Ðại Tạng Kinh Việt Nam

Tăng Chi Bộ Kinh
Anguttara Nikàya

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Chương Năm Pháp

Phẩm 19 – 26

XXI. Phẩm Kimbila

(I) (201) Kimbila

  1. Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbila, tại Veluvana. Rồi Tôn giả Kimbila đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kimbila bạch Thế Tôn:
  2. – Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, sau khi Như Lai nhập diệt, Chánh pháp không được an trú lâu ngày?

– Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không tôn trọng, không vâng lời bậc Ðạo sư; sống không tôn trọng, không vâng lời Pháp; sống không tôn trọng, không vâng lời chúng Tăng; sống không tôn trọng, không vâng lời học pháp; sống không tôn trọng, không vâng lời lẫn nhau. Do nhân này, do duyên này, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp không được an trú lâu ngày.

  1. Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, sau khi Như Lai nhập diệt, Chánh pháp được an trú lâu ngày?

– Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống tôn trọng và vâng lời bậc Ðạo sư; sống tôn trọng và vâng lời Pháp; sống tôn trọng và vâng lời chúng Tăng; sống tôn trọng và vâng lời học pháp; sống tôn trọng và vâng lời lẫn nhau. Ðây là nhân, đây là duyên, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp được tồn tại lâu dài.

(II) (202) Nghe Pháp

  1. – Này các Tỷ-kheo, nghe pháp có năm lợi ích này. Thế nào là năm?
  2. Ðược nghe điều chưa nghe, làm cho trong sạch điều được nghe, đoạn trừ nghi, làm cho tri kiến chánh trực, làm cho tâm tịnh tín.

Này các Tỷ-kheo, nghe pháp có năm lợi ích này.

(III) (203) Con Ngựa Thuần

  1. Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, một con ngựa hiền thiện thuần chủng của vua, xứng đáng là của vua, là tài sản của vua và được gọi là biểu tượng của vua. Thế nào là năm?
  2. Trực hành, chạy nhanh, nhu nhuyến lanh lẹ, nhẫn nhục, hiền lành. Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, một con ngựa hiền thiện thuần chủng của vua, xứng đáng là của vua, là tài sản của vua và được gọi là biểu tượng của vua.
  3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu năm pháp, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng đường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời. Thế nào là năm?
  4. Trực hành, chạy nhanh, nhu nhuyến lanh lẹ, nhẫn nhục, hiền lành.

Thành tựu năm pháp, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng đường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời.

(IV) (204) Các Sức Mạnh

  1. – Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này. Thế nào là năm?
  2. Tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực.

Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này.

(V) (205) Tâm Hoang Vu

  1. – Này các Tỷ-kheo, có năm tâm hoang vu này. Thế nào là năm?
  2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nghi ngờ bậc Ðạo Sư, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ bậc Ðạo Sư, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, thời tâm của vị này không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Như vậy là tâm hoang vu thứ nhất.
  3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nghi ngờ Pháp… nghi ngờ Tăng… nghi ngờ học pháp… phẫn nộ đối với các vị đồng Phạm hạnh, không có hoan hỷ, tâm tư chống đối cứng rắn. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào phẫn nộ đối với các vị đồng Phạm hạnh, không có hoan hỷ, tâm tư chống đối cứng rắn, thời tâm của vị này không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Như vậy là tâm hoang vu thứ năm.

Này các Tỷ-kheo, có năm tâm hoang vu này.

(VI) (206) Tâm Triền Phược

  1. Này các Tỷ-kheo, có năm tâm triền phược này. Thế nào là năm?
  2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với cái dục, không phải không tham ái, không phải không dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt não, không phải không khát ái. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đối với cái dục, không phải không tham ái… không phải không khát ái, tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ nhất.
  3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với thân không phải không tham ái… đối với sắc… Tỷ-kheo nào ăn cho đến thỏa thê, cho đến bụng chứa đầy, sống thiên nặng về khoái lạc sàng tọa, về khoái lạc ngủ nghỉ, về khoái lạc thụy miên, Tỷ-kheo nào sống Phạm hạnh với mong cầu được sanh Thiên giới, với ý nghĩ: “Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này, với Phạm hạnh này sẽ được sanh làm chư Thiên này hay chư Thiên khác!”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào sống Phạm hạnh… như vậy là tâm triền phược thứ năm.

Này các Tỷ-kheo, có năm tâm triền phược này.

(VII) (207) Cháo

  1. – Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này của cháo. Thế nào là năm?
  2. Trị đói, trừ khát, điều hòa phong, làm sạch bọng đái (hay thuyết quản) và tiêu hóa các đồ ăn sống còn lại.

Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này của cháo.

(VII) (208) Tăm Xỉa Răng

  1. – Này các Tỷ-kheo, có năm điều nguy hại do không dùng tăm xỉa răng. Thế nào là năm?
  2. Con mắt bị ảnh hưởng, miệng hôi thúi, thần kinh vị không trong sạch, nước mật và đàm dính vào đồ ăn, ăn không thấy ngon.

Này các Tỷ-kheo, có năm điều nguy hại này do không dùng tăm xỉa răng.

  1. Này các Tỷ-kheo, có năm điều lợi ích nhờ dùng tăm xỉa răng. Thế nào là năm?
  2. Con mắt không bị ảnh hưởng, miệng không hôi thúi, thần kinh vị được trong sạch, nước mật và đàm không dính vào đồ ăn, ăn thấy ngon.

