Tiểu Bộ Kinh – Tập VII
Khuddaka Nikàya
Chuyện Tiền Thân Đức Phật (IV)
Jàtaka
Nguyên bản: Pàli
Anh dịch: H.T. Francis, E.B. Cowell & W.H. Rouse
(Pali Text Society – Hội Kinh Tạng Pali, Luân Ðôn, Anh Quốc)
Việt dịch: Nguyên Tâm Trần Phương Lan
(Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam)
-ooOoo-
Chương IX
Phẩm Chín Bài Kệ
(tiếp theo 433 – 438 )
-ooOoo-
- Chuyện Vị Khổ Hạnh Ca- Diếp Nhiều Lông Tóc (Tiền thân Lomasa Kassapa)
Ðại vương sẽ giống hệt Ind-ra…,
Bậc Ðại Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo có tâm thế tục.
Bậc Ðạo Sư hỏi vị ấy có thật ông đang mơ tưởng chuyện thế tục chăng, và khi ông công nhận là đúng như vậy, bậc Ðạo Sư bảo:
– Này Tỷ-kheo, ngay cả người đạt danh vọng tối cao đôi khi cũng phạm vào một việc ô danh. Những tội lỗi như thế làm ô uế những vị thanh tịnh, huống nữa là một kẻ như ông.
Rồi Ngài một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa vương tử Brahmadatta, con vua Brahmadatta ở Ba-la-nại, và con trai vị tế sư hoàng gia tên là Kassapa là đôi bạn đồng học mọi nghệ thuật tại nhà một giáo sư. Dần dần khi vua cha băng hà, thái tử lên trị vì quốc độ. Kassapa nghĩ: “Hiền hữu ta đã lên làm vua và sẽ ban đại quyền lực cho ta. Song ta có cần gì quyền lực? Ta muốn giã từ đức vua cùng song thân và trở thành vị khổ hạnh”.
Vì vậy ngài vào vùng Tuyết Sơn sống đời tu hành, vào ngày thứ bảy ngài thành đạt các Thắng trí và các Thiền chứng và tự kiếm sống bằng những thứ nhặt được giữa đồng hoang. Quần chúng đặt cho ngài biệt danh nhà khổ hạnh Lomasa Kassapa (Ca-diếp có nhiều lông tóc).
Vì hành hạ thân xác, và trở thành vị khổ hạnh khắc nghiệt cao độ. Do công năng khổ hạnh này, cung của Thiên chủ Sakka (Ðế Thích) rúng động. Sakka suy xét duyên cớ, quan sát ngài và suy nghĩ: “Vị khổ hạnh này nhờ công năng toả nhiệt độ mãnh liệt như thế, có thể khiến ta rớt khỏi ngai Ðế Thích. Ta sẽ phá huỷ khổ hạnh của vị ấy sau khi bí mật hội kiến với vua Ba-la-nại”.
Nhờ thần lực của một vị Thiên chủ, Ðế Thích vào cung của vua Ba-la-nại lúc nửa đêm và chiếu sáng toàn thể cung thất với hào quang trên thân, vừa đứng trên không trước mặt vua, Thiên chủ vừa thức vua dậy và nói:
– Thưa Ðại vương, dậy đi.
Vua hỏi:
– Ngài là ai? Vua hỏi.
– Ta là Sakka. Thiên chủ đáp
– Ngài đến đây vì duyên cớ gì?
– Thưa Ðại vương, Ðại vương có muốn quyền ngự trị duy nhất toàn cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ) này chăng?
– Dĩ nhiên trẫm muốn.
Nghe thế thiên chủ bảo:
– Vậy hãy đưa Lomasa Kassapa về đây và ra lệnh cho vị ấy làm lễ tế đàn bằng cách giết thú vật, rồi Ðại vương sẽ trở thành vĩ đại như Thiên chủ Sakka (tức Indra), thoát khỏi già chết, và cầm quyền khắp cõi Diêm- phù-đề.
Rồi ngài ngâm vần kệ đầu:
- Ðại vương sẽ giống hệt Ind-ra,
Sẽ chẳng chết đi, cũng chẳng già,
Ví thử Kas-sa-pa nhận lệnh
Tế đàn sinh vật tại cung vua.
Nghe lời ngài, vua sẵn sàng chấp thuận. Sakka bảo:
– Thế thì đừng chậm trễ.
Rồi ngài biến mất.
Hôm sau, vua triệu vị quốc sư tên Sayha đến bảo:
– Này Tôn giả, xin đến gặp thân hữu Lomasa Kasaspa của trẫm và nhân danh trẫm nói với người như vầy: “Nếu Ðại vương khuyến dụ được ngài làm lễ hiến tế sinh vật, đại vương sẽ trở thành vị chúa độc nhất ở toàn cõi Diêm-phù-đề và sau đó ban ngài nhiều vùng lãnh thổ như ý ngài muốn. Vậy xin ngài cùng đi với tôi về làm lễ tế đàn”.
Vị ấy đáp:
– Tâu Ðại vương, xin vâng.
Sau đó dùng trống lệnh truyền tìm chỗ vị khổ hạnh cư trú, và khi có người kiểm lâm bảo: “Tiểu thần biết”, Sayha liền đi theo sự hướng dẫn của y cùng một đoàn tuỳ tùng đông đảo, đến kính lễ vị hiền nhân và vừa cung kính ngồi một bên, vừa trình thông điệp của vua. Vị hiền nhân liền bảo:
– Này Sayha, Tôn giả nói gì vậy?
Rồi Ngài ngâm bốn vần kệ từ chối vị này:
- Không hải đảo nào giữa đại dương
Ðược người canh giữ thật an toàn
Hòng mong lôi cuốn ta, Tôn giả,
Vào việc bạo tàn đại bất lương. - Lòng tham lợi dưỡng với vinh danh,
Tội ác từ đây vẫn phát sinh,
Ðưa đến khổ ưu không gián đoạn
Ác hành tai hại đáng chê khinh! - Thà làm kẻ khốn khó ly gia,
Khất thực kiếm ăn khắp mọi nhà
Hơn phải tạo nên điều tội lỗi
Sẽ mang ô nhục trút đầu ta.5. Thà cầm bình bát ở trong tay
Ðể tránh thật xa tội lỗi này,
Hơn chiếm được toàn quyền quốc độ
Nhờ hành động ác độc như vầy.
Sau khi nghe ngài nói, vị quốc sư ra về trình vua. Vua suy nghĩ: “Nếu vị ấy không chịu đến đây thì ta làm gì được?”, rồi ngồi im lặng. Nhưng nửa đêm, Thiên chủ Sakka lại đến đứng trên không và bảo:
– Thưa Ðại vương, tại sao Ðại vương không truyền gọi ẩn sĩ Lomasa Kassapa về và ra lệnh vị ấy làm lễ hiến tế súc vật?
– Khi được lệnh truyền gọi, vị ấy đã từ chối về đây.
