Đại Tạng Kinh Việt Nam

Tương Ưng Bộ Kinh
Samyutta Nikàya

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Tập V – Thiên Ðại Phẩm

Chương IV

Tương Ưng Căn (a)

I. Phẩm Thanh Tịnh

  1. I. Thanh Tịnh (Tạp 26,3, Ðại 2,182c) (S.v,193)

1-2) Tại Sàvatthi… Thế Tôn thuyết:

3) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Này các Tỷ-kheo, những pháp này là năm căn.

  1. II. Dự Lưu (1) (Tạp 26,3, Ðại 2,182b) (S.v,193)

1-2) …

3) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

4) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của năm căn này; khi ấy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là vị Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

  1. III. Dự Lưu (2) (S.v,193)

1-2) …

3) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn.

4) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này; khi ấy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là vị Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

  1. IV. A-La-Hán (1) (Tạp 26,4, Ðại 2,182b) (S.v,194)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn.

3) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, sau khi như thật rõ biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, được giải thoát không có chấp thủ; khi ấy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là vị A-la-hán, lậu hoặc đã được đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã được đoạn tận, chánh trí, giải thoát.

  1. V. A-La-Hán (2) (S.v,194)

1) …

2) Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn…

3) Khi nào Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, sau khi như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, được giải thoát không có chấp thủ; khi ấy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là vị A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã được đoạn tận, chánh trí, giải thoát.

  1. VI. Sa Môn, Bà La Môn (1) (Tạp 26,9, Ðại 2,182c) (S.v,194)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn…

3) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly năm căn này; những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng không tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly năm căn này; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

  1. VII. Sa Môn, Bà La Môn (2) (S.v,195)

1-2) …

3) — Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết tín căn, không như thật rõ biết tín căn tập khởi, không như thật rõ biết tín căn đoạn diệt, không như thật rõ biết con đường đưa đến tín căn đoạn diệt… không như thật rõ biết tấn căn… không như thật rõ biết niệm căn… không như thật rõ biết định căn… không như thật rõ biết tuệ căn, không như thật rõ biết tuệ căn tập khởi, không như thật rõ biết tuệ căn đoạn diệt, không như thật rõ biết con đường đưa đến tuệ căn đoạn diệt; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng không tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay của Bà-la-môn hạnh.

4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết tín căn, như thật rõ biết tín căn tập khởi, như thật rõ biết tín căn đoạn diệt, như thật rõ biết con đường đưa đến tín căn đoạn diệt; như thật rõ biết tấn căn… như thật rõ biết niệm căn… như thật rõ biết định căn… như thật rõ biết tuệ căn, như thật rõ biết tuệ căn tập khởi, như thật rõ biết tuệ căn đoạn diệt, như thật rõ biết con đường đưa đến tuệ căn đoạn diệt; các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng tự mình chứng ngộ với thượng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay của Bà-la-môn hạnh.

  1. VIII. Cần Phải Quán (Tạp 26,5, Ðại 2,182b) (S.v,196)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn…

3) Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán tín căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tín căn trong bốn chánh tín (Phật, Pháp, Tăng, và Giới).

4) Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán tấn căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tấn căn trong bốn chánh cần.

5) Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán niệm căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán niệm căn trong bốn niệm xứ.

6) Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán định căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán định căn trong bốn Thiền.

7) Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán tuệ căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tuệ căn trong bốn Thánh đế.

8) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

  1. IX. Phân Biệt (Tạp 26,6, Ðại 2,182b (S.v,182b) (S.v,196)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín căn.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần, tinh tấn đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng các thiện pháp (anikkhittadhuro). Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn căn.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng (satinepakkena), ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu, các lời nói từ lâu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm căn.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ căn.

  1. X. Phân Tích (Tạp 26,14, Ðại 2,183b) (S.v,197)

1) Tại Savatthi, … Thế Tôn thuyết

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là tín căn.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần, tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp. Vị ấy đối với các pháp bất thiện chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho không sanh khởi; đối với các pháp bất thiện đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho đoạn tận; đối với các thiện pháp chưa sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho sanh khởi; đối với các thiện pháp đã sanh, phát khởi lòng ước muốn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho an trú, không có mê ám, được tăng trưởng, quảng đại, được tu tập, được làm cho viên mãn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn căn.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng, ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu, và lời nói từ lâu. Vị ấy trú, quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm căn.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ… an trú Thiền thứ hai… an trú Thiền thứ ba… từ bỏ lạc, từ bỏ khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ thuộc bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Vị ấy như thật rõ biết đây là khổ, như thật rõ biết đây là khổ tập khởi, như thật rõ biết đây là khổ đoạn diệt, như thật rõ biết đây là con đường đưa đến khổ đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ căn.

8) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

II. Phẩm Có Phần Yếu Hơn (Mudutaravaggo)

  1. I. Chứng Ðược (S.v,199)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc… Phật, Thế Tôn”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín căn.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn căn?

Này các Tỷ-kheo, khi tu tập bốn chánh cần, thâu nhận tinh tấn; này các Tỷ-kheo, đây gọi là tấn căn.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm căn? Này các Tỷ-kheo, khi tu tập bốn niệm xứ, thâu nhận niệm; này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm căn.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được nhứt tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ căn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt (các pháp), với trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ căn.

8) Này các Tỷ-kheo, những pháp này là năm căn.

  1. II. Tóm Tắt (1) (Tạp 26, 7, Ðại 2, 182c, 196c)(S.v,200)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự toàn diện (samattà), này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là bậc Bất hoàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Nhất lai. Yếu nhẹ hơn là bậc Dự lưu. Yếu nhẹ hơn nữa là bậc Tùy pháp hành. Yếu nhẹ hơn nữa là bậc Tùy tín hành.

  1. III. Tóm Tắt (2) (Tạp 26, 11, Ðại 2,182a) (S.v,200)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự toàn diện, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán… là bậc Tùy tín hành.

4) Như vậy, này các Tỷ-kheo, có sự sai biệt về căn, có sự sai biệt về quả, có sự sai biệt về sức mạnh, có sự sai biệt về người.

  1. IV. Tóm Tắt (3) (S.v,201)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm?

Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự toàn diện, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán… là bậc Tùy tín hành.

4) Như vậy, này các Tỷ-kheo, ai làm viên mãn, được quả viên mãn. Ai làm từng phần, được quả từng phần. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng năm căn không phải trống không.

  1. V. Rộng Thuyết(1) (S.v,201)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là bậc Trung gian Bát-niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Tổn hại Bát-niết-bàn (Upahacca parinibhàvii). Yếu nhẹ hơn là bậc Vô hành Niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Hữu hành Niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Thượng lưu, đạt đến Sắc cứu cánh thiên. Yếu nhẹ hơn là bậc Nhất lai. Yếu nhẹ hơn là bậc Dự lưu. Yếu nhẹ hơn là bậc Tùy pháp hành. Yếu nhẹ hơn là bậc Tùy tín hành.

  1. VI. Rộng Thuyết (2) (S.v,201)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự toàn diện, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là bậc Trung gian Bát-niết-bàn… là bậc Tùy tín hành.

4) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự sai khác về căn, sự sai khác về quả, sự sai khác về lực, sự sai khác về người.

  1. VII. Rộng Thuyết (3) (S.v,202)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự toàn diện, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là bậc Trung gian bát Niết-bàn… Yếu nhẹ hơn là bậc Tùy tín hành.

4) Như vậy, này các Tỷ-kheo, ai làm viên mãn, được quả viên mãn; ai làm từng phần, được quả từng phần. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng năm căn không phải trống không.

  1. VIII. Thực Hành (Hướng: Patipanno) (Tạp 26.11,Ðại 2,183a) (S.v,202)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự toàn diện, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này, là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả A-la-hán (A-la-hán hướng). Yếu nhẹ hơn là bậc Bất lai. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả Bất lai (A-na-hàm hướng). Yếu nhẹ hơn là bậc Nhất lai. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhất lai (Nhất lai hướng). Yếu nhẹ hơn là bậc Dự lưu. Yếu nhẹ hơn là vị đang thực hành để chứng ngộ quả Dự lưu (Dự lưu hướng).

4) Ðối với ai, này các Tỷ-kheo, năm căn này toàn bộ và toàn diện không có, thời Ta nói rằng người ấy là người đứng phía ngoài, là thuộc thành phần phàm phu.

  1. IX. Tịch Tịnh (Upasanno) (S.v,202)

1) …

2) — Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn… Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

3) — “Căn đầy đủ, căn đầy đủ”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là căn đầy đủ?

4) — Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập tín căn, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ… tu tập tuệ căn, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ.

5) Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có căn đầy đủ.

