt, nguy hiểm và xuất ly của lợi đắc, cung kính, danh vọng; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy đối với với Ta, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các Sa-môn, không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các Bà-la-môn. Và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong đời sống hiện tại cũng không tự mình với thắng trì chứng ngộ, chứng đạt và an túc mục đích của Sa-môn hạnh và mục đích của Bà-la-môn hạnh.
3) Và những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật biết sự tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt… của lợi đắc, cung kính, danh vọng; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy đối với ta được chấp nhận là Sa-môn giữa các Sa-môn, hay Bà-la-môn giữa các Bà-la-môn. Và những bậc Tôn giả ấy ngay trong đời sống hiện tại, có thể tự mình giác ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn và mục đích Bà-la-môn hạnh.
VII. Sa Môn, Bà La Môn (S.ii, 237)
1) … Tại Sàvatthi.
2) — Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không biết sự tập khởi của lợi đắc, cung kính, danh vọng, không biết sự đoạn diệt của lợi đắc, cung kính, danh vọng, không biết con đường đưa đến sự đoạn diệt của lợi đắc, cung kính, danh vọng; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy đối với Ta, không được chấp nhận… và mục đích của Bà-la-môn hạnh.
3) Và những Sa-môn hay Bà-la-môn nào biết được sự tập khởi của lợi đắc, cung kính, danh vọng… và mục đích của Bà-la-môn hạnh.
VIII. Da (Tăng, Ðại 2, 570c) (S.ii,237)
1) … Tại Sàvatthi.
2) — Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng…
3) Lợi đắc, cung kính, danh vọng, này các Tỷ-kheo, cắt đứt da ngoài. Sau khi cắt đứt da ngoài, chúng cắt đứt da trong. Sau khi cắt đứt da trong, chúng cắt đứt thịt. Sau khi cắt đứt thịt, chúng cắt đứt dây gân. Sau khi cắt đứt dây gân, chúng cắt đứt xương. Sau khi cắt đứt xương, chúng chạm tới tủy và đứng lại.
4) Như vậy, khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng…
5) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
IX. Dây (S.ii, 238)
1) … Tại Sàvatthi.
2) — Khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng…
3) Lợi đắc, cung kính, danh vọng, này các Tỷ-kheo, cắt đứt da ngoài. Sau khi cắt đứt da ngoài, chúng cắt đứt da trong. Sau khi cắt đứt da trong, chúng cắt đứt thịt. Sau khi cắt đứt thịt, chúng cắt đứt dây gân. Sau khi cắt đứt dây gân, chúng cắt đứt xương. Sau khi cắt đứt xương, chúng chạm tới tủy và đứng lại.
4) Ví như, này các Tỷ-kheo, một lực sĩ lấy dây ngựa cứng chắc, vấn xung quanh cổ chân và siết chặt lại. Dây ấy cắt đứt da ngoài, cắt đứt da trong. Sau khi cắt đứt da trong, chúng cắt đứt thịt. Sau khi cắt đứt thịt, chúng cắt đứt dây gân. Sau khi cắt đứt dây gân, chúng cắt đứt xương. Sau khi cắt đứt xương, chúng chạm tới tủy và đứng lại.
5) Cũng như vậy, này các Tỷ-kheo, lợi đắc, cung kính, danh vọng cắt đứt da ngoài. Sau khi cắt đứt da ngoài, chúng cắt đứt da trong. Sau khi cắt đứt da trong, chúng cắt đứt thịt. Sau khi cắt đứt thịt, chúng cắt đứt giây gân. Sau khi cắt đứt giây gân, chúng cắt đứt xương. Sau khi cắt đứt xương, chúng chạm tới tủy và đứng lại.
6) Như vậy, khổ lụy, này các Tỷ-kheo, là lợi đắc, cung kính, danh vọng…
7) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
X. Tỷ Kheo (S.ii,238)
1) … Tại Sàvatthi.
2) — Vị Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, là bậc Ứng Cúng, đã đoạn tận các lậu hoặc; Ta nói, lợi đắc, cung kính, danh vọng vẫn là pháp chướng ngại cho vị Tỷ-kheo ấy.
3) Khi nghe nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, với vị Tỷ-kheo, lậu hoặc nào được đoạn tận thì các lợi đắc, cung kính, danh vọng là chướng ngại pháp?
4) — Ðối với vị đã chứng bất động tâm giải thoát, Ta không nói rằng, các lợi đắc, cung kính, danh vọng trở thành một chướng ngại pháp cho vị ấy.
5) Và này Ananda, đối với những ai sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần; những người chứng được hiện tại lạc trú; đối với những người ấy, Ta nói rằng, lợi đắc, cung kính, danh vọng là chướng ngại pháp.
6) Như vậy, khổ lụy, này Ananda, là lợi đắc, cung kính, danh vọng; thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp cho sự chứng đắc vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách.
7) Do vậy, này Ananda, cần phải học tập như vầy: “Ðối với lợi đắc, cung kính, danh vọng đã đến, chúng ta hãy từ bỏ chúng. Và đối với các lợi đắc, cung kính, danh vọng chưa đến, chúng ta không để chúng xâm chiếm tâm và an trú”.
8) Như vậy, này Ananda, Ông cần phải học tập.