– Thưa Ðại vương, hãy trang điểm cho công chúa Candavatì (Nguyệt Nương), ái nữ của Ðại vương, và nhờ chính tay Sayha đưa nàng đi và bảo vị ấy: “Nếu Tôn giả muốn về dâng tế lễ, Chúa thượng sẽ ban thưởng công nương này làm vợ ngài”. Rõ ràng vị ấy sẽ sinh lòng say mê công chúa và về đây.
Vua sẵn sàng chấp thuận và hôm sau nhờ chính tay Sayha đưa công chúa đi. Sayha đem công chúa đến đó, và sau lời chào hỏi thông thường cùng ca ngợi vị hiền giả, vị quốc sư bảo đưa đến trình diện với ngài nàng công chúa diễm lệ khả ái như tiên nữ cung kính đứng xa xa.
Vị khổ hạnh mất ngay trí đức khi nhìn thấy nàng và chỉ nhìn thế thôi, ngài đã tiêu tan hết Thiền lực. Vị quốc sư thấy ngài đã đắm say luyến ái nàng, liền bảo:
– Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả muốn hiến tế, Chúa thượng sẽ ban công chúa này về làm vợ ngài.
Ngài rung động vì mãnh lực của tham dục liền hỏi:
– Chắc chắn Chúa thượng sẽ ban nàng cho ta chứ?
– Ðúng vậy, nếu ngài làm tế lễ, Chúa thượng sẽ ban nàng cho ngài.
– Tốt lắm. Nếu ta được nàng, ta sẽ làm lễ hiến tế.
Rồi đem nàng đi cùng ngài ngay lúc ấy với các chòm tóc bện của một vị khổ hạnh và mọi thứ khác, ngài leo lên chiếc vương xa lộng lẫy đi về Ba-la-nại. Còn vua, ngay khi nghe tin đang chắc chắn đến đó, liền chuẩn bị lễ đàn ở hố hiến tế sinh vật.
Khi thấy ngài đã đến, vua bảo:
– Nếu Hiền hữu dâng lễ hiến tế, trẫm sẽ sánh ngang với Thiên chủ Indra, và khi tế lễ hoàn tất, trẫm sẽ ban công chúa cho Hiền hữu.
Vị khổ hạnh Kasapa sẵn sàng chấp thuận.
Vì thế hôm sau vua cùng công chúa Candavatì đi đến hố hiến tế sinh vật. Tại đó có đủ loại súc vật bốn chân như voi, ngựa, bò đực và các loài khác đặt thành một dãy. Ẩn sĩ Kasapa lãnh việc hiến tế bằng cách giết chết tất cả bọn chúng.
Lúc ấy thần dân tụ tập quanh đó bảo:
– Hỡi Tôn giả Lomasa Kasapa, việc này không thích hợp cũng không xứng đáng với ngài, tại sao ngài làm như vậy?
Và vừa than vừa khóc, họ vừa ngâm hai vần kệ:
- Nhật, nguyệt đều mang đại lực thân,
Thuỷ triều không nhượng lực phàm trần,
La-môn, Ðạo sĩ đầy oai lực,
Song vẫn kém xa lực nữ nhân. - Nguyệt Nương cũng vậy, đã làm cho
Ca-diếp Hiền nhân mắc tội to,
Thúc giục ngài theo lời Chúa thượng
Tế đàn sinh vật tại cung vua.
Vào lúc này để bắt đầu tế lễ, Kasapa nhấc bảo kiếm lên để đánh vào cổ vương tượng. Con voi thấy thanh kiếm, kinh hoàng sợ chết, liền rống thật lớn. Khi nghe tiếng voi rống, các súc vật kia, cả bầy voi ngựa, bò đực vì sợ chết, đồng rống lên thật lớn và quần chúng cũng kêu thét lên.
Kasapa nghe các tiếng rống kia, lòng xúc động và nghĩ lại các chòm tóc bện của mình. Lúc ấy ngài nhờ đến các chòm tóc, râu và lông phủ khắp ngực và toàn thân. Ðầy hối hận, ngài kêu lớn:
– Than ôi, ta đã phạm ác nghiệp không xứng đáng với tính cách của ta.
Rồi ngài ngâm vần kệ thứ tám bày tỏ xúc động của mình:
- Ác nghiệp này ta đã muốn làm,
Chính là kết quả của lòng tham,
Cái mầm dục vọng đang tăng trưởng,
Gốc rễ nó, ta quyết cắt ngang.
Sau đó vua phán:
– Này Hiền hữu, đừng sợ, hãy dâng tế lễ và ngay bây giờ trẫm sẽ ban cho Hiền hữu công chúa Candavatì, cùng với vương quốc của trẫm và cả một đống châu báu cao ngất nữa.
Nghe thế, ẩn sĩ Kassapa đáp:
-Tâu Ðại vương, ta không muốn tội ác này tràn ngập tâm ta.
Rồi ngâm vần kệ kết thúc:
- Ðáng ghét bao tham dục thế thường
Thà theo khổ hạnh tốt lành hơn,
Ta làm ẩn sĩ nguyền ly dục,
Ngài giữ nước nhà với Nguyệt Nương.
Cùng với những lời này, ngài tập trung vào một đối tượng Thiền quán. Khi phục hồi được định lực đã mất, ngài ngồi bắt chéo chân trên không, thuyết Pháp cho vua, khuyên nhủ vua tinh cần làm thiện sự và bảo vua huỷ bỏ tế đàn cùng ban lệnh ân xá cho quần chúng. Rồi thể theo lời thỉnh cầu của vua, ngài bay lên không trở về nơi an trú của mình. Trong thời gian ngài còn sống, ngài tu tập các Phạm trú Viên mãn (Tứ Vô lượng tâm ) và được sinh lên Phạm thiên giới.
*
Sau Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo có tâm thế tục đã đắc Thánh quả (A-la-hán).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thuở ấy vị đại quốc sư là Sàriputta và vị khổ hạnh Lomassa Kasapa chính là Ta.
-ooOoo-
- Chuyện Chim Hồng Nga (Tiền thân Cakkavàka)
Ðôi chim lông óng ả, màu vàng…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo tham lam.
Người ta bảo vị ấy tham muốn các vật dụng cần thiết trong đời sống xuất gia và bỏ quên mọi phận sự của một sư trưởng và giáo thọ hướng dẫn đệ tử, thường vào thành Sàvatthi thật sớm. Sau khi ăn cháo gạo tuyệt hảo với nhiều loại thực phẩm loại cứng tại nhà nữ cư sĩ Visàkha, lại ăn thêm suốt ngày nhiều loại cao lương mỹ vị với cơm thịt, và vẫn chưa thoả mãn, ông đi từ đó đến nhà ông Tiểu Cấp Cô Ðộc, cung vua Kosala và nhiều nơi khác nữa. Vì thế một hôm có cuộc thảo luận tại Chánh pháp đường liên hệ đến tính tham lam của ông.
