Tiểu Bộ – Khuddhaka Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Như Thị Ngữ)
Itivuttaka
Chương Một – Một Pháp
Phẩm II
(XI) (Ek II, 1) (It. 6)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri, không liễu tri Si, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Si, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với si, bị si mê,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ si mê ấy,
Từ bỏ không bao giờ,
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XII) Ek II, 2) (It. 7)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Phẫn nộ, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Phẫn nộ, ở đây tâm ly tham, từ bỏ có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với phẫn nộ phẫn uất,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí,
Từ bỏ phẫn nộ ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XIII) (Ek II, 3) (It. 7)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Gièm pha, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Gièm pha, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với gièm pha gièm người,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ, gièm pha ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XIV) (Ek II, 4) (It. 7)
Ðiều này được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một triền cái nào khác, do bị bao trùm bởi triền cái ấy, chúng sanh trong một thời gian dài, lưu chuyển. Này các Tỷ-kheo, tức là Vô minh triền cái. Này các Tỷ-kheo, bị bao trùm bởi Vô minh triền cái, chúng sanh trong một thời gian dài chạy dài, lưu chuyển.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Không có một pháp khác,
Quần sanh bị bao phủ,
Ngày đêm chạy lưu chuyển,
Như bao phủ bởi si
Và ai đoạn diệt si,
Ðâm thủng khối u ám,
Họ không lưu chuyển nữa,
Trong họ, nhân không còn.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XV) (Ek II, 5) (It. 8)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một kiết sử nào khác, do bị cột bởi kiết sử ấy, chúng sanh trong một thời gian dài, chạy dài, lưu chuyển, này các Tỷ-kheo tức là Ái kiết sử. Này các Tỷ-kheo, bị cột với ái kiết sử, chúng sanh trong một thời gian dài, chạy dài lưu chuyển.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Người có ái làm bạn,
Thời gian dài, lưu chuyển,
Không vượt được lưu chuyển,
Sanh hữu vậy hay khác.
Ai biết nguy hiểm này,
Biết ái tác thành khổ,
Bỏ ái, không chấp trước,
Tỷ-kheo giữ chánh niệm,
Bỏ gia đình xuất gia,
Sống nếp sống như vậy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XVI) (Ek II. 6) (It. 9)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, với vị Tỷ-kheo hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các triền ách, sau khi làm thành nội chi phần, Ta không thấy một chi phần nào khác, được nhiều lợi ích như vậy, này các Tỷ-kheo, tức là Như lý tác ý. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tác như lý tác ý, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Vị Tỷ kheo hữu học,
Hành như lý tác ý,
Không một pháp nào khác,
Nhiều lợi ích như vậy.
Ðể đạt cho bằng được,
Lợi ích thật tối thượng.
Vị Tỷ kheo như lý,
Tinh tấn và tinh cần,
Có thể thành đạt được,
Sư đoạn diệt khổ đau.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XVII) (Ek II. 7) (It. 10)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, với vị Tỷ-kheo hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các triền ách, sau khi làm thành ngoại chi phần, Ta không thấy một chi phần nào khác, được nhiều lợi ích như vậy, này các Tỷ-kheo, tức là làm bạn với thiện. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo làm bạn với thiện, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Tỷ-kheo làm bạn thiện,
Tôn kính và kính trọng,
Làm theo những lời nói,
Của bạn bè thân hữu,
Tỉnh giấc và chánh niệm,
Vị ấy sẽ tuần tự,
Ðạt được sự hoại diệt,
Tất cả mọi kiết sử.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XVIII) (Ek II, 8) (It. 10)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại bất hạnh cho nhiều người, đem lại bất lợi cho nhiều người, đem lại không lợi ích cho nhiều người, đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.
Thế nào là một pháp? Phá hòa hợp Tăng. Này các Tỷ-kheo, khi chúng Tăng bị phá hoại, thì có những tranh luận với nhau, có những mắng nhiếc lẫn nhau, có những ngăn cách lẫn nhau, có những từ bỏ lẫn nhau. Ở tại đấy, những người không hòa hợp, không đi đến hòa hợp và những người có hòa hợp, sự nhất trí đi đến nơi khác.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Bị rơi vào đọa xứ,
Bị rơi vào địa ngục,
Trú đến trọn cả kiếp,
Người phá hòa hợp Tăng.
Ưa thích phá hòa hợp,
An trú trên phi pháp,
Rơi rớt, vượt ra khỏi.
An ổn khỏi khổ ách;
Kẻ phá sự hòa hợp,
Của Tăng chúng hòa hợp,
Bị nung nấu trọn kiếp,
Trong cảnh giới địa ngục.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XIX) (Ek II, 9) (It. 11)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại hạnh phúc cho nhiều người, đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.
Thế nào là một pháp? Sự hòa hợp chúng Tăng. Này các Tỷ-kheo, khi chư Tăng được hòa hợp, không có những tranh luận với nhau, không có những mắng nhiếc lẫn nhau, không có những ngăn cách lẫn nhau, không có những từ bỏ lẫn nhau. Ở tại đây, những người không hòa hợp đi đến hòa hợp, và những người hòa hợp lại càng hòa hợp hơn nữa.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Hạnh phúc là chúng Tăng,
Ðược sống trong hòa hợp,
Giúp đỡ, ưa hòa hợp,
Thích hòa hợp, trú pháp
Không rơi rớt, vượt khỏi,
An ổn khỏi khổ ách,
Kẻ tạo được hòa hợp,
Giữa Tăng chúng Tỷ-kheo,
Trọn kiếp được an vui,
Trong cảnh giới chư Thiên.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XX) (Ek II, 11) (It. 12)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ở đây này các Tỷ-kheo, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của một người ác ý như vậy, và nếu trong thời gian này, người này mạng chung, như vậy tương xứng người này bị rơi vào địa ngục. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì tâm người ấy ác ý. Này các Tỷ-kheo, vì nhân tâm ác ý, như vậy ở đây một số loài hữu tình su khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi ác, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Biết được tâm ác ý,
Của hạng người ở đời,
Ðức Phật giữa Tỷ-kheo,
Ðã nói ý nghĩa này.
Chính trong thời gian này,
Người ấy bị mạng chung,
Sẽ bị sanh địa ngục,
Vì tâm nó ác độc,
Tùy theo lấy những gì,
Tương xứng bị rơi xuống,
Như vậy được tương xứng,
Do nhân tâm ác ý,
Chúng sanh đi ác thú.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.