Ðại Tạng Kinh Việt Nam
Tiểu Bộ Kinh
Khuddaka Nikàya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chương Hai – Hai Pháp
Phẩm II
(XXXVIII) (Duk. II, 1) (It. 31)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo. Với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, hai tầm tứ được hành trì nhiều đó là an ổn và ẩn dật. Này các Tỷ-kheo, Như Lai ưa thích không làm hại, thích thú không làm hại. Với Như Lai ấy, này các Tỷ-kheo, ưa thích không làm hại này, thích thú không làm hại này, tầm tứ này được hành trì nhiều. “Với cử chỉ uy nghi này Ta không làm hại một ai, dầu là loài động vật hay không động vật”. Này các Tỷ-kheo, Như Lai ưa thích ẩn dật, thích thú ẩn dật. Với Như Lai ấy, này các Tỷ-kheo, ưa thích ẩn dật này, thích thú ẩn dật. Với Như Lai ấy, này các Tỷ-kheo, ưa thích ẩn dật này, thích thú ẩn dật này, tầm tứ này được hành trì nhiều! Phàm có bất thiện gì, thì đều được đoạn tận. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy an trú, hân hoan trong không làm hại, thích thú trong không làm hại. Này các Tỷ-kheo, với các Thầy an trú, hân hoan trong không làm hại, thích thú trong không làm hại, tầm tứ này sẽ được hành trì nhiều. “Với cử chỉ uy nghi naỳ, chúng ta không làm hại một ai, dầu là loài động vật hay không động vật”. Này các Tỷ-kheo, hãy an trú hân hoan trong ẩn dật, thích thú trong ẩn dật. Này các Tỷ-kheo, với các Thầy an trú hân hoan trong ẩn dật, thích thú trong ẩn dật, tầm tứ này sẽ được hành trì nhiều. Còn có gì bất thiện, còn có gì chưa đoạn tận, còn có gì chúng ta phải từ bỏ nữa đâu?
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Như Lai, bậc Giác ngộ,
Bậc có thể nhẫn nại,
Những gì mà người khác,
Không có thể nhẫn nại,
Hai tầm tứ, vị ấy
Hành trì và thực hiện,
Trước hết được nói đến,
Là an ổn tầm tứ,
Thứ đến là ẩn dật,
Thứ hai được trình bày,
Phá tan màn hắc ám,
Ðã đến bờ bên kia,
Bậc Ðại sĩ đạt được,
Quyền lực không lậu hoặc,
Ðạt thân mạng tối hậu
Trong ái diệt, giải thoát.
Vị ẩn sĩ như vậy,
Chắc mang thân tối hậu,
Ta nói rằng vị ấy
Từ bỏ được kiêu mạn,
Thoát khỏi được già lão,
Ðạt được bờ bên kia.
Như đứng trên tảng đá,
Trên đỉnh núi đầu non,
Ðưa mắt nhìn xung quanh,
Quần chúng dưới chân mình,
Cũng vậy bậc Thiện tuệ,
Leo lên lầu Chánh pháp
Biến nhãn không sầu muộn,
Nhìn xuống đám quần sanh,
Bị ưu tư sầu khổ,
Bị sanh già áp bức.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXXIX) (Duk. II, 2) (It. 33)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Có hai loại thuyết pháp của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng Giác, cái này tiếp nối cái kia. Thế nào là hai? “Hãy thấy ác là ác”, đây là thuyết pháp thứ nhất. Sau khi thấy ác là ác, ở đây, “Hãy nhàm chán, hãy từ bỏ, hãy thoát ly”, đây là thuyết pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, có hai loại thuyết pháp này của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, cái này tiếp nối cái kia.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với Như Lai, Phật Ðà,
Từ mẫn mọi chúng sanh,
Hãy thấy lời thuyết giảng,
Tuần tự pháp theo pháp,
Hai pháp được trình bày,
Một là hãy nhìn rõ,
Pháp ác là pháp ác
Và chính tại ở đây,
Từ bỏ, không tham đắm.
