Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Chương II – Hai Pháp

V. Phẩm Hội Chúng

1-10

1.- Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng nông nổi và hội chúng thâm sâu. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng nông nổi? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào có các Tỷ-kheo tháo động, kiêu căng, lắm mồm lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng nông nổi.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng thâm sâu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào có các Tỷ-kheo, không tháo động, không kiêu căng, không dao động, không lắm mồm lắm miệng, không lắm lời, không thất niệm, tỉnh giác, có định tĩnh, có nhất tâm, có các căn được bảo vệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng thâm sâu.

Này các Tỷ-kheo, có hai hội chúng này. Hội chúng tối thượng giữa hai hội chúng này, này các Tỷ-kheo, tức là hội chúng thâm sâu.

  1. Có hai loại hội chúng này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là hai? Hội chúng bất hòa và hội chúng hòa hợp. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng bất hòa? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ-kheo sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi, này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng bất hòa.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng hòa hợp? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ-kheo hòa hợp, hòa kính, không có đấu tranh, hòa hợp như sữa với nước, sống nhìn nhau với cặp mắt từ ái, này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng hòa hợp.

Này các Tỷ-kheo, có hai hội chúng này. Hội chúng tối thượng giữa hai hội chúng này, này các Tỷ-kheo, tức là hội chúng hòa hợp.

  1. Có hai loại hội chúng này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là hai? Hội chúng không thù thắng và hội chúng thù thắng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng không thù thắng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các trưởng lão Tỷ-kheo sống trong sự đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly, không có gia sức tinh tấn để đạt đến những gì chưa đạt, để chứng được những gì chưa chứng, để ngộ được những gì chưa ngộ. Còn lớp hậu nhân, tùy thuận hậu kiến của họ, sống trong sự đầy đủ, biếng nhác, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly, không có gia sức tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, để chứng được những gì chưa chứng, để ngộ được những gì chưa ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng không thù thắng.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng thù thắng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các trưởng lão Tỷ-kheo không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, từ bỏ gánh nặng đọa lạc, dẫn đầu trong đời sống viễn ly, có gia sức tinh tấn để đạt đến những gì chưa đạt, để chứng được những gì chưa chứng, để ngộ được những gì chưa ngộ. Còn lớp hậu nhân, tùy thuận hậu kiến của họ, không sống trong sự đầy đủ, không biếng nhác, từ bỏ gánh nặng đọa lạc, dẫn đầu trong đời sống viễn ly, có gia sức tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, để chứng được những gì chưa chứng, để ngộ được những gì chưa ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng thù thắng.

Này các Tỷ-kheo, có hai hội chúng này. Hội chúng tối thắng trong hai hội chúng này, này các Tỷ-kheo, tức là hội chúng thù thắng.

  1. Này các Tỷ-kheo, có hai hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng không phải Thánh và hội chúng bậc Thánh. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng không phải Thánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ-kheo không như thật rõ biết: “Ðây là khổ”; không như thật rõ biết: “Ðây là khổ tập”; không như thật rõ biết: “Ðây là khổ diệt”; không như thật rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng không phải Thánh.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng bậc Thánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ-kheo như thật rõ biết: “Ðây là khổ”; như thật rõ biết: “Ðây là khổ tập”; như thật rõ biết: “Ðây là khổ diệt”; như thật rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng bậc Thánh.

Này các Tỷ-kheo, có hai hội chúng này. Hội chúng tối thắng trong hai hội chúng này, này các Tỷ-kheo, tức là hội chúng bậc Thánh.

  1. Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng cặn bã và hội chúng tinh ba. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng cặn bã? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ-kheo đi đến con đường dục, đi đến con đường sân, đi đến con đường si, đi đến con đường sợ hãi, này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng cặn bã.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng tinh ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ-kheo không đi đến con đường dục, không đi đến con đường sân, không đi đến con đường si, không đi đến con đường sợ hãi, này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng tinh ba.

Này các Tỷ-kheo, đây là hai hội chúng này. Hội chúng tối thắng trong hai hội chúng này, này các Tỷ-kheo, tức là hội chúng tinh ba.

