Ðại Tạng Kinh Việt Nam

Tăng Chi Bộ Kinh
Anguttara Nikàya

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Chương Năm Pháp

Phẩm 01-06

I. Phẩm Sức Mạnh Hữu Học

(I) (1) Tóm Lược

  1. Như vậy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

  1. – Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này, cuả bậc Hữu học. Thế nào là năm? Tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực. Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của bậc hữu học.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau:

  1. “Tôi sẽ thành tựu tín lực, được gọi là hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu tàm lực, được gọi là hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu quý lực, được gọi là hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu tinh tấn lực, được gọi là hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu tuệ lực, được gọi là hữu học lực”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

(II) (2) Rộng Rãi

  1. – Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của bậc Hữu học. Thế nào là năm? Tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín lực?

  1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tín lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tàm lực?

  1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng hổ thẹn, hổ thẹn đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, hổ thẹn đối với các pháp ác, bất thiện được thực hiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tàm lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là quý lực?

  1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sợ hãi đối với các pháp ác, bất thiện được thực hiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là quý lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh tấn lực?

  1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì tinh tấn, không từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tinh tấn lực.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ lực?

  1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với sự thể nhập bậc Thánh vào con đường đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ lực.

Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm sức mạnh của bậc Hữu học. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau:

  1. “Ta sẽ thành tựu tín lực, được gọi là hữu học lực… tàm lực… quý lực… tinh tấn lực… ta sẽ thành tựu tuệ lực, được gọi là hữu học lực”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

(III) (3) Khổ

  1. – Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống đau khổ, với tổn não, với ưu não, với nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có lòng tin, không có lòng hổ thẹn, không có lòng sợ hãi, biếng nhác, ác tuệ. Thành tựu với năm pháp này, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại sống đau khổ, với tổn não, với ưu não, với nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú.

  1. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành.

(IV) (4) Tương Xứng

  1. – Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có lòng tin, không có lòng hổ thẹn, không có lòng sợ hãi, biếng nhác, có ác tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục.

  1. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương xứng như vậy, được sanh vào cõi Trời. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương xứng như vậy được sanh vào cõi Trời.

(V) (5) Học Pháp

  1. – Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, từ bỏ học pháp, trở lui đời sống thế tục, năm vấn đề hợp pháp để tự trách và chỉ trích đến với vị ấy ngay trong hiện tại. Thế nào là năm?
  2. “Trong Thầy (vị ấy nghĩ) không có lòng tín đối với các thiện pháp; trong Thầy không có lòng hổ thẹn đối với các bất thiện pháp; trong Thầy không có lòng sợ hãi đối với các bất thiện pháp; trong Thầy không có tinh tấn đối với các thiện pháp; trong Thầy không có trí tuệ đối với các thiện pháp. Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, từ bỏ học pháp, trở lui đời sống thế tục, năm vấn đề hợp pháp này để tự trách và chỉ trích đến với vị ấy ngay trong hiện tại.
  3. Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, dầu với đau khổ, với ưu tư, với mặt đầy nước mắt, than khóc, vẫn sống đời sống Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, năm vấn đề hợp pháp để tự tán thán đế với vị ấy ngay trong hiện tại. Thế nào là năm? “Trong Thầy (vị ấy nghĩ) có lòng tin đối với các thiện pháp; trong Thầy có lòng hổ thẹn đối với các bất thiện pháp; trong Thầy có lòng sợ hãi đối với các bất thiện pháp; trong Thầy có lòng tinh tấn đối với các thiện pháp; trong Thầy có trí tuệ đối với các thiện pháp. Tỷ kheo hay Tỷ kheo ni nào, này các Tỷ kheo, dầu với đau khổ, với ưu tư, với mặt đầy nước mắt, khóc than vẫn sống đời sống Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, năm vấn đề hợp pháp để tự tán thán này đến với vị ấy ngay trong hiện tại.

(VI) (6) Bước Vào

  1. – Không có sự bước vào bất thiện, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào có lòng tin an trú vào các thiện pháp. Khi nào lòng tin biến mất, này các Tỷ-kheo, lòng không tin khởi lên và tồn tại, thời có sự bước vào bất thiện.

