Tiểu Bộ – Khuddhaka Nikaya
Tập III – Trưởng Lão Tăng Kệ
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chương I – Một Kệ
Phẩm Một
Ðảnh Lễ Ðức Thế Tôn Bậc A-La-Hán Chánh Ðẳng Giác
(I) Subhùti (Thera. 1)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong gia đình vị Cố vấn Sumana, em trai Ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc), được đặt tên là Subhùti. Trong ngày ông Cấp Cô Ðộc dâng cúng vườn Kỳ Viên cho đức Phật, ngài có chứng kiến. Sau khi nghe pháp, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Thọ Ðại giới xong, ngài thâm hiểu hai loại giới luật. Ðược Thế Tôn cho một đề tài để thiền quán, ngài đi vào rừng để hành thiền. Sau khi triển khai thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài bắt đầu thuyết pháp, không phân biệt giới hạn, được trở thành vị Tỷ-kheo đệ nhất về hạnh Từ vô lượng. Khi Ngài đi khất thực, ngài vẫn hành thiền, và khi xuất thiền, ngài mới nhận đồ ăn, và như vậy đem lại công đức lớn cho thí chủ và ngài trở thành vị xứng đáng được bố thí đệ nhất. Do vậy, Thế Tôn có nói: ‘Này các Tỷ-kheo, Subhùti được xem là vị Tỷ-kheo đệ nhất về hạnh từ bi vô lượng, xứng đáng được cúng dường’.
Bậc Ðại đệ tử này, trong khi đi khất thực đi đến Vương Xá, vua Bimbisàra (Bình-sa) nghe ngài đến, liền đến kính chào và xin dựng một chỗ ở cho ngài, nhưng rồi vua quên, ngài không nhận được chỗ ở, nên hành thiền ngoài trời. Vì thái độ nghiêm túc của ngài, trời không mưa và do vậy nạn hạn hán đe dọa dân chúng, quần chúng tụ họp than phiền ồn ào trước hoàng cung. Vua tìm hiểu nguyên nhân vì sao trời không mưa và nghĩ rằng có lẽ vì ngài Subhùti hành thiền ngoài trời. Vua cho làm các am thất bằng lá cho ngài, và khi ngài vào ngồi thiền trong am thất ấy, trời bắt đầu mưa từng hột một chớ không mưa ào ào. Ngài muốn quần chúng khỏi sợ hạn hán, tuyên bố rằng, không có sự sợ hãi gì đe dọa ngài, từ phía ngoài hay từ phía trong, với những bài kệ như sau:
- Am thất ta khéo lợp,
An lạc, ngăn chận gió,
Thần mưa, hãy mưa đi,
Mưa như ý Ngươi muốn!
Tâm ta khéo định tĩnh,
Giải thoát, sống tinh cần,
Thần mưa, hãy mưa đi!
Thần mưa, hãy mưa đi!
(II) Mahàkotthita (Thera. 1)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn rất giàu có và được đặt tên là Kotthita (Câu-hy-la). Khi đến tuổi trưởng thành, ngài học ba tập Veda và thành tựu các đức tánh của vị Bà-la-môn, ngài nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, khởi lòng tin và xuất gia. Thực hiện thiền quán từ khi mới xuất gia, ngài chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về nghĩa và về pháp, ngài thường hỏi bậc Ðạo Sư và các vị Ðại Trưởng lão về hai vấn đề ấy và trở thành rất lão luyện thuần thục. Rồi bậc Ðạo Sư, sau khi xác nhận các quả chứng ngài đã được trong kinh Vedalla, xác nhận ngài là bậc thiền quán đệ nhất.
Sau một thời gian, ý thức được sự an lạc giải thoát, ngài nói lên bài kệ này:
- Tịch tịnh và chỉ tức,
Tụng đọc lời trí tuệ,
Tâm tư không tháo động,
Ác pháp được vứt bỏ,
Giống như những lá cây,
Bị gió thổi phiêu bạt.