Khi bậc Ðạo Sư biết đề tài Tăng chúng đang thảo luận, Ngài truyền đưa vị Tỷ-kheo đến và hỏi có thật ông tham lam chăng. Và khi ông đáp:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn,
Bậc Ðạo Sư hỏi:
– Này Tỷ-kheo, tại sao ông tham lam? Ngày xưa cũng vì tham ăn, không thỏa mãn với những xác voi chết, ông đã rời Ba-la-nại và lang thang quanh quẩn bờ sông Hằng, vào tận vùng Tuyết Sơn.
Và sau đó ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, một con Quạ tham lam đi quanh quẩn ăn xác voi chết, và không thoả mãn, nó nghĩ: “Ta muốn ăn mỡ cá trên bờ sông Hằng”. Rồi sau vài ngày ở tại đó ăn cá chết, nó vào vùng Tuyết Sơn sống bằng các loại quả rừng.
Khi đến một hồ sen rộng nhiều rùa cá, nó thấy hai con chim Thiên nga với bộ lông vàng óng ả sống bằng cây rong Sevàla, nó nghĩ: “Ðôi chim này thật mỹ lệ, đầy hảo tướng. Thức ăn của chúng chắc phải thích thú lắm. Ta muốn hỏi chúng đó là thức gì, rồi cũng ăn như thế và ta sẽ có màu lông óng ả kia”.
Vì vậy Quạ đến gần, sau lời chào hỏi ân cần theo thông lệ với đôi chim khi chúng đang đậu trên ngọn cây, quạ ngâm vần kệ ca ngợi chúng:
- Ðôi chim lông óng ả màu vàng
Quanh quẩn đó đây, lạc thú tràn
Chim loại gì người yêu mến nhất
Là điều ta mong muốn biết cho tường.
Nghe vậy, Hồng nga ngâm vần kệ thứ hai:
- Này Quạ, vượt lên mọi dã cầm,
Hồng nga được hạnh phúc ban ân
Mọi miền vang dậy tình thân ái
Người lẫn chim đều vẫn tán dương
Hãy biết Hồng nga là Ngỗng đỏ
Bạo gan vùng vẫy nước sông Hằng
Nghe vầy, Quạ ngâm vần kệ thứ ba:
- Trái gì sung mãn ở trên sông
Tìm thấy “thịt” cho bạn Ngỗng hồng?
Hãy nói món trời cho Ngỗng hưởng
Ðể sinh sắc đẹp, lực tăng cường?
Hồng nga liền ngâm vần kệ thứ tư:
- Chẳng trái gì ăn ở giữa sông,
Và đâu có: “thịt” với chim Hồng
Sè-và-la ấy đem chà vỏ
Làm thức ăn không có lỗi lầm.
Sau đó Quạ ngâm hai vần kệ:
- Ta chẳng thích lời ấy, Ngỗng hồng,
Trước kia ta thưởng thức cần dùng
Ðể nuôi ta sống, cần phù hợp
Với dáng bề ngoài ta ước mong. - Nay ta nghi hoặc, bởi ta ăn
Gạo, muối, dầu, bơ, thịt, quả ngon
Như các anh hùng say yến tiệc
Khi vừa trở lại khải hoàn môn
Vậy ta thưởng thức đầy hương vị,
Song dẫu ta đang sống thật là sang,
Hình dáng bề ngoài ta vẫn thế
Bên Hồng nga chẳng thể ngang bằng!
Sau đó Hồng nga bảo cho Quạ biết lý do tại sao Quạ không đạt được dung sắc mỹ lệ trong khi chính Hồng Nga đã đạt được qua các vần kệ còn lại:
- Không thoả vì hoa quả rớt rơi
Trong vùng nghĩa địa hoả thiêu người,
Tham lam, Qua vẫn bay lơ lững
Săn đuổi mồi ngon cám dỗ hoài. - Song những ai mong phạm ác hành,
Chỉ vì dục lạc, giết sinh linh,
Lương tâm giày xéo thân mòn mỏi,
Vẻ đẹp, tráng cường huỷ hoại nhanh. - Vậy cái thiện nhân chẳng hại ai,
Hình dung cường tráng, vẻ xinh tươi,
Bởi vì mỹ sắc, ta cần biết,
Chẳng phải thuộc vào thực phẩm thôi.
Như vậy Hồng nga dùng nhiều phương tiện chỉ trích Quạ. Sau khi Quạ bị khiển trách như vậy, nó bảo:
– Ta chẳng muốn có sắc đẹp cuả Thiên nga nữa.
Và nó bay đi xa với tiếng kêu quác quác.
*
Sau Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo tham lam đã đắc Nhị quả (Nhất Lai).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, con Quạ là Tỷ-kheo tham lam này, Hồng nga mái là mẫu thân Ràhula và Hồng nga trống chính là Ta.
-ooOoo-
- Chuyện Ước Mơ Chóng Phai Tàn (Tiền thân Halidaràga)
Trong chốn rừng hoang vắng một mình…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một chàng thanh niên bị một thiếu nữ thô tục cám dỗ. Phần duyên khởi chuyện này sẽ xuất hiện trong Chương Mười ba, Tiền thân Cullàrada, số 477, tập IV.
*
Bấy giờ theo cổ tích này, cô thiếu nữ biết rằng nếu chàng thanh niên khổ hạnh phá huỷ giới đức, chàng sẽ rơi vào uy lực của nàng. Rồi nghĩ cách dụ dỗ chàng và đưa chàng trở lại cõi trần tục, nàng bảo:
– Giới đức được hộ phòng cẩn mật ở rừng sâu, nơi các đặc tính của dục lạc như sắc đẹp, tiếng hay và các thứ tương tự như thế không có mặt, nên giới đức ấy không mang lại nhiều kết quả; song nó sẽ mang kết quả sung mãn trong cõi đời thế tục khi đối diện trực tiếp với sắc đẹp, cùng các thứ kia. Vậy chàng hãy đi cùng thiếp về hộ phòng giới đức tại đó.
Và nàng ngâm vần kệ đầu:
- Trong chốn rừng hoang vắng một mình
Con người có thể giữ tâm lành,
Dễ dàng chịu đựng trò lôi cuốn,
Song ở thôn quê hoặc thị thành
Ðầy rẫy biết bao mùi cám dỗ
Người vươn đến hạnh phúc tối cao minh.
Khi nghe vậy, chàng khổ hạnh trẻ tuổi đáp:
– Cha ta đã vào rừng. Khi người trở lại, ta sẽ xin phép người và đi theo nàng.
Nàng suy nghĩ: “Có lẽ chàng còn thân phụ. Nếu vị ấy thấy ta ở đây, vị ấy sẽ lấy đầu mũi đòn gánh đánh chết ta. Ta phải chạy trốn trước”. Vì thế nàng bảo chàng trai:
– Thiếp sẽ ra đi lên đường về trước chàng và để lại dấu chân sau đó, chàng cần phải đi theo thiếp.