2-5. Không có sự bước vào bất thiện, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào có lòng hổ thẹn… lòng sợ hãi… tinh tấn… trí tuệ an trú vào các thiện pháp. Khi nào lòng hổ thẹn… lòng sợ hãi… tinh tấn… trí tuệ biến mất, này các Tỷ-kheo, không xấu hổ… không sợ hãi… biếng nhác… ác tuệ khởi lên và tồn tại, thời có sự bước vào bất thiện.

(VII) (7) Dục Vọng

  1. – Phần lớn, này các Tỷ-kheo, các loại hữu tình tìm được lạc thú trong các dục. Với thiện nam tử, này các Tỷ-kheo, đã bỏ một bên lưỡi liềm và đòn gánh, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy vừa đủ để được gọi: “Vị thiện nam tử vì lòng tin xuất gia”. Vì cớ sao?
  2. Các dục, này các Tỷ-kheo, được tìm thấy với tuổi trẻ, các dục này hay các dục khác. Và này các Tỷ-kheo, các dục hạ liệt, các dục trung đẳng, và các dục tối thắng, tất cả dục đều được chấp nhận là các dục.
  3. Ví như, này các Tỷ-kheo, có đứa con nít, trẻ nhỏ, ngây thơ đang nằm ngửa, do người vú vô ý, đứa nhỏ cầm một cây que hay hòn sạn cho vào miệng. Người vú hầu ấy phải mau chóng tác ý. Sau khi mau chóng tác ý, phải mau chóng móc cho ra. Nếu không có thể mau chóng móc ra được, thời với tay trái nắm đầu nó, với tay mặt, lấy ngón tay làm như cái móc, móc cho vật ấy ra, dầu có phải chảy máu. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, làm như vậy, có hại cho đứa trẻ. Ta nói rằng không phải không có hại. Như vậy, này các Tỷ kheo, người vú hầu phải làm như vậy vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn (đứa trẻ). Nhưng này các Tỷ-kheo, khi đức trẻ ấy đã lớn lên, và có đủ trí khôn, người vú hầu ấy không săn sóc nó nữa, nghĩ rằng: “Nay đứa trẻ đã biết tự bảo vệ mình, không phóng dật nữa”.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào vị Tỷ-kheo chưa gây được lòng tin đối với các thiện pháp, chưa gây được lòng hổ thẹn đối với các bất thiện pháp, chưa gây được lòng sợ hãi đối với các bất thiện pháp, chưa gây được tinh tấn đối với các thiện pháp; chưa gây được trí tuệ đối với các thiện pháp, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta cần phải phòng hộ Tỷ-kheo ấy. Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo gây được lòng tin đối với các thiện pháp, gây được lòng hổ thẹn đối với các bất thiện pháp, gây được lòng sợ hãi đối với các bất thiện pháp, gây được lòng tinh tấn đối với các thiện pháp; gây được trí tuệ đối với các thiện pháp, thời khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta không còn săn sóc Tỷ-kheo ấy, nghĩ rằng: “Nay Tỷ-kheo ấy đã biết tự bảo vệ mình, không còn phóng dật nữa”.

(VIII) (8) Từ Bỏ

1.- Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Thế nào là năm?

  1. Không có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Không có lòng hổ thẹn, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Không có lòng sợ hãi, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Biếng nhác, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Không có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp.
  2. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Thế nào là năm? Có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Có lòng hổ thẹn… có lòng sợ hãi… có tinh tấn… có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu pháp.

(IX) (9) Không Tôn Kính (1)

  1. – Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Thế nào là năm?
  2. Không có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Không có lòng hổ thẹn… không có lòng sợ hãi… biếng nhác… không có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, từ bỏ, không an trú trong diệu pháp.
  3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Thế nào là năm?
  4. Có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Có lòng hổ thẹn… có lòng sợ hãi… có tinh tấn… có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú trong diệu pháp.