  1. Này các Tỷ-kheo, có hai hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng được huấn luyện trong khoa trương, không được huấn luyện trong chất vấn và hội chúng được huấn luyện trong chất vấn, không được huấn luyện trong khoa trương. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng được huấn luyện trong khoa trương, không được huấn luyện trong chất vấn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ-kheo đối với các kinh điển do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến không, khi các kinh điển ấy được thuyết giảng, họ không khéo nghe, không lóng tai, không an trú tâm để hiểu biết chúng, không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải lãnh thọ, cần phải học thuộc lòng. Nhưng đối với các kinh điển thi văn do thi sĩ làm ra, với các nguyên âm hoa mỹ, với các phụ âm hoa mỹ, các kinh thuộc ngoại giáo, được các đệ tử ngoại giáo nói lên, khi các kinh điển ấy được thuyết giảng, họ khéo nghe, họ lóng tai, họ an trú tâm để hiểu biết chúng, họ nghĩ rằng các pháp ấy cần phải lãnh thọ, cần phải học thuộc lòng. Và sau khi học thuộc lòng các pháp ấy, họ không hỏi đi hỏi lại cùng nhau, không có mở rộng ra để thảo luận với những câu hỏi như: “Cái này là gì? Thế nào là ý nghĩa của cái này?” Họ không mở rộng những gì được che kín, hạng không phơi bày những gì không được phơi bày, họ không giải nghi về những điểm nghi vấn trong Chánh pháp. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng được huấn luyện trong khoa trương, không được huấn luyện trong chất vấn.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng được huấn luyện trong chất vấn, không được huấn luyện trong khoa trương? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ-kheo đối với các kinh điển thi văn do thi sĩ làm ra, với các nguyên âm hoa mỹ, với các phụ âm hoa mỹ, các kinh thuộc ngoại giáo, được các đệ tử ngoại giáo nói lên, khi các kinh điển ấy được thuyết giảng, họ không khéo nghe, họ không lóng tai, họ không an trú tâm để hiểu biết chúng, họ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải lãnh thọ, cần phải học thuộc lòng. Nhưng đối với các kinh điển do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến không, khi các kinh điển ấy được thuyết giảng, họ khéo nghe, lóng tai, họ an trú tâm để hiểu biết chúng, họ nghĩ rằng các pháp ấy cần phải lãnh thọ, cần phải học thuộc lòng. Và sau khi học thuộc lòng các pháp ấy, họ hỏi đi hỏi lại cùng nhau, họ mở rộng ra để thảo luận với những câu hỏi như sau : “Cái này là gì? Thế nào là ý nghĩa của cái này?” Họ mở rộng những gì được che kín, họ phơi bày những gì không được phơi bày, họ giải nghi về các điểm nghi vấn trong Chánh pháp. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng được huấn luyện trong chất vấn, không được huấn luyện trong khoa trương.

Này các Tỷ-kheo, có hai hội chúng này. Hội chúng tối thắng trong hai hội chúng này, này các Tỷ-kheo, tức là hội chúng được huấn luyện trong chất vấn, không được huấn luyện trong khoa trương.

