Dòng tộc và quê hương Đức Phật
LTS: Tìm về quê hương Đức Phật là khát vọng lớn của nhiều nhà nghiên cứu và học giả, xưa cũng như nay. Qua khảo sát bằng thực địa cũng như dựa vào những chứng tích, truyền khẩu của dòng họ Shakya hiện nay đang sống ở Nepal, anh Nguyễn Phú đã cung cấp một hướng đi mới trong việc tìm hiểu về quê hương cũng như dòng họ của Đức Phật. Việc lội ngược dòng lịch sử gần ba ngàn năm để tìm lại giá trị văn hóa cổ xưa mà hiện nay đã mang tính toàn nhân loại là một việc làm ý nghĩa và rất đáng trân trọng. Nguyệt san Giác Ngộ xin giới thiệu bài viết được gởi về từ thủ phủ Kathmandu, kinh đô của Nepal.
Nguồn gốc Kapilavastu và vương tộc SHAKYA
Nguồn gốc nguyên thủy của vương tộc Shakya bắt nguồn từ Kosala, một vương tộc thuộc dòng Aryan cai trị vùng đất ở chân dãy Terai. Câu chuyện bắt đầu từ vua Okkaka. Vua Okkaka thuộc dòng dõi mặt trời, tông tộc Ikshanku. Sau khi người vợ đầu tiên chết, nhà vua cưới một người vợ khác. Hoàng hậu trước đó đã sinh cho nhà vua chín người con (4 trai, 5 gái). Khi hoàng hậu thứ hai sinh hạ một hoàng nam, vì muốn giành lấy vương quốc cho Jayantu con của mình đã gây áp lực với nhà vua để ông phải đưa các con của người vợ trước đi xa. Vua Okkaka vì quá si mê hoàng hậu nên đành phải chấp nhận yêu cầu của bà ấy. Các vương tử: Ulkamukha, Karandu, Hastinika, Sinisura, và các công chúa: Priya, Supriya, Ananda, Vijita, Vijitasena được lệnh nhà vua phải rời khỏi vương quốc Kosala vào sống nơi rừng sâu.
Những vương tử và công chúa cành vàng lá ngọc rời khỏi kinh đô Saketa tiến về phía dãy Himalaya. Trải qua bao vất vả, cực nhọc họ đến một vùng đất là nơi ẩn tu của vị ẩn sĩ Kapilamuni. Được ẩn sĩ cưu mang và cho phép, họ đã kiến lập nên một vương quốc và đặt tên là Kapilavastu (hoặc Kapilanagara) để vinh danh ẩn sĩ Kapilamuni.
Thời gian cứ trôi, những hoàng tử và công chúa của xứ Kosala đi đày đã đến tuổi lập gia đình. Bởi tập tục kết hôn với người cùng dòng máu là bình thường thời bấy giờ, tám anh em kết hôn với nhau và tạo ra tông tộc Shakya (tập tục này ngày nay một số gia đình họ Shakya vẫn còn giữ, tức là chỉ kết hôn với người mang họ Shakya). Vị công chúa lớn tuổi nhất là Priya được bổ nhiệm làm mẫu hậu, còn hoàng tử Ulkamukha được bổ nhiệm là quốc vương đầu tiên của vương quốc non trẻ Kapilavastu.
Một ngày nọ, Okkaka -nhà vua xứ Kosala, nghe kể về cuộc phiêu lưu của những đứa con của mình. Ông quá kích động và kêu lên rằng: “Sakya-Vata-bho-Kumara”(nghĩa là: những đứa trẻ phiêu lưu đã có kết thúc tốt đẹp). Từ câu nói này, về sau, người ta thường dùng tên Sakya (Shakya) để chỉ vương quốc hoặc dòng tộc này, còn Kapilavastu là kinh đô của vương quốc đó.