(III) Kankha-revata (Thera. 2)
Trong thời đức Phật hiện tại ngài sanh vào trong một gia đình giàu có ở Sàvatthi. Khi ngài đứng vào vòng ngoài của những người đứng nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Ngài chứng quả A-la-hán nhờ hành thiền, ngài trở thành lão luyện trong thiền định và bậc Ðạo Sư tuyên bố ngài là hành thiền đệ nhất.
Sự nghiệp đã thành tựu, ngài nghĩ đến sự nghi ngờ lấn chiếm tâm tư, và nay nghi ngờ đã được đoạn tận, ngài tán thán sức mạnh và trí tuệ của bậc Ðạo Sư, nhờ vậy nay tâm tư ngài được định tĩnh và kiên trì. Ngài nói:
- Hãy thấy trí tuệ này
Của những bậc Như Lai,
Như lửa cháy nửa đêm,
Cho ánh sáng, cho mắt,
Họ nhiếp phục nghi ngờ
Cho những ai đi đến.
(IV) Punna Mamtàniputta (Thera. 2)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh vào một gia tộc Bà-la-môn, trong làng Bà-la-môn Donavatthu, không xa Kapilavatthi (Ca-tỳ-la-vệ). Ngài là con trai của người chị của Trưởng lão Kondanna và được đặt tên là Punna. Sau khi làm tròn bổn phận của một người Sa-di, ngài tinh tấn nỗ lực cho đến khi chứng được quả cao nhất. Rồi ngài đi với người cậu ngài đến sống gần bậc Ðạo Sư, từ bỏ miền phụ cận Kapilavatthu, chuyên tâm tu hành, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán.
Ngài Punna có đến năm trăm đồ chúng cùng ở trong gia tộc ngài, và tất cả đều xuất gia. Vì ngài giỏi về mười căn bản của thuyết giảng, ngài dạy cho các đệ tử của ngài lão luyện về mười căn bản này cho đến khi các vị này chứng quả A-la-hán. Các đệ tử ngài yêu cầu ngài đưa họ đến yết kiến bậc Ðạo Sư, nhưng ngài nghĩ không nên đi với số đồ chúng như vậy, liền bảo họ đi trước còn ngài đi sau. Các vị ấy là đồng hương với đức Phật, đã đi bộ sáu mươi do tuần đến Vương Xá, đến tại ngôi tịnh xá Trúc Lâm và đảnh lễ bậc Ðạo Sư. Ðức Phật hỏi ai đồng hương với Ngài có thể giảng được về đời sống giản dị, và các vị này giới thiệu ngài Punna. Khi bậc Ðạo Sư đi từ Vương Xá đếnSàvatthi, ngài Punna cũng đi đến Sàvatthi, tại đây ngài được dạy về Chánh pháp. Rồi ngài đi vào rừng Andha để suy tư về Chánh pháp. Tôn giả Sariputta cũng đi theo vào rừng và đàm đạo Chánh pháp với Punna. Bậc Ðạo Sư tuyên bố Punna là bậc thuyết pháp đệ nhất.
Một hôm, suy tư trên sự giải thoát chứng đạt, ngài suy tư như sau: ‘Ðối với ta và nhiều vị khác đã thoát khỏi đau khổ, thật là giúp đỡ lớn nếu thân cận với bạn lành’. Với sự hoan hỷ phấn khởi, ngài nói lên bài kệ này:
- Hãy thân cận người hiền,
Bậc hiền minh thấy nghĩa,
Nghĩa lớn và thâm sâu,
Khó thấy, tế, tế nhị,
Bậc trí chứng đạt được,
Không phóng dật, chủ tâm.
(V) Dabba (Thera. 2)
Ngài sanh ra trong gia đình của dân tộc Mallà ở Anupiyà. Khi mới bảy tuổi, ngài được thấy bậc Ðạo Sư khi Thế Tôn viếng thăm xứ sở và nhà của ngài.
Ngài bị ảnh hưởng đến nỗi ngài xin phép bà nội cho được xuất gia với bậc Ðạo Sư, mẹ ngài đã mất khi sanh ngài. Bà nội ngài đưa ngài đến yết kiến đức Phật và đức Phật giao cho một Tỷ-kheo làm lễ xuất gia cho ngài. Ngài với nghiệp nhân quá khứ với ước vọng tương lai đang chín muồi, nên chứng được bốn quả liên tiếp chính trong khi ngài được cạo tóc.