Khi nàng đã đi rồi, chàng không đem củi về, cũng không lấy nước uống, mà chỉ ngồi thừ người suy nghĩ miên man, đến khi cha về, chàng cũng không ra đón.
Vì thế cha chàng hiểu con ngài đã rơi vào uy lực của nữ nhân, liền bảo:
– Này con, sao con chẳng tìm củi hay mang nước về uống, cũng chẳng có gì ăn, sao con chẳng làm gì cả mà chỉ ngồi người ra suy nghĩ?
Chàng trai khổ hạnh đáp:
– Thưa cha, người ta nói rằng giới đức được hộ phòng trong rừng hoang không đem lại kết quả mấy, nhưng nó sẽ phát sinh nhiều kết quả giữa của đời. Con muốn đi hộ phòng giới đức tại đó. Bạn đồng hành của con đã đi trước và bảo con theo sau. Vậy con muốn đi cùng bạn con. Nhưng khi sống tại đó, con phải cư xử theo cách nào?
Vừa hỏi câu này, chàng vừa ngâm vần kệ thứ hai:
- Thưa cha, xin giải toả nghi nan:
Ví lỡ con đi lạc bước đường,
Từ chốn rừng này vào xóm nọ,
Người nào giữ đức độ hiền lương,
Hay là môn phái nào tu tập
Con phải noi theo thật chánh chơn?
Sau đó thân phụ chàng ngâm các vần kệ còn lại:
3-4. Một kẻ nào con tín nhiệm luôn,
Và con tạo được mối yêu thương,
Người này tin cậy lời con nói,
Tỏ với con kiên nhẫn nhịn nhường,
Người ấy chẳng bao giờ phạm lỗi
Về lời nói, ý tưởng hay thân,
Hãy đem người ấy vào lòng dạ
Theo sát người kia tựa bạn vàng
5-6. Với hạng người thay đổi lạ lùng
Như lời loài khỉ vượn nhảy lung tung,
Tính tình bất định, thì con nhớ
Ðừng hướng tâm giao kết bạn cùng,
Dù số phần con quanh quẩn mãi
Một mình trơ trọi ở trong rừng.
7. Hãy tránh xa đường hướng ác hành,
Như con tránh rắn dữ cho nhanh,
Hay như người lái xe xa lánh
Một lối đi gai gốc gập ghềnh.
8-9. Các nỗi khổ đau vẫn ngập tràn
Khi người hầu cận hạng si cuồng,
Ðừng giao kết bọn người ngu xuẩn,
Lời nói của cha phải phục tuân,
Làm bạn với phường vô trí ấy
Chỉ làm mồi khổ não đau buồn.
Khi được cha khuyến giáo như vậy, chàng trai đáp:
– Nếu con đi đến chỗ người đời, con không thể tìm được các bậc hiền trí như cha. Con sợ đến đó lắm rồi. Con muốn ở lại đây hầu cận bên cha.
Sau đó phụ thân chàng lại khuyến giáo nhiều hơn nữa và dạy chàng các nghi thức tu tập đưa đến Thiền định vi diệu. Rồi chẳng bao lâu, chàng trai phát triển các Thắng Trí và các Thiền chứng và về sau chàng cùng cha đều được sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Sau Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỷ-kheo mơ tưởng thế tục đã đắc Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy vị khổ hạnh trẻ tuổi là Tỷ-kheo có tâm hướng về thế tục này, cô gái thuở ấy là cô gái ngày nay và cha chàng chính là Ta.
-ooOoo-
- Chuyện Cái Hộp (Tiền thân Samuggu)
Kìa đến từ đâu, các bạn ta?…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo có tâm hướng đến thế tục.
Chuyện kể rằng bậc Ðạo Sư hỏi có thật vị ấy đang tham đắm thế tục chăng, và khi ông thú nhậnđúng như vậy. Ngài bảo:
– Này Tỷ-kheo, tại sao ông ham muốn nữ nhân? Nữ nhân thật là độc ác, vô ơn. Ngày xưa các ác quỷ Asura (A-tu-la) nuốt nữ nhân vào bụng và dù canh giữ nữ nhân trong bụng, chúng cũng không thể làm cho nữ nhân trung thành với một nam nhân được. Vậy thì bằng cách nào ông sẽ có khả năng làm chuyện ấy.
Rồi sau đó Ngài kể một chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát từ bỏ tham dục lạc thế gian, vào vùng Tuyết Sơn theo đời tu tập, ngài ở đó sống bằng quả rừng và phát triển các Thắng trí cùng các Thiền chứng.
Không xa thảo am của ngài, có một ác quỷ Asura (A-tu-la). Thỉnh thoảng nó đến gần bậc Ðại Sĩ và nghe Pháp, nhưng vẫn đứng trong rừng trên xa lộ, nơi có nhiều người tu tập, nó bắt họ và ăn thịt.
Thời ấy có một nữ nhân quý tộc ở quốc độ Kàsi, cực kỳ diễm lệ, sống ở một làng biên địa. Một hôm nàng đi thăm cha mẹ và khi trở về, ác quỷ này thấy bọn người theo hộ tống nàng liền hoá hình khủng khiếp nhảy vào họ. Bọn người này đánh rơi khí giới cầm trong tay và chạy trốn. Ác quỷ thấy giai nhân ngồi trên xe ngựa, đâm ra say mê nàng, liền đem nàng về làm vợ.
Từ đó ác quỷ đem cho nàng bơ sữa, gạo, cá, thịt và các món ăn khác, cùng trái cây để ăn và điểm trang nàng với đủ thứ y phục châu báu. Ðể canh giữ nàng cho an toàn, nó đặt nàng vào một cái hộp, rồi nuốt vào bụng và giữ nàng trong bụng.
Một hôm nó muốn tắm, liền đến hồ nước kéo hộp ra và đem nàng ra ngoài, nó tắm rửa, xoa dầu thơm cho nàng và khi đã mặc xiêm y cho nàng xong, nó bảo:
– Nàng hãy vui chơi giây lát ngoài trời.
Rồi không nghi ngờ có sự nghi hại nào, ác quỷ đi hơi xa để tắm.
Vừa lúc ấy chàng con trai của Vàyu, một tà thuật sư, đeo kiếm bên lưng, đang du hành trên không. Khi nàng thấy y, nàng đưa tay theo kiểu làm dấu hiệu cho y đến gần.
Tà thuật sư liền đáp xuống đất. Sau đó nàng đặt y vào hộp rồi ngồi lên đó, đợi ác quỷ Asura đến, trước khi nó bước lại gần chiếc hộp, nàng mở hộp ra và bước vào, nằm trên vị tà thuật sư, lấy xiêm áo của nàng phủ lên người y. Ác quỷ Asura đến nơi, không quan sát kỹ chiếc hộp cứ tưởng chỉ có cô nàng, nên lại nuốt hộp vào bụng và trở về hang.