Theo nghiên cứu của Giáo sư Oldenberg, Kapilavastu – vương quốc của những người Shakya, là một tiểu quốc cộng hòa thuộc phạm vi cai quản của một nhà vua lớn hơn ở Ấn Độ, cụ thể là Kosala. Như ta đã thấy từ quá trình hình thành của nó, Kapilavastu đã bầu chọn người cai trị một từ trong các thành viên hoàng gia và sự thần phục Kosala là tất nhiên vì đó là vương quốc tổ tiên của họ.
Ngành kinh tế chính của Kapilavastu là nông nghiệp. Những làng mạc quần tụ quanh những cánh đồng lúa và gia súc thì chăn nuôi ở khu vực cạnh rừng. Nơi đây cũng có những người thợ thủ công: thợ mộc, thợ rèn, thợ gốm,…, tầng cấp Brahmin (Bà la môn). Có một vài cửa hàng nhưng không nghe nói có thương gia và nhà băng. Những đường phố hẹp chật ních voi, ngựa, xe và người. Việc hành chính và tư pháp của vương quốc được giải quyết công khai tại Hội trường công cộng (Mote Hall – Sansthagara). Nhà cửa của kinh thành quay mặt ra đường được trang trí bằng các ban công và các tháp lầu. Hoàng cung được xây dựng kiên cố với các cổng lớn giữa các bức tường và tháp canh cao vút. Toàn bộ kinh thành được bao quanh bởi một cái hào, có chỗ có đến hai hào, một hào bùn, một hào nước. Những cung điện rộng lớn và cầu kỳ bằng gỗ và gạch là nơi diễn ra những sinh hoạt xa hoa của cung đình…
Đó là những mô tả của Giáo sư Rhys Davis về nước cộng hòa Kapilavastu của vương tộc Shakya qua những cứ liệu khảo cổ thu thập được về địa danh này.
Vương tộc Koliya – Bên ngoại thái tử Siddhartha
Nguồn gốc của vương tộc Koliya bắt đầu gần như cùng thời điểm và con người với vương tộc Shakya.
Chúng ta đã biết Priya là mẫu hậu đầu tiên của Kapilavastu. Tuy nhiên, một thời gian sau cô bị nhiễm bệnh hủi. Cô rời bỏ vương quốc và đi đến sống trong một cái hang cọp (vyagghapatha) trong khu rừng dưới chân núi phía Đông Bắc Kapilavastu. Ngẫu nhiên, Rama – vua của vương quốc Banaras (Ba La Nại) cũng bị nhiễm bởi cùng một chứng bệnh ấy và đến sống tại khu rừng gần cái hang mà Priya ở. Một hôm Rama đến ngồi dưới gốc cây Kolan cổ thụ trong khu rừng và kỳ diệu thay chứng bệnh của chàng đã biến mất. Khi gặp Priya trước cái hang cô ở, Rama chỉ cho cô cái cây huyền diệu và cô cũng được khỏi bệnh sau khi ngồi xuống dưới gốc cây ấy. Sau khi khỏi bệnh, hai người kết hôn với nhau, sinh hạ 32 người con và tạo lập nên thành phố Devadaha ở phía Đông biên giới Kapilavastu. Từ đấy đã hình thành nên họ tộc Koliya. Vương quốc này được biết đến với nhiều tên gọi như: Devadaha, Vyaghrapura, Kolinagara, Ramagrama. Mỗi cái tên gắn liền với một sự tích tạo lập nên vương quốc. Devadaha (Thành phố thần thánh) là để tôn vinh các vị thần nơi họ tạo lập nên vương quốc mới. Vyaghrapura là tên cái hang cọp mà hoàng hậu Priya đã ở. Kolinagara là để vinh danh cây thần Kolan đã chữa khỏi bệnh cho nhà vua và hoàng hậu. Còn Ramagrama chính là để vinh danh nhà vua Rama – người đã tạo lập nên vương quốc.