Khi bậc Ðạo Sư từ giã xứ Mallà để đi về Vương Xá, Dabba thiền quán một mình, và muốn dùng thân để phục vụ giáo hội và nhận công việc phân phối chỗ ngủ, tổ chức các buổi ăn. Bậc Ðạo Sư chấp nhận công việc làm này, xác nhận sự thành công của ngài, khả năng thần thông của ngài, với ngón tay chói sáng của mình soi sáng cho các đồng Phạm hạnh về chỗ ngủ. Các sự việc này được nói đến trong Luật tạng.
Khi bị các Tỷ-kheo theo phe với Mettiya và Bhummajika vu khống, làm hại và ngài được giáo hội che chở và biện minh, Tôn giả Dabba ý thức được lòng từ của mình đối với các vị khác, liền nói lên bài kệ như sau:
- Ai thật khó nhiếp phục,
Nay đã được nhiếp phục,
Dabba tự biết đủ,
Nghi ngờ được vượt qua,
Thắng trận, không sợ hãi,
Dabba trú tịch tịnh.
(VI) Sìla- Vaniya (Thera. 2)
Ðây là bài kệ của Trưởng lão Sambhùta, ngài được sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con trai một Bà-la-môn có danh tiếng, tên là Sambhùta. Với ba người bạn Bhùmija,Jeyyasena và Abhiràdana. Ngài nghe Thế Tôn thuyết pháp và ngài xuất gia. Khi đang tu tập thiền quán thân bất tịnh, ngài ở luôn luôn tại Sitavana (rừng mát) và được gọi làSitavaniya (vị ở rừng mát).
Khi thấy các Tỷ-kheo đang đi đến yết kiến đức Phât, ngài nói: ‘Thưa các Hiền giả, các Hiền giả hãy đảnh lễ bậc Ðạo Sư thay mặt tôi và thưa với bậc Ðạo Sư như sau:
- Có Tỷ-kheo đi đến
Rừng Sitavana,
Sống một mình, độc cư,
Biết đủ, tâm nhập định,
Thắng trận, không kinh hoàng,
Kiên trì hộ thân niệm’.
(VII) Bhalliya (Thera. 2)
Với người anh là Tapussa, trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở thànhPokkharavatì, con một người đánh xe cho đoàn lữ hành. Khi đoàn lữ hành đi ngang một khu rừng có bóng mát một đoạn đường bùn lầy ngăn đoàn lữ hành lại. Một vị thần cây, là người bà con hiện ra và nói: ‘Thế Tôn vừa mới thành đạo và đang ngồi thiền bảy ngày dưới gốc cây. Hãy cúng dường đồ ăn. Như vậy, các người được hạnh phúc và lợi ích’. Cả lữ đoàn hoan hỷ, không chờ nấu cơm, đem bánh gạo và mật đến cúng dường Thế Tôn.
Khi Thế Tôn chuyển pháp luân ở Benares, Thế Tôn đi đến Vương Xá. Ở đây, Tapussavà Bhalliya hầu hạ Ngài và nghe pháp, Tapussa trở thành một cư sĩ, còn Bhalliya thời xuất gia và thành tựu được sáu thắng trí.
Một ngày kia, Ác ma hiện ra dưới hình thức cực kỳ kinh hoàng, nhưng Bhalliya đã vượt qua mọi sợ hãi, nên nói lên bài kệ như sau, khiến Ác ma phải thất vọng:
- Ai đuổi đi thần chết,
Với đạo binh của nó,
Những dòng nước lớn mạnh,
Trói cây lau yếu ớt,
Thắng trận, không sợ hãi,
Nhiếp phục, trú tịch tịnh.