Từ đây, không tham đắm,
Hãy làm cho an tịnh,
Mọi khổ đau phiền não.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XL) (Duk. II, 3) (It. 34)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, vô minh đi trước, làm cho đạt được các pháp bất thiện; tiếp theo là không xấu hổ, không sợ hãi. Này các Tỷ-kheo, minh đi trước, làm cho đạt được các pháp thiện; tiếp theo là xấu hổ và sợ hãi.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Phàm có ác thú gì,
Ðời này và đời sau,
Tất cả do vô minh,
Làm gốc, làm cội rễ,
Dục tham được cất chứa,
Vì rằng kẻ ác dục,
Không xấu hổ, không kính,
Từ đó nó khởi ác,
Do vậy đi đọa xứ.
Vậy hãy nên từ bỏ,
Dục tham và vô minh,
Muốn minh được sanh khởi,
Tỷ-kheo cần từ bỏ
Tất cả mọi ác thú.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLI) (Duk. II, 4) (It. 35)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, những chúng sanh nào bị thối đọa khỏi Thánh trí tuệ, những chúng sanh ấy là khéo thối đọa, ngay trong hiện tại, họ an trú trong đau khổ, với tàn hại, với ưu não, với nhiệt não. Sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là ác thú. Này các Tỷ-kheo, những chúng sanh nào không bị thối đọa khỏi Thánh trí tuệ, những chúng sanh ấy không có thối đọa. Ngay trong hiện tại, họ an trú trong an lạc, không có tàn hại, không có ưu não, không có nhiệt não. Sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là thiện thú.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Thối đọa khỏi trí tuệ,
Hãy nhìn xem, thế giới
Với hàng ngũ chư Thiên,
An trú trong danh sắc,
Nghĩ rằng: “Ðây sự thật”
Nhưng thù thắng ở đời,
Lại chính là trí tuệ,
Chính tuệ dắt dẫn đến
Thể nhập được Niết-bàn,
Và chơn chánh quán tri,
Sự hoại diệt sanh hữu,
Chư Thiên và loài Người,
Hoan hỷ được chiêm ngưỡng,
Chư Phật Chánh Ðẳng Giác,
Những bậc giữ chánh niệm,
Ðầy đủ với trí tuệ,
Mang thâm này cuối cùng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLLII) (Duk. II, 5) (It. 36)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai pháp trắng này che chở cho đời. Thế nào là hai? Xấu hổ và sợ hãi. Này các Tỷ-kheo, nếu hai pháp này không che chở cho đời, thời ở đây không có sự phân biệt giữa mẹ, chị em của mẹ, vợ của anh em của mẹ hay giữa vợ của bậc giáo thọ sư, giữa những người vợ của những bậc đáng được kính trọng; thế giới sẽ rơi vào loạn luân như các loài dê cừu, gia cầm, heo, chó và các con chó rừng. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có hai pháp trắng này che chở cho đời, cho nên ở đây có sự phân biệt giữa mẹ, chị em của mẹ, vợ của anh em của mẹ, hay vợ của bậc giáo thọ sư, giữa những người vợ của những bậc đáng được kính trọng.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với những ai không có,
Xấu hổ và sợ hãi,
Liên tục và thường xuyên,
Họ đi xuống bào thai,
Dựa trên gốc tinh dịch
Họ đi đến sanh tử,
Với những ai chánh trí,
Xấu hổ và sợ hãi,
Liên tục và thường xuyên,
Vững trú trên Phạm hạnh,
Họ được sự an tịnh,
Tái sanh được diệt tận.
ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLIII) (Duk. II, 6) (It. 37)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra. Này các Tỷ-kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, thì ở đây không thể trình bày được sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra. Do vì, này các Tỷ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, nên có thể trình bày được sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Có cái sanh, hiện hữu,
Cái khởi lên làm ra,
Hữu vi không thường hằng,
Tác thành ra già chết,
Một ổ của bệnh hoạn,
Mỏng manh, giòn, dễ vỡ,
Nhờ đồ ăn nuôi dưỡng,
Nên mới được hiện hữu,
Vật ấy thật không đủ
Ðể hoan hỷ ưa thích,
Thật có cái xuất ly,
Ra khỏi được cái ấy,
Thật có vượt lý luận,
Thường hằng, không sanh khởi,
Không có cái khởi lên,
Con đường không cấu uế,
Không đưa đến sầu muộn,
Ðoạn diệt các pháp khổ,
Sự tịnh chỉ mọi hành,
An lạc thật tịnh lạc.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLIV) (Duk. III, 7) (It. 38)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai Niết-bàn giới này. Thế nào là hai? Niết-bàn giới có dư y và Niết-bàn giới không có dư y.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Niết-bàn giới có dư y? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Trong vị ấy, năm căn còn tồn tại, ngang qua các căn ấy, vị ấy hưởng thọ khả ý, không khả ý vì rằng tự ngã không có thương hại cảm giác lạc khổ. Với vị ấy, tham diệt, sân diệt, si diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Niết-bàn có dư y.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Niết-bàn giới không có dư y? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Ở đây, đối vị ấy, mọi cảm thọ đều không có hoan hỷ ưa thích, sẽ được lắng dịu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Niết-bàn không có dư y. Này các Tỷ-kheo có hai Niết-bàn giới này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này, ở đây điều này được nói đến.