  1. X. Ðoạn Tận Các Lậu Hoặc (Tạp 26.8, Ðại 2,182c) (S.v,203)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Do tu tập, do làm cho sung mãn năm căn này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

III. Phẩm Sáu Căn

  1. I. Không Có Tái Sanh, hay Người Có Trí (Tạp 26.9, Ðại 2,182c) (S.v,203)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn.

3) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Ta không như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta không biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với các thế giới như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

4) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Ta như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm căn này, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta mới biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với các thế giới, như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người..

  1. II. Mạng (S.v,204)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có ba căn này. Thế nào là ba? Nữ căn, nam căn, mạng căn.

3) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba căn.

  1. III. Chánh Lý (Tạp 26.1, Ðại 2,182a) (S.v,204)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có ba căn này. Thế nào là ba? Vị tri đương tri căn, dĩ tri căn, cụ tri căn.

3) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba căn.

  1. IV. Nhứt Thắng Trí, hay Nhứt Chủng Tử (Tạp 26. 12, Ðại 1,183) (S.v,204)

1) …

2) — Có năm căn này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm? Tín căn… tuệ căn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

3) Với sự toàn diện, này các Tỷ-kheo, với sự viên mãn năm căn này là bậc A-la-hán. Yếu nhẹ hơn là bậc Trung gian Bát-niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Tổn hại Bát-niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Vô hành Niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Hữu hành Niết-bàn. Yếu nhẹ hơn là bậc Thượng lưu đạt tới Sắc cứu cánh thiên. Yếu nhẹ hơn là bậc Nhất lai. Yếu nhẹ hơn là bậc Nhứt chủng. Yếu nhẹ hơn là bậc gia gia (kolankolo). Yếu nhẹ hơn là bậc phải tái sanh lại nhiều nhất là bảy lần. Yếu nhẹ hơn là bậc Tùy pháp hành. Yếu nhẹ hơn là bậc Tùy tín hành.

  1. V. Thanh Tịnh (S.v,205)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có sáu căn này. Thế nào là sáu? Nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn.

3) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là sáu căn.

  1. VI. Dòng Nước Hay Dự Lưu (S.v,205)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có sáu căn này. Thế nào là sáu? Nhãn căn… ý căn.

3) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn căn này; khi ấy, vị Thánh đệ tử được gọi là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết định đạt tới Chánh Ðẳng Giác.

  1. VII. A-La-Hán (1) (S.v,205)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có sáu căn này. Thế nào là sáu? Nhãn căn… ý căn.

3) Khi nào Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, sau khi như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này, được giải thoát, không có chấp thủ; khi ấy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã được đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã gặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã được đoạn diệt, chánh trí, giải thoát.

  1. VIII. A-La-Hán hay Phật (2) (S.v,205)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có sáu căn này. Thế nào là sáu? Nhãn căn… ý căn.

3) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Ta chưa như thật chứng tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta không biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với các thế giới, như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Ta như thật chứng tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta mới nhận biết rõ ý nghĩa về sự chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đối với các thế giới, như Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

  1. IX. Sa-Môn, Bà-La-Môn (1) (S.v,206)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có sáu căn này. Thế nào là sáu? Nhãn căn… ý căn.

3) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại, không tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi sáu căn này; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

  1. X. Sa-Môn, Bà-La-Môn (2) (S.v,206)

1-2) …

3) — Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết nhãn căn, không như thật rõ biết nhãn căn tập khởi, không như thật rõ biết nhãn căn đoạn diệt, không như thật rõ biết con đường đưa đến nhãn căn đoạn diệt… nhĩ căn… tỷ căn… thiệt căn… thân căn… không như thật rõ biết ý căn, không như thật rõ biết ý căn tập khởi, không như thật rõ biết ý căn đoạn diệt, không như thật rõ biết con đường đưa đến ý căn đoạn diệt; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại, không tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

4) Nhưng những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết nhãn căn, như thật rõ biết nhãn căn tập khởi, như thật rõ biết nhãn căn đoạn diệt, như thật rõ biết con đường đưa đến nhãn căn đoạn diệt… nhĩ căn… tỷ căn… thiệt căn… thân căn… như thật rõ biết ý căn, như thật rõ biết ý căn tập khởi, như thật rõ biết ý căn đoạn diệt, như thật rõ biết con đường đưa đến ý căn đoạn diệt; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

IV. Phẩm Lạc Căn

  1. I. Thanh Tịnh (S.v,207)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn.

3) Những pháp này,này các Tỷ-kheo, là năm căn.