(VIII) Vìra (Thera. 2)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) trong gia đình vị bộ trưởng vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), và được gọi là Vìra. Ngài rất giỏi về thể thao và võ nghệ, và trở thành một chiến sĩ. Sau khi lập gia đình với sự bằng lòng của mẹ cha, ngài có một đứa con trai. Thấy sự khổ lụy, tiếp tục tái sanh, ngài xuất gia và nhiệt tâm tinh cần, ngài chứng được sáu thắng trí. Khi đã thành vị A-la-hán và sống thọ hưởng an lạc giải thoát, vợ của ngài muốn cám dỗ ngài trở về với gia đình bằng nhiều hình thức. Nhưng Tôn giả nói rằng: ‘Người đàn bà này muốn cám dỗ ta, không khác gì người muốn xô ngã núi Sineru với cánh một con ruồi’. Và ngài thuyết lên bài kệ này để nói rằng sự cám dỗ của vợ cũ của ngài thật là vô ích:
- Ai thật khó nhiếp phục
Nay đã được nhiếp phục,
Vìra tự thỏa mãn,
Nghi ngờ được vượt qua,
Thắng trận, không kinh hoàng,
Vìra trú tịch tịnh.
Người đàn bà nghe ngài nói rất lấy làm xúc động và nghĩ rằng: ‘Chồng ta đã thành đạt thù thắng như vậy. Vậy đời sống gia đình có gì là tốt đẹp cho ta’. Rồi đi đến tịnh xá các Tỷ-kheo-ni xin được xuất gia và chứng được ba minh.
- Pilinda-Vaccha (Thera. 2)
Ngài sanh ở Sàvatthi, là con một Bà-la-môn, trước khi Thế Tôn thành đạo và được đặt tên là Pilinda. Vaccha là tên của dòng họ. Ngài trở thành một ẩn sĩ và được một bùa phép tên là Tiểu Gandhàra (có thể đi trên hư không và tha tâm thông) và nhờ vậy được nổi danh. Khi đức Phật thành đạo, bùa phép này không còn hiệu lực. Khi ngài nghe được bùa phép Ðại Gandhàra làm bùa phép tiểu Gandhàra mất hiệu lực, ngài kết luận Sa-môn Gotama biết được bùa phép Ðại Gandhàra và ngài đến hầu hạ đức Phật để học cho được bùa phép ấy, đức Phật dạy: ‘Phải xuất gia’, ngài tưởng rằng xuất gia là điều kiện để chứng được bùa phép nên vâng lời theo. Ðức Phật dạy ngài Chánh pháp và phương pháp thiền quán, chẳng bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Nhờ sự hướng dẫn của Pilinda trong một đời trước, được sanh làm chư Thiên, vị này hầu hạ ngài sớm chiều để tỏ lòng biết ơn. Do vậy, ngài được xem là vị Tỷ-kheo được chư Thiên ái kính, và được đức Phật xác nhận cho địa vị ấy.
Một hôm, Tôn giả Pilinda ngồi giữa hội chúng Tỷ-kheo, suy tư đến sự thành tựu của mình, tuyên bố cho chúng biết bùa phép ấy đã đưa ngài đến gặp Thế Tôn và nói lên bài kệ này:
- Lời khuyên đến, tốt lành!
Lời không tốt, không đến!
Lời khuyên đến với ta,
Không thuộc về tà ác!
Giữa các pháp phân biệt,
Ta đến pháp tối thượng.
(X) Punnamàsa (Thera. 3)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh làm con của Samiddhi, một Bà-la-môn ởSàvatthi, ngài xuất gia được khi sanh được đứa con trai, thọ giới dưới sự hướng dẫn của đức Phật, và lấy bốn sự thật làm đề tài để thiền quán và ngài chứng được quả A-la-hán. Vợ cũ của ngài tìm cách cám dỗ ngài, trang điểm rất đẹp mắt đến thăm ngài, và đem theo đứa con trai. Nhưng ngài hoàn toàn giải thoát, không còn vướng bận gì và nói lên bài kệ này:
- Ta sống không mong chờ,
Ðời này hay đời sau,
Vị đã đạt trí tuệ,
An tịnh, tự chế ngự,
Không dính nhiễm các pháp,
Biết sanh diệt của đời.
Vợ của ngài nghĩ rằng: ‘Vị Trưởng lão này không để ý gì đến ta và con ta nữa, ta không thể cám dỗ ngài’ nên nàng bỏ đi.