Do có cùng nguồn gốc nên vương tộc Shakya ở Kapilavastu và vương tộc Koliya ở Devadaha đã có những mối quan hệ hôn nhân mật thiết. Nhiều đời giữa hai vương tộc đã thành thông gia. Đến thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, phụ vương Ngài đã cưới cả hai chị em công chúa Mayadevi và Prajapati, còn chính Ngài cũng đã kết hôn với công chúa Yasodhara tuyệt đẹp của vương tộc Koliya. Việc cai trị ở Devadaha cũng theo mô hình của Kapilavastu, nhưng Koliya có đến hai trung tâm quyền lực – một ở Devadaha, một ở Ramagama.
Chúng ta đều biết rằng sau khi Đức Phập nhập Niết bàn tại Kusinaga, xá lợi của Ngài được chia làm tám phần cho tám vị quốc vương. Vương quốc Ramagrama cũng được một phần trong số ấy và đem về lập tháp thờ tại Devadaha.
Huyền thoại kể rằng khi Đại đế Ashoka xây dựng 84.000 bảo tháp thờ Phật, ông đã cho khai quật các ngôi tháp của các vương quốc được phân chia xá lợi Phật đầu tiên để lấy xá lợi chia lại cho 84.000 bảo tháp mới. Ông đã khai mở hết bảy tháp. Tháp cuối cùng là tháp thờ xá lợi Phật của vương quốc Ramagrama. Khi ông đến tháp ấy có một con rắn khổng lồ nằm cuộn tròn quanh bảo tháp. Đó là Thần Rắn Naga. Sau đó thần rắn biến thành hình người và mời Đại đế Ashoka xuống thăm cung điện của Naga dưới đáy hồ bên cạnh bảo tháp. Sau khi tiếp đãi hoàng đế theo nghi lễ, Naga trình bày cho hoàng đế thấy những vật dụng thần thánh mà Naga dùng hàng ngày để cúng dường xá lợi Phật cầu mong tiêu trừ nghiệp chướng. Rắn thần chấp nhận cho hoàng đế khai mở bảo tháp để lấy xá lợi với điều kiện phải cúng dường hàng ngày tốt hơn Naga đã làm. Ashoka nghĩ rằng không thể làm hơn những gì Naga đã làm nên vui vẻ bỏ qua ý định khai mở bảo tháp lấy xá lợi.
Bộ Đại sử của Sri Lanka (Mahavamsa) lại kể rằng ngôi tháp Ramagrama nằm bên bờ một con sông và đã bị nước xoáy phá hủy. Chiếc bình đựng xá lợi Phật bị cuốn trôi ra biển. Nó được thần Rắn Naga tìm thấy và thờ phụng trong một ngôi bảo tháp. Vào thời vua Dutthagamini (161-137 trước Tây lịch), chiếc bình đựng xá lợi Ramagrama đã được vị Thánh Tăng Sonuttara dùng thần thông thu được và đưa về thờ phụng ở Mahathupo tại Sri Lanka(?).
“Nước Lam Ma bây giờ đã hoang phế không còn dấu vết gì, thành ấp đã đổ nát xiêu vẹo, người dân thưa thớt. Thành xưa ở phía Đông Nam có một bảo tháp lợp ngói cao gần 100m. Ngày xưa, sau khi Đức Như Lai nhập diệt, vua của nước này đến phân chia xá lợi mang về nước của mình rồi ra sức tôn tạo kiến thiết nên. Đây là nơi rất linh thiêng, có ánh sáng phát ra từ tháp. Bên cạnh bảo tháp có một ao nước trong có một con rồng cư trú nơi đó. Mỗi lần con rồng ra đi nó biến thành con rắn. Phía bên phải cũng có một bảo tháp” (Đại Đường Tây Vực ký – Huyền Trang).