  1. II. Dòng Nước (S.v,207)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn… xả căn.

3) Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi năm căn này; vị Thánh đệ tử ấy, này các Tỷ-kheo, được gọi là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết định đạt đến Chánh Ðẳng Giác.

  1. III. A-La-Hán (S.v,208)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn.

3) Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sau khi như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi năm căn này, được giải thoát không có chấp thủ; khi ấy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã được đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã được đoạn tận, chánh trí, giải thoát.

  1. IV. Sa-Môn, Bà-La-Môn (1) (S.v,208)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn… xả căn.

3) Vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi năm căn này; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, không tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

4) Những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật rõ biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi năm căn này; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, được chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, cũng tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh, hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

  1. V. Sa-Môn, Bà-La-Môn (2) (S.v,208)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn… xả căn.

3) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không rõ biết lạc căn, không rõ biết lạc căn tập khởi, không rõ biết lạc căn đoạn diệt, không rõ biết con đường đưa đến lạc căn đoạn diệt… không rõ biết xả căn, không rõ biết xả căn tập khởi, không rõ biết xả căn đoạn diệt, không rõ biết con đường đưa đến xả căn đoạn diệt; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay không được chấp nhận là Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, không tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

4) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, rõ biết lạc căn, rõ biết lạc căn tập khởi, rõ biết lạc căn đoạn diệt, rõ biết con đường đưa đến lạc căn đoạn diệt… rõ biết xả căn, rõ biết xả căn tập khởi, rõ biết xả căn đoạn diệt, rõ biết con đường đưa đến xả căn đoạn diệt; những vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy được chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay được chấp nhận là Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn; và những bậc Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Sa-môn hạnh hay mục đích của Bà-la-môn hạnh.

  1. VI. Phân Tích (1) (S.v,209)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn… xả căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lạc căn? Này các Tỷ-kheo, cái gì lạc thuộc về thân, cái gì thích thú thuộc về thân, cái gì lạc do thân xúc sanh, cái gì thích thú được cảm thọ; này các Tỷ-kheo, đây được gọi là lạc căn.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ căn? Này các Tỷ-kheo, cái gì khổ thuộc về thân, cái gì không thích thú thuộc về thân, cái gì khổ do thân xúc sanh, cái gì không thích thú được cảm thọ; này các Tỷ-kheo, đây được gọi là khổ căn.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hỷ căn (somanassa)? Này các Tỷ-kheo, cái gì lạc thuộc về tâm, cái gì thích thú thuộc về tâm, cái gì lạc do ý xúc sanh, cái gì thích thú được cảm thọ; này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hỷ căn.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ưu căn? Này các Tỷ-kheo, cái gì khổ thuộc về tâm, cái gì không thích thú thuộc về tâm, cái gì khổ do ý xúc sanh, cái gì không thích thú được cảm thọ; này các Tỷ-kheo, đây được gọi là ưu căn.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xả căn? Này các Tỷ-kheo, cái gì không thích thú và không không thích thú thuộc về thân hay thuộc về tâm được cảm thọ; này các Tỷ-kheo, đây được gọi là xả căn.

8) Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

  1. VII. Phân Tích (2) (S.v,209)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn… xả căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lạc căn?… (Như số 3, kinh trước).

4-7). .. (Như số 4 đến 7 của kinh trước) …

8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, cái gì thuộc lạc căn và cái gì thuộc hỷ căn, cần phải xem là lạc thọ. Ở đây, này các Tỷ-kheo, cái gì thuộc về khổ căn, và cái gì thuộc ưu căn, cần phải xem là khổ thọ. Ở đây, cái gì thuộc xả căn, cần phải xem là bất khổ bất lạc thọ.

9) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm căn.

  1. VIII. Phân Tích (3) (S.v,210)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn… xả căn.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lạc căn?… (như trên) …

4-8) …(như trên) …

9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, các căn này, trước năm sau trở thành ba, trước ba sau trở thành năm, tùy theo pháp môn.

  1. IX. Cây Quay Ra Lửa (Arani) (S.v,211)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn.

3) Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc được cảm thọ là lạc, khởi lên lạc căn. Khi cảm thọ là lạc, người ấy rõ biết: “Tôi cảm giác lạc thọ”. Do đoạn diệt xúc được người ấy cảm thọ là lạc ấy, lạc căn được khởi lên do duyên với xúc thích ứng (tajjam) được cảm thọ là lạc, người ấy rõ biết lạc căn ấy diệt, được tịnh chỉ.

4) Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc được cảm thọ là khổ, khởi lên khổ căn. Khi cảm thọ là khổ, người ấy rõ biết: “Tôi cảm giác khổ thọ”. Do đoạn diệt xúc được người ấy cảm thọ là khổ ấy, khổ căn được khởi lên do duyên với xúc thích ứng được cảm thọ là khổ, người ấy rõ biết khổ căn ấy diệt, được tịnh chỉ.

5) Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc được cảm thọ là hỷ, khởi lên hỷ căn. Khi cảm thọ là hỷ, người ấy rõ biết: “Tôi cảm giác hỷ”. Do đoạn diệt xúc được người ấy cảm thọ là hỷ ấy, hỷ căn được khởi lên do duyên với xúc thích ứng được cảm thọ là hỷ, người ấy rõ biết hỷ căn ấy diệt, được tịnh chỉ.

6) Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc được cảm thọ là ưu, khởi lên ưu căn. Khi cảm thọ là ưu, người ấy rõ biết: “Tôi cảm giác ưu thọ”. Do đoạn diệt xúc được người ấy cảm thọ là ưu ấy, ưu căn được khởi lên do duyên với xúc thích ứng được cảm thọ là ưu, người ấy rõ biết ưu căn ấy diệt, được tịnh chỉ.

7) Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc được cảm thọ là xả, khởi lên xả căn. Khi cảm thọ là xả, người ấy rõ biết: “Tôi cảm giác xả thọ”. Do đoạn diệt xúc được người ấy cảm thọ là xả ấy, xả căn được khởi lên do duyên với xúc thích ứng được cảm thọ là xả, người ấy rõ biết xả căn ấy diệt, được tịnh chỉ.

8) Ví như, này các Tỷ-kheo, sự xúc chạm và sự cọ xát hai thanh củi, sức nóng sanh khởi, lửa được hiện hữu. Khi hai thanh củi ấy được tách rời, được ly khai, sức nóng thích ứng ấy được đoạn diệt, được tịnh chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên xúc được cảm thọ là lạc, khởi lên lạc căn. Khi cảm thọ là lạc, người ấy rõ biết: “Tôi cảm giác lạc thọ”. Do đoạn diệt xúc được người ấy cảm thọ là lạc ấy, lạc căn được khởi lên do duyên với xúc thích ứng được cảm thọ là lạc, người ấy rõ biết lạc căn ấy diệt, được tịnh chỉ. Do duyên xúc được cảm thọ là khổ, khởi lên khổ căn… Do duyên xúc được cảm thọ là hỷ, khởi lên hỷ căn… Do duyên xúc được cảm thọ là ưu, khởi lên ưu căn… Do duyên xúc được cảm thọ là xả, khởi lên xả căn. Khi cảm thọ là xả, người ấy rõ biết: “Tôi cảm giác xả thọ”. Do đoạn diệt xúc được người ấy cảm thọ là xả ấy, xả căn được khởi lên do duyên với xúc thích ứng được cảm thọ là xả, người ấy rõ biết xả căn ấy diệt, được tịnh chỉ.

  1. X. Sanh (S.v,213)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Khổ căn, ưu căn, lạc căn, hỷ căn, xả căn.

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, khởi lên khổ căn, vị ấy rõ biết như vầy: “Khổ căn này khởi lên nơi ta”. Và khổ căn ấy có tướng, có nhân, có hành, có duyên. Và khổ căn ấy không tướng, không nhân, không hành, không duyên sẽ khởi lên; sự kiện như vậy không xảy ra. Và vị ấy rõ biết khổ căn, rõ biết khổ căn tập khởi, rõ biết khổ căn đoạn diệt. Từ chỗ nào, khổ căn khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn, vị ấy rõ biết khổ căn ấy. Và tại chỗ nào khổ căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Ở đây, khổ căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo biết rõ sự đoạn diệt của khổ căn, tập trung tâm (upasamhàsi) để đạt tới điều kiện ấy.