  1. Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng tôn trọng tài vật, không tôn trọng diệu pháp và hội chúng tôn trong diệu pháp, không tôn trọng tài vật. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng tôn trọng tài vật, không tôn trọng diệu pháp? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ-kheo trước mặt các gia chủ bận áo trắng, tự tán thán lẫn nhau như sau: “Tỷ-kheo này là bậc giải thoát cả hai phần, Tỷ-kheo này là bậc tuệ giải thoát, Tỷ-kheo này là bậc Thân chứng, Tỷ-kheo này là bậc Kiến chí, Tỷ-kheo này là bậc Tín giải thoát, Tỷ-kheo này là bậc Tuệ giải thoát, Tỷ-kheo này là bậc Tùy pháp hành, Tỷ-kheo này là bậc Tùy tín hành, Tỷ-kheo này là bậc có giới hạnh, theo thiện pháp, Tỷ-kheo này là kẻ Ác giới, theo Ác pháp”. Do vậy, họ được các lợi dưỡng. Sau khi được các lợi dưỡng, họ thọ hưởng, bị trói buộc, mê say, đắm trước, không thấy các sự nguy hại, không hiểu rõ sự giải thoát khỏi các lợi dưỡng ấy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng tôn trọng tài vật, không tôn trọng diệu pháp.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng tôn trọng diệu pháp, không tôn trọng tài vật? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ-kheo trước mặt các gia chủ bận áo trắng, không tự tán thán lẫn nhau như sau: “Tỷ-kheo này là bậc giải thoát cả hai phần, Tỷ-kheo này là bậc tuệ giải thoát, Tỷ-kheo này là bậc Thân chứng, Tỷ-kheo này là bậc Kiến chí, Tỷ-kheo này là bậc Tín giải thoát, Tỷ-kheo này là bậc Tùy pháp hành, Tỷ-kheo này là bậc Tùy tín hành, Tỷ-kheo này là bậc có giới hạnh, theo thiện pháp, Tỷ-kheo này là kẻ Ác giới, theo Ác pháp”. Do vậy, họ được các lợi dưỡng, họ thọ hưởng các lợi dưỡng ấy, không bị trói buộc, không bị mê say, không đắm trước, thấy các sự nguy hại, hiểu rõ sự giải thoát khỏi các lợi dưỡng ấy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng tôn trọng diệu pháp, không tôn trọng tài vật. Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng này. Hội chúng tối thắng trong hai hội chúng này, này các Tỷ-kheo, tức là hội chúng tôn trọng diệu pháp, không tôn trọng tài vật.

  1. Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng không đồng đẳng và hội chúng đồng đẳng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng không đồng đẳng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, nghiệp phi pháp được thi hành, nghiệp đúng pháp không được thi hành, nghiệp phi luật được thi hành, nghiệp đúng luật không được thi hành, nghiệp phi pháp được phát huy, nghiệp đúng pháp không được phát huy, nghiệp phi luật được phát huy, nghiệp đúng luật không được phát huy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng không đồng đẳng.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng đồng đẳng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, nghiệp đúng pháp được thi hành, nghiệp phi pháp không được thi hành, nghiệp đúng luật được thi hành, nghiệp phi luật không được thi hành, nghiệp đúng pháp được phát huy, nghiệp phi pháp không được phát huy, nghiệp đúng luật được phát huy, nghiệp phi luật không được phát huy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng đồng đẳng. Này các Tỷ Kheo, có hai loại hội chúng này. Hội chúng tối thắng trong hai hội chúng này tức là hội chúng đồng đẳng.

  1. Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng phi pháp và hội chúng đúng pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai hội chúng này. Hội chúng tối thắng trong hai hội chúng này, này các Tỷ-kheo, tức là hội chúng đúng pháp.
  2. Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng thuyết phi pháp và hội chúng thuyết đúng pháp. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng thuyết phi pháp? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ-kheo khởi sự tranh tụng hợp pháp hay phi pháp. Sau khi khởi lên sự tranh tụng ấy, họ không tin cho nhau biết và không tìm cách tin cho nhau biết, họ không hòa giải cùng nhau và không tìm cách đi đến hòa giải. Họ cương quyết không tin cho nhau biết, họ cương quyết không hòa giải với nhau, họ không từ bỏ tranh tụng ấy, họ kiên trì tranh tụng ấy, chấp thủ, thiên chấp và tuyên bố: “Chỉ có đây mới là sự thật, ngoài ra là hư ngụy”. Này các Tỷ-kheo, đây là hội chúng thuyết phi pháp.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hội chúng thuyết đúng pháp? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ-kheo khởi lên sự tranh tụng hợp pháp hay phi pháp. Sau khi khởi lên sự tranh tụng ấy, họ tin cho nhau biết và tìm cách tin cho nhau biết, họ hòa giải cùng nhau và tìm cách đi đến hòa giải. Họ cương quyết tin cho nhau biết và cương quyết hòa giải với nhau, họ từ bỏ tranh tụng ấy, họ không kiên trì tranh tụng ấy, không chấp thủ, không thiên chấp và không tuyên bố: “Chỉ có đây là sự thật, ngoài ra là hư ngụy”. Này các Tỷ-kheo, đây là hội chúng thuyết đúng pháp.