Trong khi đi đường, nó suy nghĩ: “Ðã lâu lắm từ khi ta thăm vị ẩn sĩ khổ hạnh. Hôm nay ta muốn đi đảnh lễ ngài”. Còn ngài đã thấy nó từ đằng xa, biết rằng có hai người trong bụng ác quỷ, nên ngài ngâm vần kệ đầu bảo nó:
- Kìa đến từ đâu, các bạn ta?
Chào mừng ba vị đến thăm nhà,
Vui lòng ở với ta giây lát,
Ta chắc các ngươi sống thuận hoà,
Hạnh phúc, vì lâu ngày chẳng thấy
Vị nào qua lại chốn đường xa.
Khi nghe vầy, ác quỷ Asura suy nghĩ: “Ta đã đến đây một mình để thăm vị khổ hạnh này, và ngài lại nói có ba người; ý ngài muốn ám chỉ gì vậy? Ngài nói vì biết rõ hiện trạng mọi việc, hay ngài hoá điên và nói nhảm nhí?” Sau đó nó đến gần ngài kính cẩn ngồi một bên và ngâm vần kệ thứ hai đàm đạo với ngài:
- Tôi đến thăm ngài chỉ một thân
Chứ không người, vật khác đi cùng,
Cớ sao ngài nói, thưa Tôn giả,
“Kìa đến từ đâu, các bạn vàng,
Tất cả ba người cùng đủ mặt
Hôm nay quả thật đáng chào mừng!”
Vị khổ hạnh này đáp:
– Ngươi có thật sự muốn nghe lý do chăng?
– Thưa vâng, bạch Thánh giả.
– Vậy hãy nghe đây.
Ngài đáp và ngâm vần kệ thứ ba:
- Hãy biết rằng ngươi với vợ ngươi,
Nằm yên trong hộp ấy là hai
Ðược canh phòng kỹ trong lòng kín,
Chơi với Và-yu Tứ thật vui!
Khi nghe vầy, ác quỷ Asura suy nghĩ: “Các tà thuật sư chắc chắn phải đầy các trò xảo quyệt, giả sử hắn cầm kiếm trong tay và rạch bụng ta ra để trốn thoát thì sao?”
Và vô cùng hốt hoảng, ác quỷ nhả chiếc hộp ra, đặt trước mặt nó.
Bậc Ðạo Sư muốn làm sáng tỏ vấn đề với Trí tuệ tối thắng của ngài, liền ngâm vần kệ thứ tư:
- Ác quỷ vì gươm, thấy hãi kinh,
Nhả ra chiếc hộp tự trong mình,
Ðặt ngay xuống đất nhìn cô vợ
Trang điểm vòng hoa thật đẹp xinh
Như thế cô dâu cùng chú rể
Và- yu Tử nọ hưởng men tình!
Chiếc hộp vừa được mở ra thì vị tà thuật sư niệm thần chú, vừa chụp thanh kiếm vừa vụt lên không. Khi thấy vậy, ác quỷ Asura hài lòng vì bậc Ðại Sĩ đến độ nó ngâm các vần kệ được gợi cảm hứng cốt để ca tụng ngài:
- Thánh giả nhãn quang thấy rõ ràng
Ðắm chìm hạ liệt bọn nam nhân,
Làm thân nô lệ cho nhi nữ,
Tôi giữ nó vào trong bụng luôn
Như chính đời tôi song khốn nạn,
Nó chơi trò mất nết hư thân. - Ngày đêm săn sóc nó, canh chừng
Như ẩn sĩ chăm chút lửa rừng,
Song nó vẫn sa vào tội lỗi
Vượt ngoài vòng đạo lý công bằng.
Dính vào nữ giới tất nhiên phải
Gánh chịu bao ô nhục cuối cùng. - Tưởng dấu trong mình, chẳng thấy ai,
Nó là sở hữu của riêng tôi,
Song tên nó chính là “dâm phụ”,
Nó phạm tội kia trái đạo trời.
Liên luỵ nữ nhân ắt phải chịu
Nhận bao ô nhục đến tàn đời.8. Bọn nam nhi thật chỉ hoài công
Ðịch với ngàn mưu chước nữ nhân.
Tin tưởng hộ phòng là chắc chắn
Cứ như vực thẳm cứ xuôi dần
Xuống miền địa ngục bao chàng ngốc
Nó đã lôi vào chỗ liệt vong.9. Người tránh lối đường của nữ nhi
Sống đầy hạnh phúc thoát sầu bi,
Thấy niềm cực lạc trong cô tịch,
Xa lánh hồng nhan phản bội kia!
Cùng với những lời này, ác quỷ quì xuống chân bậc Ðại Sĩ, vừa tán thán ngài, vừa nói:
– Bạch Thánh giả, con đã được ngài cứu mạng. Vì nữ nhân độc ác kia, con suýt bị tà thuật sư giết chết.
Sau đó Bồ Tát thuyết Pháp cho nó và bảo:
– Ðừng làm hại nàng ấy. Hãy giữ giới hạnh.
Rồi ngài an trú nó vào Ngũ giới.
Ác quỷ nói:
– Dù con đã giữ nó trong bụng, con vẫn không thể giữ nó an toàn được. Vậy còn ai giữ được nó nữa?
Vì thế nó thả cho nàng đi, rồi trở về hang cũ trong rừng.
*
Sau Pháp thoại, bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các Sự Thật. Lúc kết thúc các Sự Thật, vị Tỳ kheo có tâm thế tục đã đắc Sơ quả (Dự Lưu).
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy vị khổ hạnh có thần thông chính là Ta.
-ooOoo-
- Chuyện Chó Rừng Pùtimunsa (Tiền thân Pùtimunsa)
Sao Pù -ti lại ngó trừng trừng…,
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc ngụ tại Kỳ Viên về việc chế ngự dục tham.
Có một thời nhiều tỳ kheo không hộ phòng các căn môn. Bậc đạo sư báo trưởng lão Ànanda:
– Ta phải giáo huấn các tỳ kheo này.
Và do tăng chúng thiếu sự điều phục thân tâm, Ngài triệu tập các tỳ kheo lại rồi ngồi trên bảo toạ được trang hoàng lộng lẫy, Ngài bảo các vị:
– Này các tỳ kheo, thật không chính đáng khi một tỳ kheo chịu sự chi phối của sắc đẹp cá nhân (tịnh tướng) khiến vị ấy sinh lòng luyến ái các đặc điểm thể chất hoặc tinh thần của con người, vì giả sử vị ấy chết ngay lúc ấy, vị ấy sẽ bị tái sinh vào địa ngục, ác thú, đoạ sứ; vậy các ông đừng sinh tâm luyến ái các đặc điểm thể chất cùng các thứ tương tự như thế. Một tỳ kheo nên để tâm đến các đặc điểm tinh thần hay thể chất. Những ai làm như vậy ngay trong cảnh đời hiện tại này đều bị hoàn toàn huỷ hoại. Vì thế, này các tỳ kheo, con mắt tham dục cần phải được tiếp xúc với cái đinh sắt nóng đỏ mới có ích lợi.
