Tiểu Bộ – Khuddhaka Nikaya
Tập III – Trưởng Lão Tăng Kệ
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chương VII
Phẩm Bảy Kệ
(CCXXIV) Sundara–Samudda (Thera. 49)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một người trong hội đồng thành phố giàu có, ở Ràjagaha (Vương Xá) và được đặt tên là Samudda. Vì ngài rất đẹp trai nên được gọi là Sundara-Samudda, khi ngài còn trẻ, ngài thấy được uy nghi đức Phật, khi có cuộc lễ đón rước đức Phật đến Ràjagaha, với lòng tin và với thiên tánh tự nhiên, ngài xuất gia. Ðược giao cho một đề tài thiền quán, ngài đi từ Ràjagaha đến Sàvatthi, ở với một người bạn và tu tập thiền quán. Mẹ ngài ở Vương Xá, thấy các người con của các đại biểu hội đồng thành phố khác với những người vợ trang sức thật lộng lẫy vui chơi trong những ngày lễ, bà mẹ buồn, nhớ con và khóc; một kỹ nữ thấy vậy liền dỗ bà và tự nguyện đi đến Sàvatthi để đem con bà về. Bà mẹ hứa rằng, nếu con bà chịu cưới nàng, bà sẽ cho nàng làm chủ gia đình và tặng nhiều tặng phẩm. Với một số tùy tùng, nàng đi đến Sàvatthi và dừng lại ngôi nhà ngài thường hay đến hằng ngày để khất thực; nàng hết sức săn sóc cho ngài. Nàng ăn mặc lộng lẫy và mang dép vàng; một hôm nàng để đôi dép nàng tại ngưỡng cửa, đảnh lễ ngài với hai tay chấp lại, khi ngài đi qua với cử chỉ muốn cám dỗ ngài. Và ngài một tư tưởng thế tục thoáng qua, ngài cương quyết nỗ lực cuối cùng đứng tại đấy thiền định, thiền quán và chứng được sáu thắng trí. Ngài diễn đạt quả chứng của ngài như sau:
- Trang sức mặc áo đẹp,
Ðeo vòng hoa trang điểm,
Chân bôi sơn màu đỏ,
Một kỹ nữ đi dép. - Chân rút ra khỏi dép,
Chấp tay, hướng phía trước,
Nàng với giọng nhẹ dịu,
Mở đầu nói với ta; - Chàng trẻ tuổi xuất gia,
Hãy dừng, lãnh vực em,
Thọ hưởng năm dục vọng,
Em cho chàng phương tiện,
Em hứa chàng sự thật,
Em đem chàng lửa thề. - Khi chàng em đều già,
Cả hai đều chống gậy,
Cả hai cùng xuất gia,
Hai phần được vận may. - Thấy người kỹ nữ ấy,
Chấp tay lời van xin,
Trang sức, mặc áo đẹp,
Như thần chết gieo mồi. - Rồi ta tự tác ý,
Như lý khởi tư duy,
Các hiểm nguy hiển lộ,
Nhàm chán ta an trú. - Và tâm ta giải thoát,
Thấy Pháp nhĩ là vậy,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.