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, khởi lên ưu căn, vị ấy rõ biết như vầy: “Trong ta khởi lên ưu căn này”. Và ưu căn ấy có tướng, có nhân, có hành, có duyên. Và ưu căn ấy có thể khởi lên, không tướng, không nhân, không hành, không duyên; sự kiện như vậy không xảy ra. Và vị ấy rõ biết ưu căn, rõ biết ưu căn tập khởi, rõ biết ưu căn đoạn diệt. Từ chỗ nào, ưu căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn, vị ấy rõ biết ưu căn ấy. Và tại chỗ nào ưu căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhứt tâm. Và ở đây, ưu căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo biết rõ sự đoạn diệt của ưu căn, tập trung tâm để đạt tới điều kiện ấy.

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, khởi lên lạc căn; vị ấy rõ biết như vầy: “Lạc căn này khởi lên nơi ta”. Lạc căn ấy có tướng, có nhân, có hành, có duyên. Và lạc căn ấy không tướng, không nhân, không hành, không duyên có thể khởi lên; sự kiện như vậy không xảy ra. Và vị ấy rõ biết lạc căn, rõ biết lạc căn tập khởi, rõ biết lạc căn đoạn diệt. Từ chỗ nào, lạc căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn, vị ấy rõ biết lạc căn ấy. Và tại chỗ nào lạc căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly hỷ, trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Ở đây, lạc căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo biết rõ sự đoạn diệt của lạc căn, tập trung tâm để đạt tới điều kiện ấy.

6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, khởi lên hỷ căn; vị ấy rõ biết như sau: “Hỷ căn này khởi lên nơi ta”. Và hỷ căn ấy có tướng, có nhân, có hành, có duyên. Và hỷ căn ấy không tướng, không nhân, không hành, không duyên có thể khởi lên; sự kiện như vậy không xảy ra. Vị ấy rõ biết hỷ căn, rõ biết hỷ căn tập khởi, rõ biết hỷ căn đoạn diệt. Từ chỗ nào khởi lên, hỷ căn được đoạn diệt không có dư tàn, vị ấy rõ biết hỷ căn ấy. Và tại chỗ nào hỷ căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn lạc, đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Ở đây, hỷ căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là Tỷ-kheo biết rõ sự đoạn diệt của hỷ căn, tập trung tâm để đạt tới điều kiện ấy.

7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, khởi lên xả căn, vị ấy rõ biết như sau: “Xả căn này khởi lên nơi ta”. Và xả căn ấy có tướng, có nhân, có hành, có duyên. Và xả căn ấy không tướng, không nhân, không hành, không duyên có thể khởi lên; sự kiện như vậy không xảy ra. Vị ấy rõ biết xả căn, rõ biết xả căn tập khởi, rõ biết xả căn đoạn diệt. Từ chỗ nào khởi lên, xả căn được đoạn diệt không có dư tàn, vị ấy rõ biết xả căn ấy. Và tại chỗ nào xả căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt qua một cách hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Ở đây, xả căn khởi lên, được đoạn diệt không có dư tàn. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là Tỷ-kheo biết rõ sự đoạn diệt của xả căn, tập trung tâm để đạt tới điều kiện ấy.

Kinh Tương Ưng – Tập V – Thiên Ðại Phẩm – Chương IV – Tương Ưng Căn (a)

Bài viết liên quan

Mục lục KINH TƯƠNG ƯNG BỘ 136 bài – tiếng Việt:

Thiên có kệ
Thiên Nhân Duyên
Thiên Uẩn
Thiên Sáu Xứ
Thiên Đại Phẩm

Link xem nhanh các bộ kinh chính yếu trong Tam Tạng Thánh Ðiển:

(Xem chi tiết sơ đồ)

A. TẠNG LUẬT (VINAYAPIṬAKA)

  1. Phân tích giới
  2. Đại phẩm
  3. Tiểu phẩm
  4. Tập yếu

B. TẠNG KINH (SUTTANTAPIṬAKA)

  1. Trường bộ
  2. Trung bộ
  3. Tương ưng bộ
  4. Tăng chi bộ
  5. Tiểu bộ

C. TẠNG VÔ TỶ PHÁP (ABHIDHAMMAPIṬAKA)

  1. Pháp tụ
  2. Phân tích
  3. Chất ngữ
  4. Nhân chế định
  5. Biện giải
  6. Song đối
  7. Vị trí
Print
Email
Facebook
Twitter
LinkedIn
Skype
Telegram
Pocket
WhatsApp

Bạn đang xem bài viết: Kinh Tương Ưng – Tập V – Thiên Ðại Phẩm – Chương IV – Tương Ưng Căn (a)