Ðến đây Ngài nói thêm chi tiết:
– Có lúc các ông cần quán sát tịnh tướng, và có lúc các ông đừng quan tâm đến nó. Vào lúc quán sát tịnh tướng, đừng quán sát nó dưới ảnh hưởng của vật khả ái, nhưng hãy quán sát nó dưới ảnh hưởng của vật bất khả ái. Như vậy các ông sẽ không bị đoạ lạc khỏi trú xứ chân chánh của mình. Và trú xứ này của các ông là gì? Ðó chính là Bốn Thiền quán chân chánh, Thánh đạo Tám ngành và Chín trú xứ siêu việt. Nếu các ông đi đúng trong lĩnh vực chân chánh này của mình, Ác Ma sẽ không tìm được lối vào; song nếu các ông bị tham dục chi phối và quán sát sự vật dưới ảnh hưởng của tịnh tướng cá nhân như con chó rừng Pùtimansa, thì các ông sẽ bị đoạ lác khỏi trú xứ chân chánh của mình.
Và cùng với các lời này, Ngài kể một chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa dưới triều đại Brahmadatta, quốc vương ở Ba-la-nại, hàng trăm dê rừng trú trong một hang núi tại vùng rừng rậm trên sườn dãy Tuyết Sơn.
Không xa chỗ ở của chúng, có con chó rừng tên là Pùtimansa sống trong hang với vợ nó là Venì.
Một hôm nó quanh quẩn cùng vợ, rình rập bầy dê và suy nghĩ: “Ta phải tìm cách ăn thịt mấy con dê này”. Rồi nhờ mưu mẹo nó giết được một con dê. Cả hai vợ chồng nó nhờ ăn thịt dê trở thành lực lưỡng đẫy đà. Dần dần số dê giảm xuống.
Trong số đó có con dê cái khôn ngoan tên là Melamàtà. Dù nhiều mưu kế tài giỏi, chó rừng cũng không thể giết dê được, nên lúc bàn luận với vợ, nó bảo:
– Nàng ơi tất cả bầy dê đã chết hết. Chúng ta phải bày mưu ăn thịt dê cái này, giờ đây là kế hoạch của ta. Nàng phải đi một mình, làm thân với dê cái, rồi khi niềm tin tưởng đã phát sinh giữa nàng và nó, ta sẽ nằm xuống giả vờ chết. Sau đó, nàng đến gần dê cái, bảo: “Bạn ơi, chồng tôi đã chết, tôi đang khốn khổ, trừ bạn tôi không có ai cả. Vậy hãy đến đây cùng tôi than khóc và chôn xác chồng tôi”. Và cùng với những lời này, nàng hãy đến đưa dê lại đây với nàng. Sau đó ta sẽ nhảy lên cắn cổ nó giết đi.
Chó cái sẵn sàng đồng ý. Sau cuộc kết giao bằng hữu với dê cái, khi lòng tin tưởng đã vững chắc, nó nói với dê cái những lời do chồng nó đưa ra. Dê cái đáp:
– Bạn ơi, cả họ hàng nhà tôi bị chồng nàng ăn thịt. Tôi sợ lắm. Tôi không dám đi.
– Ðừng sợ gì cả, chó chết rồi làm sao hại bạn được nữa?
– Chồng chị có ác ý lắm nên tôi sợ.
Nhưng sau khi bị nài nỉ van xin mãi, dê cái suy nghĩ: “Chắc có lẽ nó chết thật rồi”, nên đồng ý đi với chó cái. Nhưng trên đường đi nó suy nghĩ: “Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra?”, nên sinh lòng nghi ngờ, nó bảo chó cái đi trước và đề phòng chó đực rất tinh tế.
Chó đực nghe tiếng chân của chúng liền suy nghĩ: “Con dê đến rồi”, nên ngẩng đầu lên và đảo mắt nhìn quanh. Dê cái thấy nó làm vậy liền nói: “Con chó khốn nạn độc ác này muốn dụ ta vàođể giết ta, nó nằm kia giả vờ chết”. Dê cái quay đi và chạy trốn.
Khi chó cái hỏi tại sao nó chạy trốn, dê cái ngâm vần kệ đầu nêu lý do:
- Sao Pù-ti lại ngó trừng trừng
Vẻ chó nhìn dê thật ghét căm,
Với bạn thế, ta cần thận trọng,
Và nên chạy trốn thật nhanh chân.
Cùng với các lời này, dê quay đi và chạy thẳng về chỗ ở của nó. Chó cái không thể ngăn dê được, rất tức giận con dê và trở về bên chồng, ngồi than khóc. Lúc ấy chó rừng trách mắng vợ qua vần kệ thứ hai:
- Ve-ni, vợ dại, kém thông minh
Lại khoe đã kết bạn thân tình,
Bơ vơ trong bụi, ngồi than khóc,
Vì bị Mê-la phỉnh gạt mình.
Nghe vậy, chó cái ngâm vần kệ thứ ba:
- Chàng cũng chẳng khôn khéo tý nào!
Ngu si, chàng đã ngẩng đầu cao,
Trừng trừng, chàng mở to hai mắt,
Dù giả vờ nằm chết đó sao?
4. Người nào khôn khéo đúng thời cơ
Biết nhắm mắt và mở mắt to,
Ai mở mắt nhìn không đúng lúc
Như Pù-ti nọ, phải buồn lo!
Ðây là vần kệ xuất phát từ Trí Tuệ Tối thắng của đức Phật.
Nhưng chó cái lại an ủi Pùtimansa và bảo:
– Chàng ơi, đừng bực mình nữa, thiếp sẽ tìm cách mang dê lại đây, và khi nó đến chàng hãy canh chừng và chụp lấy nó.
Sau đó nó đi tìm dê cái và bảo:
– Bạn ơi, bạn đến thăm thật ích lợi cho chúng tôi, vì ngay khi bạn vừa xuất hiện, chồng tôi đã hồi tỉnh và nay đã sống lại rồi, xin hãy đến nơi nói chuyện thân tình với chàng.
Nói xong nó ngâm vần kệ thứ năm:
- Tình bạn, trước đây hãy phục hồi,
Xin đem bát cháo đến nhà tôi,
Chồng tôi tưởng chết nay hồi tỉnh,
Hãy viếng chàng, thăm hỏi thật vui.
Dê suy nghĩ: “Con chó cái khốn nạn độc ác này lại muốn dụ dỗ ta. Ta không nên hành động như một kẻ thù lộ diện mà ta sẽ tìm cách đánh lừa nó”. Dê liền ngâm vần kệ thứ sáu:
- Tình bạn cũ, nay muốn phục hồi
Ta đem bát cháo, dạ mừng vui
Với đoàn hộ tống ta đi đến
Ăn tiệc tưng bừng, nhanh bước thôi.