(CCXXV) Lakuntaka-Bhaddiya (Thera. 49)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình giàu có, được đặt tên là Bhaddiya, nhưng vì ngài rất thấp, nên được biết với tên là Lakuntaka Bhaddhiya (Bhaddiya người lùn). Nghe bậc Ðạo Sư giảng, ngài xuất gia, trở thành một nhà học giả và biện tài, ngài dạy cho các người khác với một giọng nói rất dịu ngọt. Một hôm, nhân ngài đang lễ, một phụ nữ đi xe với một Bà-la-môn, thấy ngài và cười lên, để lộ hàm răng của nàng. Vị Trưởng lão, lấy hàm răng ấy như một đề tài để thiền quán, khởi lên thiền định và trên căn cứ ấy, phát triển thiền quán và trở thành một vị Bất Lai. Về sau nhờ Tôn giả Sàriputta dạy tu thân hành niệm, ngài chứng quả A-la-hán, ngài nói lên chánh trí của ngài:
- Ra ngoài các khu vườn,
Tên Ambàtaka,
Trong rừng với lùm cây,
Ái, ái căn từ bỏ,
Bhaddiya ngồi thiền,
Bậc may mắn hạnh phúc. - Một số người ưa thích,
Trống, sáo và trống nhỏ,
Còn ta, dưới gốc cây,
Ta thích lời Phật dạy. - Nếu Phật ban ân huệ,
Ta được ân huệ ấy,
Ta trì thân hành niệm,
Thường hằng ở mọi giới. - Cười chê, ta vì thân,
Ai theo ta vì tiếng,
Chúng không biết được ta,
Vì dục tham chi phối. - Không biết được phần trong,
Không thấy được phía ngoài,
Chận bốn phía, người ngu,
Bị tiếng nói lôi cuốn. - Không biết được phần trong,
Quán thấy được phía ngoài,
Chỉ thấy quả phía ngoài,
Cũng bị tiếng lôi cuốn. - Quán trí được phần trong,
Quán thấy được phía ngoài,
Thấy không bị chướng ngại,
Không bị tiếng lôi cuốn.
(CCXXVI) Bhadda (Thera. 50)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong gia đình một vị lớn trong hội đồng thành phố, làm con một gia đình cha mẹ trước đây không có con, dầu đã có cầu khẩn thần linh nhiều lần vẫn chưa có con. Họ đi đến bậc Ðạo Sư và nói: ‘Nếu chúng con có được đứa con, chúng con sẽ dâng lên cho ngài để làm thị giả!’. Khi được sinhBhadda, chúng mặc áo đẹp nhất cho ngài, đưa ngài đến bậc Ðạo Sư và nói: ‘Bạch Thế Tôn, đây là đứa con chúng con sanh ra, sau khi yết kiến Thế Tôn, chúng con xin dâng hiến cho Thế Tôn’. Thế Tôn bảo Ananda cho Bhadda xuất gia và đi vào hương phòng.Ananda giảng dạy cho ngài và căn cơ ngài quá thuần thục đến nỗi trong khi đang học, vừa lúc mặt trời mọc, ngài phát triển thiền quán và chứng được sáu thắng trí.
Thế Tôn biết được những gì xảy ra và gọi: ‘Hãy đến này Bhadda!’ Ngài đến, chấp tay đảnh lễ bậc Ðạo Sư. Ðó là lễ xuất gia của ngài, đó là lễ xuất gia do đức Phật chủ trì. Và bậc Trưởng lão nói lên chánh trí của ngài:
- Ta là con độc nhất
Ðược cha thương mẹ thương,
Do nhiều hạnh giới cấm,
Van vái mới được ta. - Vì lòng thương xót ta,
Muốn ta được hạnh phúc,
Cả cha và mẹ ta,
Dẫn ta đến đức Phật - Ðược đứa con trai này,
Thật trải nhiều khó khăn,
Nuôi dưỡng rất tế nhị,
Ðược nuông chiều săn sóc,
Chúng con kính dâng Ngài,
Kính thưa bậc cứu độ,
Ðể làm người thị giả,
Hầu hạ bậc chiến thắng. - Bậc Ðạo Sư nhận ta,
Nói A-nan như sau:
Hãy cho nó xuất gia,
Nó sẽ thành thuần lương. - Sau khi bậc Ðạo Sư,
Bảo xuất gia cho ta,
Xong rồi bậc chiến thắng,
Bước vào trong tinh xá,
Khi mặt trời chưa mọc,
Tâm ta được giải thoát. - Rồi bậc Ðạo Sư ta,
Ðể chấm dứt công việc,
Từ yên lặng thiền tịnh,
Ngài đứng dậy gọi ta:
Này Bhadda hãy đến,
Ta thọ Ðại giới vậy. - Từ sanh, đến bảy năm,
Ta được thọ Ðại giới,
Ba minh ta đạt được,
Ôi pháp, thiện pháp tánh!