Này các Tỷ-kheo, có hai loại hội chúng này. Hội chúng tối thắng trong hai hội chúng này, tức là hội chúng thuyết đúng pháp.

Kinh Tăng Chi Bộ – Chương II – Hai Pháp – V. Phẩm Hội Chúng

Bài viết liên quan

Mục lục KINH TĂNG CHI BỘ 174 bài-tiếng Việt:

Giới thiệu:
Kinh Anguttara Nikàya, dịch là Kinh Tăng Chi Bộ, là bộ thứ tư trong năm bộ kinh tạng Pali: Dìgha Nikàya (Kinh Trường Bộ), Majjhima Nikàya (Kinh Trung Bộ), Samyutta Nikàya (Kinh Tương Ưng Bộ), Anguttara Nikàya (Kinh Tăng Chi Bộ), và Khuddaka Nikàya (Kinh Tiểu Bộ).

Bộ kinh nầy được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tạng Pali sang Việt ngữ năm 1976-1977, và được Viện Phật Học Vạn Hạnh, Sài Gòn, ấn hành năm 1980-1981. Trong chương trình phiên dịch và ấn hành Ðại tạng kinh Việt Nam, bộ kinh được hiệu đính thành 4 tập và tái bản năm 1996, qua số thứ tự 21, 22, 23, và 24.

Kinh Tăng Chi Bộ là một bộ kinh được sắp theo pháp số, từ một pháp đến mười một pháp, phân thành 11 chương (nipàtas). Mỗi chương lại chia thành nhiều phẩm (vaggas). Chương Một Pháp (Ekaka Nipàta) gồm các kinh đề cập đến một pháp. Chương Hai Pháp (Duka Nipàta) gồm các kinh có liên quan đến hai pháp, v.v… và tuần tự như thế đến Chương Mười Một Pháp (Ekàdasaka Nipata) gồm các kinh có đề cập đến 11 pháp. Tổng cộng số kinh được ghi nhận là 2,308 bài kinh, nhưng con số này không thống nhất vì số kinh phân biệt không được rõ ràng, và có học giả tính theo số đoạn, tổng cộng là 7,557.

Kinh Tăng Chi Bộ của tạng Pali có bộ chữ Hán tương đương là Kinh Tăng Nhất A-hàm (Ekottara-Agama) do ngài Tăng-già Ðề-bà (Sanghadeva) dịch từ bộ chữ Sanskrit năm 397 TL, trong đời nhà Tiền Tần, và đã được quí ngài Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Thích Thanh Từ dịch sang Việt văn (Ðại tạng kinh Việt Nam, số 25, 26, 27).

Chương Một Pháp

Chương Bảy Pháp

Chương Tám Pháp

Chương Chín Pháp

Chương Mười Một Pháp

Link xem nhanh các bộ kinh chính yếu trong Tam Tạng Thánh Ðiển:

(Xem chi tiết sơ đồ)

A. TẠNG LUẬT (VINAYAPIṬAKA)

  1. Phân tích giới
  2. Đại phẩm
  3. Tiểu phẩm
  4. Tập yếu

B. TẠNG KINH (SUTTANTAPIṬAKA)

  1. Trường bộ
  2. Trung bộ
  3. Tương ưng bộ
  4. Tăng chi bộ
  5. Tiểu bộ

C. TẠNG VÔ TỶ PHÁP (ABHIDHAMMAPIṬAKA)

  1. Pháp tụ
  2. Phân tích
  3. Chất ngữ
  4. Nhân chế định
  5. Biện giải
  6. Song đối
  7. Vị trí
Print
Email
Facebook
Twitter
LinkedIn
Skype
Telegram
Pocket
WhatsApp

Bạn đang xem bài viết: Kinh Tăng Chi Bộ – Chương II – Hai Pháp – V. Phẩm Hội Chúng