Sau đó chó cái hỏi thăm đoàn hộ tống của dê và ngâm vần kệ thứ bảy:
- Những ai hộ tống bạn bên mình
Ðể đãi bạn, tôi phải nhiệt tình,
Danh tánh những ai thăm hỏi đó,
Xin cho tôi biết thật chân thành.
Dê ngâm kệ thứ tám đáp lời:
- Chó săn nâu xám, bốn mắt lồi,
Hình quỷ Jam-buk, hộ tống tôi,
Thôi hãy về nhà, mau sửa soạn
Dồi dào yến tiệc để chào mời.
Nó còn nói thêm:
– Mỗi chó hình quỷ này được năm trăm chó khác hộ tống, do vậy ta sẽ có một đoàn tuỳ tùng cả hai ngàn con chó canh giữ. Nếu chúng không thấy thức ăn, chúng sẽ giết luôn bạn và chồng bạn để ăn thịt đấy.
Nghe vậy chó cái kinh sợ đến độ suy nghĩ: “Ta đã chán ngán việc nó đến thăm nhà ta rồi. Ta sẽ tìm cách ngăn nó đến”. Rồi chó cái ngâm kệ:
- Ðừng rời nhà bạn, kẻo ta e
Ðồ đạc sẽ nhanh chóng mất đi.
Ta sẽ đem lời dê nhắn gửi,
Ðứng yên! Ðừng nói nữa, ta về!
Cùng với những lời này, chó cái ra sức chạy vội vàng để tự cứu mạng và đem luôn cả chồng nó chạy theo. Rồi từ đó chúng không bao giờ dám trở lại chỗ ấy nữa.
*
Bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy Ta là vị Thần sống tại rừng ấy trên một cây cổ thụ.
-ooOoo-
- Chuyện Con Gà Gô (Tiền thân Tittira)
Nó đã ăn tươi bọn trẻ thơ …,
Bậc đạo sư kể chuyện này trong lúc trú ngụ tại núi Linh Thứu, về dự định của Devadatta mưu sát Ngài.
Chính vào thời ấy Tăng chúng bắt đầu thảo luận tại Chánh pháp đường:
– Này các Hiền giả, than ôi! Devadatta thật là hạ liệt và vô liêm sỉ biết bao! Vị ấy kết hợp với Thái tử Ajàtasattu lập mưu sát hại đức Phật Chánh Ðẳng Giác bằng cách mua chuộc bọn xạ thủ, lăn đá xuống đồi, và thả lỏng con voi Nalàgiri.
Bậc Ðạo sư bước vào hỏi Tăng chúng đang bàn luận việc gì lúc hội họp, và khi nghe kể đề tài câu chuyện, Ngài bảo:
– Không phải chỉ bây giờ, mà xưa kia nữa, Devadatta cũng mưu giết ta, song cũng không thể làm gì cho ta kinh hãi được.
Rồi Ngài kể câu chuyện đời xưa.
*
Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, một giáo sư danh tiếng lừng lẫy thế giới tại Ba-la-nại dạy các học thuật cho năm thanh niên Bà-la-môn.
Một hôm vị ấy suy nghĩ: “Bao lâu ta còn ở đây, ta sẽ gặp trở ngại cho đời tu hành và các đồ đệ ta cũng không hoàn thành việc học của họ. Ta muốn về ẩn dật trong thảo am trên sườn núi Tuyết Sơn và dạy học ở đó.”
Vị ấy báo tin cho các đồ đệ, bảo họ đem mè, gạo xay, dầu, y phục đại loại như thế, rồi đi vào rừng dựng thảo am ở cạnh xa lộ. Mỗi vị đệ tử đến tự xây một thảo am cho mình. Thân quyến họ gửi gạo và các thứ kia, còn dân làng bảo nhau: “Người ta đồn một vị danh sư đang sống nơi kia trong rừng và thuyết giảng kiến thức học thuật”, liền đem quà lúa gạo đến tặng, các người kiểm lâm cũng tặng quà, lại có một người tặng bò cái và bê con để chư vị lấy sữa.
Bấy giờ, có một con tắc kè cùng hai con nó đến ở trong lều vị giáo sĩ, và một con Sư tử cùng một con cọp hầu hạ vị ấy. Một con gà gô cũng thường xuyên ở tại đó và do nghe giáo sư dạy thánh kinh cho đệ tử, con Gà dần dần hiểu ba tập Vệ-đà. Các Bà-la-môn trở nên thân thiện với Gà gô. Về sau, trước khi các thanh niên này đạt tinh thông các học thuật, thì vị giáo sư mất. Các đệ tử đem thi hài thầy hỏa thiêu, dựng một mô cát lên chỗ để tro, vừa than khóc vừa trang hoàng nơi ấyđầy đủ các loại hoa. Thấy vậy Gà gô hỏi tại sao họ khóc. Họ đáp:
– Thầy chúng ta đã mất trong khi việc học của chúng ta chưa hoàn mãn.
– Nếu chuyện là thế thì các vị đừng lo buồn nữa. Tôi sẽ dạy các vị kiến thức ấy.
– Làm sao Gà biết được?
– Tôi thường nghe giáo sư của các vị trong lúc giảng dạy các vị, nên đã học thuộc lòng ba tập Vệ-đà rồi.
– Thế Gà hãy truyền cho chúng tôi những gì Gà đã học thuộc lòng nhé.
Gà đáp:
– Nào lắng nghe đây.
Rồi Gà thuyết giảng mọi điểm khúc mắc cho họ, dễ dàng như người đưa nước suối từ núi cao xuống. Các thanh niên Bà-la-môn vô cùng hân hoan và thu thập kiến thức từ con Gà gô thông thái này. Con Gà gô đậu trên chỗ giáo sư danh tiếng ấy thường ngồi, và thuyết giảng về tri kiến Vệ-đà. Các thanh niên làm cho Gà đủ mật ong, hạt ngũ cốc rang trong chiếc đĩa vàng, lại còn tặng đủ thứ hoa có màu sắc rực rỡ và tỏ vẻ vô cùng tôn kính Gà gô.
Tiếng đồn vang dậy khắp Diêm-phù-dề (Ấn Ðộ) rằng một con Gà gô rừng đang dạy Thánh kinh cho năm trăm thanh niên Bà-la-môn. Vào lúc ấy, dân chúng mở lễ hội lớn, tụ tập cùng nhau trên đỉnh núi. Cha mẹ các thanh niên này gửi lời nhắn các con đến xem lễ hội. Họ liền kể chuyện con Gà gô, rồi ủy thác Gà gô cùng thảo am của họ cho Tắc kè chăm nom, và họ ra đi đến nhiều kinh thành.
Lúc ấy một vị khổ hạnh lõa thể độc ác du hành đây đó bước tới chốn này. Khi thấy vị ấy, con Tắc kè đến nói chuyện thân thiện và bảo:
– Ở chỗ này chỗ kia, ngài sẽ thấy gạo, dầu và các món khác. Hãy nấu cơm và ăn uống no nê!