(CCXXVII) Sopàka (Thera. 50)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh từ vợ một người cùng đinh, và do thọ sanh, ngài được gọi là Sopàka (người cùng đinh). Có người nói ngài là con một thương gia. Sự kiện này không được tập Apadàna chấp nhận:
Khi ta chứng được,
Tái sanh cuối cùng,
Ta vào bào thai,
Của Sopàka.
Bốn tháng sau khi sanh, cha ngài mệnh chung, và được người cậu nuôi dưỡng. Người cậu, do người con hay nóng giận của mình xúi giục, muốn giết ngài. Nó đem ngài đến bãi tha ma, trói hai tay ngài cột vào cổ một thây ma, nghĩ rằng các con chó rừng sẽ ăn thịt ngài. Nó không thể giết ngài vì ngài tái sanh lần cuối cùng. Ban đêm các con chó rừng và các con thú khác đến, và đứa con nít kêu khóc:
Thế nào là định mệnh,
Ðược để dành cho ta.
Ai là người bà con,
Của đứa trẻ mồ côi!
Giữa nghĩa địa kinh hoàng,
Ta bị cột, trói chặt!
Ta sẽ tìm được ai,
Là người bạn của ta!
Bậc Ðạo Sư trong lúc ấy đang nhìn xem ai là người đáng cứu độ, thấy trong đứa trẻ, những nhân duyên chứng quả A-la-hán được chói sáng trong tâm của đứa trẻ, liền chiếu sáng hào quang và nói:
Hãy đến, Sopaka,
Người đừng có sợ hãi,
Hãy nhìn đến Như Lai,
Chính Ta sẽ cứu con!
Như mặt trăng thoát khỏi,
Hàm răng của Ràhu.
Với sức mạnh của đức Phật, đứa trẻ bứt đứt dây trói, và cuối bài kệ đứng dậy, trở thành một bậc Dự lưu và đứng trước hương phòng của đức Phật! Mẹ ngài tìm ngài hỏi người cậu, nhưng người cậu im lặng không nói gì. Mẹ ngài đi đến đức Phật, nghĩ rằng đức Phật biết tất cả, quá khứ, hiện tại, vị lai. Bậc Ðạo Sư, dùng thần thông giấu đứa con. Bà thưa với Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, con không thể tìm thấy đứa con. Nhưng Thế Tôn biết được con tôi đang làm gì?’. Thế Tôn trả lời:
Các người con không phải,
Là chỗ y, nương tựa,
Cả cha cũng là vậy,
Kể cả các bà con.
Với kẻ bị mệnh chung,
Dầu bà con huyết thống,
Cũng không thể nương tựa!
Và như vậy, Thế Tôn thuyết pháp cho bà, bà nghe xong chứng quả Dự lưu, nhưng đứa trẻ chứng quả A-la-hán. Rồi Thế Tôn rút lại thần thông và bà mẹ sung sướng thấy được người con. Ðược biết con mình đã chứng quả A-la-hán, bà bằng lòng để con xuất gia và bà ra về.