Đó là mô tả của ngài Huyền Trang khi ngài đến chiêm bái vương quốc Ramagrama vào thế kỷ thứ VII sau Tây lịch. Cả hai ngài Pháp Hiển (thế kỷ thứ V) và Huyền Trang đều thấy được ngôi tháp Ramagrama còn tồn tại.
Năm 1898, Tiến sĩ Hoey căn cứ theo kinh sách đã tìm lại được kinh thành Devadaha. Nó nằm ở chân núi Terai, phía Tây Nepal. Năm 1964, Tiến sĩ S.B Deo xác định được vị trí tháp Ramagrama bên bờ sông Jharai. Nơi đó có một gò đất cao chừng 9m và đường kính chân gò là 21m, với chân móng bằng gạch nung. Các học giả và nhà khảo cổ đã đo đạc và so sánh những khoảng cách đã được nêu trong các tài liệu của các ngài Pháp Hiển và Huyền Trang và công nhận tính chính xác của các nghiên cứu của Tiến sĩ S.B Deo.
Ngày nay, khách hành hương muốn viếng thăm Ramagrama và quê ngoại của Đức Phật thật dễ dàng. Nếu xuất phát từ Lumbini, chúng ta sẽ đi đến Bhairahawa 25km, từ đây chúng ta đi tiếp 25km nữa đến thành phố Butwan. Đây là một thành phố lớn ở miền Tây Nepal, nằm vắt ngang quốc lộ Mahendra. Tại Butwan chúng ta theo đại lộ Mahendra về hướng Đông (hướng về thủ đô Kathmandu) chừng 10km, bên tay phải có một con đường rải đá dăm dẫn đến Devadaha kinh đô của Koliya và dòng sông Rohini nổi tiếng. Nếu theo quốc lộ đi quá lên chừng 10km nữa, chúng ta gặp một đường nhựa nhỏ dẫn đến thị trấn Parasi, tháp Ramagrama ở gần ngay đó. Tuy có nhiều huyền thoại quanh nó nhưng người ta vẫn tin rằng 1/8 xá lợi của Đức Phật vẫn còn trong ngôi tháp ấy và vẫn đến cúng dường thật thành kính.
Tại cổng chào của Devdaha (Devadaha), chính quyền địa phương đã cho xây dựng một công viên nhỏ. Trong công viên có tôn tượng của Đức Phật Thích Ca cao chừng 2m, và lùi sau lưng Ngài một chút là tôn tượng của ngài Sariputa (Xá Lợi Phất). Devdaha có một tinh xá thờ ngài Mayadevi và Prajapati. Tuy nhiên dân chúng địa phương theo Hindu giáo đã đồng hóa các vị với nữ thần Barimalika Devi, người được thờ phụng khắp từ Kashmir đến sông Hằng. Họ gọi hai vị là Bairimai và Kanyamai. Trong tinh xá có hai tượng đá của hai vị. Tượng này đã bị hư hỏng khá nhiều. Đến đây tôi mới khẳng định được rằng tinh xá trong cổ thành Kapilavastu chính là tinh xá thờ Đức bà Mayadevi mà ngài Huyền Trang đã kể. Nằm cách 1km về phía Nam tinh xá thờ Đức Mayadevi và Pajaprati là kinh đô cổ Devadaha. Nơi đây còn một trụ đá đánh dấu do Đại đế Ashoka đặt vào năm 249 trước Tây lịch, tương tự như trụ đá ở Lumbini. Cũng giống như trụ đá ở Lumbini và Kapilavastu, trụ đá Devadaha cũng đã gãy đổ. Phần gốc nhô lên chừng tám tấc, phần trang trí đầu trụ đã mất, phần thân vỡ nhiều mảnh.Trụ đá này là một trong những chứng cứ quan trọng để các nhà khảo cổ xác định vị trí kinh đô Devadaha cổ đại. Những dòng chữ do Đại đế cho khắc trên trụ đá nói rằng đây là nơi sinh của Mẹ của Đức Phật. Tôi được cho xem bản dịch tiếng Anh của những dòng chữ ấy, sơ lược như sau: Đức vua Piyadasi (Ashoka), người được chư thần yêu quý, vào năm thứ 20 trong triều đại của ngài đã đến thăm viếng Devadaha và bày tỏ lòng kính trọng. Bởi vì đây là nơi sinh của mẹ Đức Phật nên Hoàng đế giảm thuế cho làng Devadaha xuống chỉ còn 1/8.