Này các Tỷ-kheo, có năm điều lợi ích nhờ dùng tăm xỉa răng.

(IX) (209) Thuyết Pháp Với Giọng Ca

  1. – Này các Tỷ-kheo, có năm điều nguy hại với người thuyết pháp với giọng ca kéo dài. Thế nào là năm?
  2. Tự mình say đắm trong âm giọng ấy; người khác say đắm trong âm giọng ấy; các người gia chủ phê bình: “Như chúng ta hát, cũng vậy, các Sa-môn Thích tử này ca hát”; vì vị ấy cố gắng rèn luyện cho âm thanh điêu luyện nên định bị gián đoạn; các thế hệ sau bắt chước.

Này các Tỷ-kheo, có năm điều nguy hại với người thuyết pháp với giọng ca kéo dài.

(X) (210) Thất Niệm

  1. – Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này đối với người thất niệm, không tỉnh giác rơi vào giấc ngủ. Thế nào là năm?
  2. Ngủ một cách khổ sở; thức dậy một cách khổ sở; thấy ác mộng; chư Thiên không phòng hộ; bất tịnh chảy ra, mộng tinh, di tinh.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này đối với người thất niệm, không tỉnh giác rơi vào giấc ngủ.

  1. Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này đối với người trú niệm, tỉnh giác rơi vào giấc ngủ. Thế nào là năm?
  2. Ngủ một các ngon lành; thức dậy một cách ngon lành; không thấy ác mộng; chư Thiên phòng hộ; bất tịnh không chảy ra.

Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này đối với người trú niệm, tỉnh giác rơi vào giấc ngủ.

 

Kinh Tăng Chi Bộ – Chương V – Năm Pháp – XXI. Phẩm Kimbila

Bài viết liên quan

Mục lục KINH TĂNG CHI BỘ 174 bài-tiếng Việt:

Giới thiệu:
Kinh Anguttara Nikàya, dịch là Kinh Tăng Chi Bộ, là bộ thứ tư trong năm bộ kinh tạng Pali: Dìgha Nikàya (Kinh Trường Bộ), Majjhima Nikàya (Kinh Trung Bộ), Samyutta Nikàya (Kinh Tương Ưng Bộ), Anguttara Nikàya (Kinh Tăng Chi Bộ), và Khuddaka Nikàya (Kinh Tiểu Bộ).

Bộ kinh nầy được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ tạng Pali sang Việt ngữ năm 1976-1977, và được Viện Phật Học Vạn Hạnh, Sài Gòn, ấn hành năm 1980-1981. Trong chương trình phiên dịch và ấn hành Ðại tạng kinh Việt Nam, bộ kinh được hiệu đính thành 4 tập và tái bản năm 1996, qua số thứ tự 21, 22, 23, và 24.

Kinh Tăng Chi Bộ là một bộ kinh được sắp theo pháp số, từ một pháp đến mười một pháp, phân thành 11 chương (nipàtas). Mỗi chương lại chia thành nhiều phẩm (vaggas). Chương Một Pháp (Ekaka Nipàta) gồm các kinh đề cập đến một pháp. Chương Hai Pháp (Duka Nipàta) gồm các kinh có liên quan đến hai pháp, v.v… và tuần tự như thế đến Chương Mười Một Pháp (Ekàdasaka Nipata) gồm các kinh có đề cập đến 11 pháp. Tổng cộng số kinh được ghi nhận là 2,308 bài kinh, nhưng con số này không thống nhất vì số kinh phân biệt không được rõ ràng, và có học giả tính theo số đoạn, tổng cộng là 7,557.

Kinh Tăng Chi Bộ của tạng Pali có bộ chữ Hán tương đương là Kinh Tăng Nhất A-hàm (Ekottara-Agama) do ngài Tăng-già Ðề-bà (Sanghadeva) dịch từ bộ chữ Sanskrit năm 397 TL, trong đời nhà Tiền Tần, và đã được quí ngài Hòa thượng Thích Thiện Siêu và Thích Thanh Từ dịch sang Việt văn (Ðại tạng kinh Việt Nam, số 25, 26, 27).

Chương Một Pháp

Chương Bảy Pháp

Chương Tám Pháp

Chương Chín Pháp

Chương Mười Một Pháp

Link xem nhanh các bộ kinh chính yếu trong Tam Tạng Thánh Ðiển:

(Xem chi tiết sơ đồ)

A. TẠNG LUẬT (VINAYAPIṬAKA)

  1. Phân tích giới
  2. Đại phẩm
  3. Tiểu phẩm
  4. Tập yếu

B. TẠNG KINH (SUTTANTAPIṬAKA)

  1. Trường bộ
  2. Trung bộ
  3. Tương ưng bộ
  4. Tăng chi bộ
  5. Tiểu bộ

C. TẠNG VÔ TỶ PHÁP (ABHIDHAMMAPIṬAKA)

  1. Pháp tụ
  2. Phân tích
  3. Chất ngữ
  4. Nhân chế định
  5. Biện giải
  6. Song đối
  7. Vị trí
Print
Email
Facebook
Twitter
LinkedIn
Skype
Telegram
Pocket
WhatsApp

Bạn đang xem bài viết: Kinh Tăng Chi Bộ – Chương V – Năm Pháp – XXI. Phẩm Kimbila