Nói xong nó ra đi kiếm mồi.
Sáng sớm kẻ ác kia nấu cơm và giết luôn hai tắc kè con ăn thịt làm một món ngon lành. Ðến trưa, y giết và ăn thịt luôn con gà gô thông thái, và con bê, đến chiều tối, y vừa thấy con bò về nhà liền giết nó luôn để ăn thịt. Rồi y nằm ngủ ngáy vang dưới gốc cây. Xế chiều tắc kè trở về thấy vắng hai con liền đi quanh tìm chúng. Một vị thần cây quan sát Tắc kè đang run rẩy toàn thân vì không tìm được các con thơ, liền dùng thần lực đứng trong bộng cây và nói:
– Này Tắc kè, đừng run nữa, các con nhỏ ấy cùng Gà gô, bê con và bò cái đều bị kẻ độc ác này ăn thịt rồi. Hãy cắn vào cổ cho nó chết đi.
Vị thần vừa nói chuyện như vậy với Tắc kè, vừa ngâm vần kệ đầu:
- Nó đã ăn tươi bọn trẻ thơ
Dù con cho nó thật nhiều quà
Răng con hãy cắn sâu vào cổ
Ðứng để ác nhân trốn thoát ra
Sau đó Tắc kè ngâm hai vần kệ:
- Thâm tâm của nó tạo bùn nhơ
Chẳng khác áo người giữ trẻ thơ
Tôi e toàn thể thân mình nó
Chống đỡ răng tôi mạnh lắm mà! - Lỗi lầm kẻ hạ liệt vong ân
Ðều thấy khắp nơi rõ ràng,
Tâm nó chẳng bao giờ thỏa mãn
Với bao tặng vật của trần gian
Tắc kè nói xong, suy nghĩ: “Kẻ này sẽ thức dậy và ăn thịt ta”. Nó liền trốn đi để cứu mạng mình.
Bấy giờ Sư tử và Cọp rất thân thiết với Gà gô, và đôi khi Gà gô cũng bay đi thuyết Pháp cho nó. Hôm ấy, Sư tử bảo Cọp:
– Chúng ta đi thăm Gà gô đã lâu rồi, chắc cũng đã bảy tám ngày. Vậy bạn hãy đi đen tin tức của Gà về đây.
Con Cọp thỏa thuận và đi đến nơi đúng lúc con Tắc kè đã chạy trốn, nó thấy kẻ gian ác ấy đang ngủ. Trên các bện tóc của y thấy có vài cái lông gà, và gần đó lại có đống xương bò cái và bê con. Cọp chúa trông thấy cảnh ấy, lại thiếu Gà gô trong lồng vàng, liền suy nghĩ: “Các con vật này chắc đã bị kẻ ác nhân này giết hết rồi”. Nó đá mạnh thức y dậy. Khi thấy Cọp, y vô cùng sợ hãi. Rồi con Cọp hỏi:
– Có phải ngươi giết và ăn thịt các con vật này chăng?
– Tôi chẳng giết cũng chẳng ăn thịt chúng.
– Kẻ khốn nạn ác độc kia, nếu anh không giết chúng thì hãy nói cho ta biết ai khác giết? Nếu anh không nói, anh phải chết đấy.
Sợ nguy đến tính mạng, y đáp:
– Vâng thưa ngài, tôi đã giết và ăn thịt các con tắc kè con, bò cái và bê con, song tôi không giết con Gà gô.
Mặc dù y cứ phản đối mãi. Cọp cũng không tin y và bảo:
– Anh từ đâu đến đây?
– Tâu ngài, trước đây tôi bán hàng rong để kiếm sống ở xứ Kàlinga và sau khi thử bán vài món xong thì tôi đến đây.
Nhưng sau khi người ấy đã kể hết mọi việc y làm, con Cọp bảo:
– Này ác nhân kia, nếu anh không giết Gà gô, thì còn ai khác làm việc đó? Này, ta sẽ mang anh đến trước Sư tử, chúa sơn lâm đấy.
Thế là Cọp ra đi dẫn theo kẻ ấy trước mặt. Khi Sử tử thấy Cọp mang y đến, nó liền ngâm vần kệ thứ tư để đặt câu hỏi:
- Ði đâu vội vã thế Su-bà,
Sao kéo chàng trai trẻ thế ư?
Có việc gì cần, đây muốn biết,
Nói mau thành thật chớ chần chừ?
Nghe vậy Cọp ngâm vần kệ thứ năm:
- Bạn quý Gà gô của chúng ta
Hôm nay, tôi đoán, hóa thành ma
Chuyện xưa kẻ ấy làm tôi sợ
Nghe được hung tin của bạn Gà.
Sau đó Sư tử ngâm vần kệ thứ sáu:
- Chuyện xưa của kẻ ấy ra sao,
Tội lỗi gì y thú nhận mau
Ðã khiến Cọp nghi ngờ đại họa
Xảy ra cho bạn quý ta nào?
Ðể trả lời Sư tử, Cọp chúa ngâm các vần kệ còn lại
- Trong nước Kà-ling nó bán rong
Ði đường lởm chởm, gậy tay cầm,
Ở cùng bọn đánh đu nhào lộn,
Ðánh bẫy bao súc vật buộc chùm,
Nó cũng thường chơi trò súc sắc,
Lưới giăng bắt sống lũ chim muông,
Ðánh nhau từng đám dùng đao trượng,
Nó kiếm lời nhờ việc đếm đong. - Phản bội lời thề, đánh nữa khuya,
Bị thương, nó chảy máu dầm dề;
Bàn tay nó cháy vì gan góc,
Chụp lấy thức ăn nóng vụng về
Nghe nó sống đời tồi tệ vậy,
Ðó là tội ác chất đầu kia. - Vì ta đều biết con bò chết,
Giữa tóc người kia mấy sợi lông
Xuất hiện, nên tôi đầy khủng khiếp
Lo Gà gô bạn ắt vong thân.
Sư tử chúa hỏi người kia:
– Thế anh đã giết Gà gô thông thái rồi ư?
– Tâu chúa công, vâng, tôi đã giết.
Chúa Sư tử nghe y nói thật, nên muốn thả cho y ra đi, nhưng Cọp chúa bảo:
– Tên gian ác này đáng chết.
Và ngay tại chỗ, Cọp dùng răng xé y tan xác. Rồi Cọp đào hố quẳng thây vào đó.
Khi các thanh niên Bà-la-môn trở về, không thấy Gà gô, họ than khóc và bỏ nơi ấy ra đi.
*
Sau Pháp thoại, bậc Ðạo Sư bảo:
– Như vậy, này các Tỷ-kheo, ngày xưa Devadatta cũng đã lập mưu giết Ta.
Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy vị khổ hạnh là Devadatta, con Tắc kè là Kisàgotamì, con Cọp là Moggallàna, Sư tử là Sàriputta, vị giáo sư lừng danh thế giới là Kassapa và Gà gô thông thái chính là Ta.