Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận Ngày Vesak từ khi nào?

Nhân dịp Vesak 2014 sắp được tổ chức tại Việt Nam, phatgiao.org.vn trích đăng lại sự kiện và các phát biểu lịch sử của các thành viên Liên Hiệp Quốc để chính thức công nhận ngày Vesak là một ngày lễ chính thức của tổ chức quốc tế này.

Trong phiên họp khoáng đại ngày 15 tháng 12 năm 1999, Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua dự thảo nghị quyết “Công nhận quốc tế về ngày Lễ Vesak tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và các văn phòng liên hệ” (văn bản số A/54/L.59) do đại diện nước Sri Lanka đệ trình. Hội đồng quyết định hằng năm sẽ có các công tác bố trí thích hợp để tổ chức ngày lễ Vesak với sự cố vấn của các đại diện quốc gia trong Hội đồng. Ngày Vesak – ngày trăng tròn trong tháng 5 Dương lịch mỗi năm – là ngày thiêng liêng nhất của mọi phật tử để kỷ niệm ngày sinh, ngày thành đạo và ngày nhập diệt của đức Phật.
Sau đây là tóm tắt các lời phát biểu trong kỳ họp này:
Ông JOHN DE SARAM, đại sứ Sri Lanka, giới thiệu dự thảo nghị quyết công nhận Ngày Vesak (văn bản số A/54/L.59), nói rằng Hội đồng LHQ đã công nhận nhiều sự quan tâm khác nhau trong một thế giới phức tạp, và đã chấp nhận rằng mọi người trên thế giới mong mỏi Hội đồng ghi nhận sự quan tâm, lòng hy vọng và sự tín ngưỡng của họ. Trong tinh thần ấy, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Quốc tế trông chờ LHQ có một sự công nhận quốc tế về Ngày Vesak – ngày trăng tròn trong tháng 5 Dương lịch, là ngày hơn 150 triệu tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới làm lể kỷ niệm ngày sinh, ngày thành đạo và ngày nhập diệt của đức Phật.
Ông kêu gọi Hội đồng LHQ công nhận ngày Vesak là ngày thiêng liêng nhất của Phật giáo, và cho phép bố trí thích hợp để hành lễ tại trụ sở LHQ và các văn phòng của tổ chức này.
Ông cũng ghi nhận rằng đại diện nước Hy Lạp, Mauritius, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng hỗ trợ bản dự thảo này.
Ông VORAVEE WIRASAMBAN, đại sứ Thái Lan, nói rằng thông điệp phổ quát về hòa bình, thiện ý và từ bi mà đức Phật đã truyền giảng hơn 2500 năm trước càng thêm nhiều ý nghĩa cho thời đại ngày nay. Phật giáo luôn luôn đề cao các giải pháp hòa hợp cho các cuộc xung đột, dù giữa các cá nhân hay giữa các cộng đồng. Phật giáo là đồng nghĩa với hòa bình. Thêm vào đó, sự bao dung là một trong các điểm chính yếu của Phật giáo. Tại Thái Lan, bao dung, nhất là bao dung tôn giáo, đã được ghi nhận trong hiến pháp, và là một lối sống của người dân Thái.
Phật giáo đề cao đường lối trung dung, ông nói. Sống dung hòa là căn bản của mọi hành động của mọi phật tử, mà giúp ngăn chận các hành động cực đoan thường thấy xảy ra trên thế giới. Sự công nhận của quốc tế về Ngày Vesak là một hành động cần thiết để công nhận và tôn trọng Phật giáo và hàng triệu phật tử trên thế giới và tái khẳng định sự quyết tâm của LHQ tuân thủ nguyên tắc tôn trọng mọi dị biệt.
Bà CHRISTINE LEE, đại sứ Singapore, nói rằng công nhận Ngày Vesak là một việc làm thích hợp để tôn trọng đức Phật. Đây là một trong bốn dịp lễ chính tại Singapore, nơi có một phần ba dân số là Phật tử.