Hai Niết-bàn giới này,
Ðược vị có pháp nhãn,
Trình bày và thuyết giảng,
Không y tựa như vậy,
Một loại Niết-bàn giới,
Ở đây, thuộc hiện tại
Còn có các dư y,
Nuôi dưỡng hữu bị diệt.
Không dư y Niết bàn,
Lại thuộc về tương lai,
Với vị đạt giới này,
Mọi hữu diệt hoàn toàn.
Những ai với chánh trí,
Biết con đường vô vi,
Tâm tư được giải thoát,
Nuôi dưỡng hữu bị diệt,
Những ai chứng đạt được
Gốc lõi của các pháp,
Hoan hỷ trong diệt tận,
Những vị ấy như vậy,
Ðã từ bỏ hoàn toàn,
Tất cả mọi sanh hữu.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLV) (Duk. II, 8) (It 39)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy sống ưa muốn ẩn dật thiền định, thích thú ẩn dật thiền định, chuyên chú nội tâm tịnh chỉ, không gián đoạn thiền tịnh, thành tựu quán tri, hành trì hạnh đi đến các ngôi nhà trống. Này các Tỷ-kheo sống ưa muốn ẩn dật thiền định, thích thú ẩn dật thiền tịnh, chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ, không gián đoạn thiền tịnh, thành tựu quán trí, hành tri hạnh đi đến các ngôi nhà trống, thời được chờ đợi là một trong hai quả này: ngay trong hiện tại được chánh trí, hay nếu có dư y, được quả Bất Lai.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Những ai tâm an tịnh,
Thông minh và thận trọng,
Chánh niệm tu thiền định,
Quán nhìn pháp chơn chánh,
Không chờ đợi ham muốn,
Ðối với các loại dục,
Ưa muốn không phóng dật,
Sống an tịnh có mặt,
Thấy được sự sợ hãi,
Trong nếp sống phóng dật,
Họ không bị thối đọa,
Họ đến gần Niết bàn.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLVI) (Duk. II, 9) (It. 40).
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy an trú cho lợi ích của học tập, cho trí tuệ tối thượng, cho lõi cây giải thoát, cho niệm được tăng thượng. Này các Tỷ-kheo, an trú cho lợi ích của học tập, cho trí tuệ tối thượng, cho lõi cây giải thoát, cho niệm được tăng thượng, thời được chờ đợi là một trong hai quả này: được chánh tri ngay trong hiện tại, hay nếu có dư y, chứng được Bất-lai.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Bậc hữu học viên mãn,
Không còn bị thối đọa,
Ðạt tối thượng trí tuệ,
Thấy sanh được diệt tận.
Ta nói chắc chắn rằng,
Ẩn sĩ Mâu-ni ấy,
Mang sắc thân cuối cùng.
Ðã từ bỏ kiêu mạn,
Ðã vượt qua bờ kia,
Thoát khỏi sự già yếu.
Do vậy hãy luôn luôn,
Vui trong thiền, thiền định,
Nhiệt tâm và nỗ lực,
Thấy sanh được diệt tận,
Hỡi này các Tỷ-kheo,
Hãy nhiếp phục ma quân,
Tu tập vượt qua được,
Thoát khỏi sự già chết.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LVIII) (Duk. II, 10) (It. 41)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải sống cảnh giác, chánh niệm, tỉnh giác, thiền định, hoan hỷ, tín thành, và ở đây quán tri đúng thời trong các pháp thiện. Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo sống cảnh giác, chánh niệm, tỉnh giác, thiền định, hoan hỷ, tín thành, quán tri đúng thời trong các pháp thiện, thời được chờ đợi là một trong hai quả này: Ðược chánh tri ngay trong hiện tại, hay nếu có dư y, chứng được Bất lai.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Hỡi các bậc cảnh giác,
Hãy lắng nghe điều này,
Những ai còn nằm ngủ,
Hãy thức dậy tỉnh thức,
Thức tỉnh là tốt hơn,
Hơn kẻ đang nằm ngủ,
Ðối với người thức tỉnh,
Không có sự sợ hãi,
Người thức tỉnh, thức giấc,
Chánh niệm và tỉnh giấc,
Thiền định, tâm hoan hỷ,
Nhiệt tình đầy tín thành,
Chơn chánh biết thời giờ,
Thắng quán đến Chánh pháp,
Ðạt được sự nhất tâm,
Quét sạch mọi tăm tối.