Rồi ngài đến đảnh lễ bậc Ðạo Sư, khi bậc Ðạo Sư đang đi dưới bóng mát của hương phòng và đi theo Thế Tôn. Thế Tôn muốn thế độ cho ngài liền hỏi ngài mười câu hỏi, bắt đầu bằng câu: ‘Thế nào là một pháp?’. Ngài hiểu được ý Thế Tôn liền trả lời: ‘Các chúng sanh được nuôi dưỡng bằng thức ăn…’, với trí sáng suốt của mình. Bậc Ðạo Sư thỏa mãn với những câu trả lời của đứa trẻ, thọ giới cho ngài. Do vậy ngài có được tên là: ‘Ðặt trẻ với những câu hỏi’. Ngài nói lên chánh trí của mình, thuật lại những sự việc đã xảy ra, với bài kệ như sau:
- Thấy bậc Tối thượng nhân,
Kinh hành dưới bóng lầu,
Tại đấy, ta đi tới,
Ðảnh lễ bậc Tối thượng. - Ðắp y một bên vai,
Chấp hai tay đưa lên,
Ði theo bậc Vô cấu,
Tối thượng trên mọi loài. - Ngài hỏi ta câu hỏi,
Khéo biết đặt câu hỏi,
Ta trả lời Ðạo Sư,
Không run, không sợ hãi. - Ðức Như Lai tùy hỷ,
Câu trả lời câu hỏi,
Nhìn chúng Tỷ-kheo Tăng,
Ngài nói ý nghĩa này: - Lợi ích thay, dân chúng,
Ăng-ga, Magadha,
Cúng dường cho vị ấy,
Y dược thuốc sàng tọa,
Biết cung kính thích nghi,
Thật lợi ích cho chúng,
Bậc Ðạo Sư nói vậy, - Bắt đầu từ hôm nay,
Hỡi này Sopaka,
Hãy đến yết kiến Ta,
Như vậy, Sopaka,
Ông thành tựu Ðại giới,
Ðược an lành tốt đẹp. - Bảy năm từ khi sanh,
Ta được thọ Ðại giới,
Ta mang thân cuối cùng!
Ôi pháp, thiện pháp tánh.
(CCXXVIII) Sarabhanga (Thera. 50)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Ràjagaha (Vương Xá), con của một Bà-la-môn, ngài có thể được đặt tên, độc lập hay không độc lập với truyền thống gia đình, ngài không có đặc điểm gì để đặt tên. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài trở thành một ẩn sĩ, tự dựng một thảo am, làm bằng cọng cây lau mà tự ngài bẻ gãy, và từ đấy ngài được biết với tên là Sara-Bhanga, (người bẻ gãy cọng cây lau). Thế Tôn với Phật nhãn nhìn quanh thế giới, thấy được nơi ngài những điều kiện để thành vị A-la-hán. Thế Tôn đi đến thuyết pháp cho ngài. Và ngài khởi lòng tin, trở thành một vị xuất gia, sau một thời gian trở thành vị A-la-hán, ngài vẫn tiếp tục ở thảo am. Thảo am dần dần hư nát và sụp đổ xuống, dân chúng hỏi ngài sao không dựng thảo am lại, ngài trả lời, khi thảo am được dựng lên, ngài còn ẩn sĩ. Nhưng nay ngài không thể làm được như vậy nữa. Rồi ngài nói lên toàn bộ vấn đề như sau:
- Tay bẻ những cây lau,
Ta làm am ta ở,
Do vậy, được tên tục:
‘Người bẻ gãy cây lau’. - Nay không còn thích hợp,
Tự tay bẻ cây lau,
Theo học giới giảng dạy,
Gotama danh xưng. - Chính Sara-bhanga,
Từ trước chưa từng thấy,
Thấy chứng bệnh toàn diện,
Một cách thật đầy đủ.
Bệnh ấy nay được thấy,
Do lời bậc siêu thiên. - Chính đường ấy đã đi,
Vibassì, Sikhi,
Kể cả Vessabhu,
Với Kakusandha,
Konàgamana.
Chính với con đường ấy,
Gotama đã đến. - Ly ái, không chấp thủ,
Bảy Phật chứng Niết-bàn,
Pháp này được thuyết giảng,
Bởi các vị chứng Pháp. - Vì từ mẫn chúng sanh,
Bốn sự thật được giảng,
Khổ, khổ tập, con đường,
Diệt, chấm dứt khổ đau. - Trong đời sống liên tục,
Khổ luân chuyển không dứt,
Khi thân này bị hoại,
Khi mạng sống cáo chung,
Tái sanh khác không còn,;
Ta thật, khéo giải thoát,
Giải thoát mọi sanh y.