(X) (10) Không Tôn Kính (2)

  1. – Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Thế nào là năm?
  2. Không có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Không có lòng hổ thẹn… không có lòng sợ hãi… biếng nhác… có ác trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này.
  3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Thế nào là năm?
  4. Có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Có lòng hổ thẹn… có lòng sợ hãi… tinh tấn… có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này.

 

Kinh Tăng Chi Bộ – Chương V – Năm Pháp – I . Phẩm Sức Mạnh Hữu Học

Bài viết liên quan

Mục lục KINH TĂNG CHI BỘ 174 bài-tiếng Việt:

Giới thiệu:
Kinh Anguttara Nikàya, dịch là Kinh Tăng Chi Bộ, là bộ thứ tư trong năm bộ kinh tạng Pali: Dìgha Nikàya (Kinh Trường Bộ), Majjhima Nikàya (Kinh Trung Bộ), Samyutta Nikàya (Kinh Tương Ưng Bộ), Anguttara Nikàya (Kinh Tăng Chi Bộ), và Khuddaka Nikàya (Kinh Tiểu Bộ).

Bộ kinh nầy được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tạng Pali sang Việt ngữ năm 1976-1977, và được Viện Phật Học Vạn Hạnh, Sài Gòn, ấn hành năm 1980-1981. Trong chương trình phiên dịch và ấn hành Ðại tạng kinh Việt Nam, bộ kinh được hiệu đính thành 4 tập và tái bản năm 1996, qua số thứ tự 21, 22, 23, và 24.

Kinh Tăng Chi Bộ là một bộ kinh được sắp theo pháp số, từ một pháp đến mười một pháp, phân thành 11 chương (nipàtas). Mỗi chương lại chia thành nhiều phẩm (vaggas). Chương Một Pháp (Ekaka Nipàta) gồm các kinh đề cập đến một pháp. Chương Hai Pháp (Duka Nipàta) gồm các kinh có liên quan đến hai pháp, v.v… và tuần tự như thế đến Chương Mười Một Pháp (Ekàdasaka Nipata) gồm các kinh có đề cập đến 11 pháp. Tổng cộng số kinh được ghi nhận là 2,308 bài kinh, nhưng con số này không thống nhất vì số kinh phân biệt không được rõ ràng, và có học giả tính theo số đoạn, tổng cộng là 7,557.

Kinh Tăng Chi Bộ của tạng Pali có bộ chữ Hán tương đương là Kinh Tăng Nhất A-hàm (Ekottara-Agama) do ngài Tăng-già Ðề-bà (Sanghadeva) dịch từ bộ chữ Sanskrit năm 397 TL, trong đời nhà Tiền Tần, và đã được quí ngài Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Thích Thanh Từ dịch sang Việt văn (Ðại tạng kinh Việt Nam, số 25, 26, 27).

Chương Một Pháp

Chương Bảy Pháp

Chương Tám Pháp

Chương Chín Pháp

Chương Mười Một Pháp

Link xem nhanh các bộ kinh chính yếu trong Tam Tạng Thánh Ðiển:

(Xem chi tiết sơ đồ)

A. TẠNG LUẬT (VINAYAPIṬAKA)

  1. Phân tích giới
  2. Đại phẩm
  3. Tiểu phẩm
  4. Tập yếu

B. TẠNG KINH (SUTTANTAPIṬAKA)

  1. Trường bộ
  2. Trung bộ
  3. Tương ưng bộ
  4. Tăng chi bộ
  5. Tiểu bộ

C. TẠNG VÔ TỶ PHÁP (ABHIDHAMMAPIṬAKA)

  1. Pháp tụ
  2. Phân tích
  3. Chất ngữ
  4. Nhân chế định
  5. Biện giải
  6. Song đối
  7. Vị trí
Print
Email
Facebook
Twitter
LinkedIn
Skype
Telegram
Pocket
WhatsApp

Bạn đang xem bài viết: Kinh Tăng Chi Bộ – Chương V – Năm Pháp – I . Phẩm Sức Mạnh Hữu Học