Do vậy hãy tu tập,
Thức tỉnh và nhiệt tình,
Vị Tỷ-kheo thông minh,
Thận trọng, chứng cảnh thiền,
Chặt đứt các kiết sử,
Trói buộc sanh với già,
Chính tại ở đời này,
Chứng chánh giác Vô thượng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLVIII) (Duk. II, 11) (It. 42)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người bị đọa lạc, bị đọa vào địa ngục nếu họ không đoạn tận lỗi lầm của họ. Thế nào là hai? Ai sống phi Phạm hạnh, lại tự cho sống Phạm hạnh. Ai đối với người sống Phạm hạnh viên mãn, thanh tịnh, lại buộc tội chỉ trích là phi Phạm hạnh không có căn cứ. Này các Tỷ-kheo, hai hạng người này bị đọa lạc, bị đọa vào địa ngục, nếu họ không đoạn tận lỗi lầm của họ.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai nói lời không chơn,
Rơi vào cõi địa ngục,
Ai sau khi đã làm,
Lại nói tôi không làm,
Cả hai sau khi chết,
Ðều đồng đẳng như nhau,
Họ đều là những người,
Làm các nghiệp hạ liệt,
Thuộc về cảnh đời sau,
Lại có rất nhiều người,
Tuy mang áo cà-sa,
Họ không có chế ngự,
Ðối với các pháp ác,
Do họ làm nghiệp ác,
Họ phải sanh địa ngục,
Tốt hơn đối với họ,
Là nuốt cục sắt tròn
Cháy đỏ như đống lửa,
Còn hơn kẻ ác giới,
Không biết có chế ngự,
Nếu có ăn dùng gì,
Các món ăn quốc độ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLIX) (Duk. II, 12) (It. 43)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, chư Thiên và loài Người bị xâm chiếm bởi hai tà kiến, một số người chấp chặt, một số người đi quá trớn, một số người có mắt thấy được.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là một số người chấp chặt? Này các Tỷ-kheo, có chư Thiên và loài Người ưa muốn sanh hữu, khi các pháp đoạn diệt sanh hữu được giảng cho họ, tâm họ không có phấn khởi, không có tín thành, không có an trú, không có bị lôi cuốn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đó là một số người chấp chặt.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là một số người đi quá trớn? Nhưng có một số người lo âu, xấu hổ, nhàm chán với sanh hữu, hoan hỷ, phi sanh hữu. Họ nói: “Vì rằng khi thân hoại mạng chung, tự ngã này bị chặt đứt, bị hoại diệt, không có tồn tại sau khi chết. Quan điểm này là thiết thực, là thù thắng, là chân thật”. Như vậy này các Tỷ-kheo, đó là một số người đi quá trớn.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là một số có mắt được thấy? Ở đây, Tỷ-kheo thấy sự sanh hữu là sanh hữu, sau khi thấy sự sanh hữu, vị ấy hướng đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt. Như vậy này các Tỷ-kheo, đó là những người có mắt được thấy.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Những ai đã thấy được
Sanh hữu là sanh hữu,
Thấy được sự vượt qua
Của sự sanh hữu ấy.
Những vị ấy giải thoát,
Ðối như thật hiện hữu,
Vì nhờ đoạn diệt được
Tham ái đối sanh hữu.
Nếu vị ấy liễu tri,
Sanh hữu là sanh hữu,
Vị ấy ly tham ái
Ðối hữu và phi hữu,
Tỷ-kheo quyết phi hữu,
Ðối với chính sanh hữu,
Sẽ không còn đi đến
Sanh đi rồi sanh lại.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.