Từ cổng chào của Devdaha về hướng Nam chừng vài km, giữa cánh đồng có một cây đại thụ hùng vĩ. Từ xa đã thấy sắc xanh đặc biệt của lá cây. Cây cao chừng 30m, tỏa bóng mát che rợp chu vi đường kính 40m. Cành xõa ra từ sát mặt đất. Không ai dám chặt một cành nào của cây ấy vì đây chính là cây thần Kolan và tôn kính gọi đó là “Kotiyamai”. Từ xa xưa, kên kên, đại bàng và voi cũng không dám đến gần cây thần này. Vua Rama và hoàng hậu Priya đã được chữa khỏi bệnh dưới một cây Kolan và tên cây đã thành tên vương quốc của họ. Không ai dám chắc rằng cây Kolan ngày nay có phải là cây Kolan trong huyền thoại hay không nhưng tận đáy lòng tôi tin trong những chiếc lá xanh kia có chứa tứ đại của cây thần Kolan huyền thoại.
Rời cây thần Kolan, chúng tôi đến chiêm bái tháp Ramagrama. Chúng tôi thắp hương rồi nhiễu quanh tháp chín vòng và niệm danh hiệu Đức Thế Tôn. Tuy chỉ là một gò đất nhưng nơi này là một trong những nơi thiêng liêng nhất của Nepal vì chứa đựng 1/8 xá lợi Phật. Chính các nhà khảo cổ hiện nay cũng không dám khai mở tháp Ramagrama. Hồ Naga cạnh tháp đã cạn khô có lẽ Thần rắn Naga đã tái sinh kiếp khác hay do công đức cúng dường xá lợi nên đã về cõi vô ưu.
Câu chuyện về dòng họ Shakya của Đức Phật chưa dừng ở thời điểm Vidudhaba hủy diệt kinh thành Kapilavastu và tàn sát tất cả người mang họ Shakya. Một số vương tử đã trốn thoát; một số chạy về Piprava dựng nên kinh đô Kapilavastu mới. Một số đi đến các vương quốc vùng Himalaya và làm vua ở đó. Trong số này, có một nhóm đã dựng nên một thành phố mới gọi là Moriyanagara, nơi họ đã nghe tiếng gáy vang của những con công. Đó là bắt đầu cho một dòng họ mới khai sáng ra triều đại Moriya huy hoàng mà người thứ ba của triều đại trở thành vị Chuyển luân vương vĩ đại nhất trong lịch sử Ấn Độ: Đại đế Ashoka.
Được biết xa lộ cao tốc Xuyên Á (điểm cuối là TP.HCM – Việt Nam) có một đoạn đi ngang qua Nepal. Đoạn ấy nối vào Quốc lộ Mahendra và ngang qua Butwan. Hy vọng rồi đây khi xa lộ hoàn thành, người Việt Nam có thể đi bằng đường bộ vượt 3.000km đến thăm quê hương Đức Phật để cúng dường những di tích thiêng liêng và xá lợi của Đức Từ Phụ.
(Bài viết có tham khảo tư liệu của Giáo sư Babu Krishna Rijal – Cục Khảo cổ Vương quốc Nepal, sách của các học giả Hermann Oldenberg, H.W. Schumann, Từ điển Pali Proper Name, Hồi ký của các ngài Pháp Hiển – Huyền Trang và gia phả của họ Shakya tại Kathmandu).
NGUYỄN PHÚ
Nguồn: https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=52C450