Bà ca ngợi bản dự thảo vì nó phù hợp với nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ về Năm 2000 là Năm Quốc tế Văn hóa Hòa Bình và thập kỷ 2001-2010 là Thập kỷ Quốc tế về Văn hóa Hòa bình cho Thiếu nhi Toàn cầu. Đặc điểm của lời dạy của đức Phật là về sự hòa bình và bất bạo động. Dự thảo này cũng giúp mở đường cho năm 2001 là Năm Đối Thoại Giữa Các Nền Văn Minh.
Ông SHAIKH RAZZAQUE ALI, đại sứ Bangladesh, phát biểu rằng tại châu Á và các nơi khác trên thế giới, rất nhiều người đã cử hành Ngày Vesak như là ngày thiêng liêng nhất của Phật giáo. Bangladesh có một lịch sử gắn bó với văn minh Phật giáo, có thành phần dân chúng theo đạo Phật rất đáng kể, và hành lễ Vesak cũng như các lễ khác. Sự công nhận quốc tế về ngày này là một cơ hội để áp dụng các lời dạy quý báu của Đức Phật, để mang đến sự thông cảm, hạnh phúc và an vui cho thế giới.
Ông OM PRADHAN, đại sứ Bhutan, nói rằng sự công nhận quốc tế về sự đóng góp của Phật giáo đã và đang cung hiến cho thế giới sẽ giúp tăng trưởng sự hiểu biết và thông cảm về tính dị biệt trong các xã hội ngày nay.
Những lời dạy của Phật giáo có tính phổ quát, ông nói. Đó là lời dạy về sự chừng mực, bất bạo động, hiện hữu hòa bình và bao dung. Đó là lời dạy về bảo tồn các nguồn lực và môi trường thiên nhiên, tôn trọng sự sống của mọi loài. Có rất nhiều nguyên tắc của Phật giáo tương đồng với các tôn giáo lớn khác, và cũng tương hợp với các nguyên tắc căn bản của LHQ.
Ông JUAN LUIS FLORES, đại sứ Tây Ban Nha, phát biểu rằng nước ông là một thành viên hỗ trợ dự thảo nghị quyết, và tin rằng LHQ là một nghị trường để các tôn giáo và các nền văn hóa lớn gặp gỡ và trao đổi ý kiến. Công nhận Ngày Vesak là để ghi nhận các đóng góp của những tôn giáo và văn hóa khác nhau cho sự bao dung và thông cảm lẫn nhau của mọi người trên thế giới.
Ông U WIN MRA, đại sứ Miến Điện, nói rằng LHQ kêu gọi mọi quốc gia thực hành bao dung và chung sống hòa bình. Điều đó cũng nằm trong lời dạy của Đức Phật, đã được hằng triệu người tuân theo. Đạo Phật, cũng như các tôn giáo lớn khác, đã có nhiều đóng góp đáng kể để duy trì hòa bình, và đây là một điều thích hợp để LHQ tạo ra một cơ hội tốt giúp mọi Phật tử giới thiệu ngày thiêng liêng của họ đến cộng đồng quốc tế. Ngày Vesak là ngày lễ thiêng liêng của Miến Điện, nơi có 90 phần trăm dân số theo đạo Phật. Để kỷ niệm ngày này, dân chúng thường cử hành lễ tưới cây Bồ đề, là nơi Đức Phật thành đạo.
Ông NARENDRA BIKRAM SHAH, đại sứ Nepal, phát biểu rằng tinh hoa của đạo Phật là cho con người, hòa bình, từ bi, thông cảm, bất bạo động, sự bình đẳng giữa mọi người, và kính trọng các tín ngưỡng tôn giáo khác.
Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật đản sinh, ngày nay là một Di sản Quốc tế. LHQ đã từng hỗ trợ để bảo tồn và phát triển nơi đó. Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Quốc tế đã được tổ chức tại Lâm Tỳ Ni vào năm trước, và đã công bố đây là nơi cội nguồn của hòa bình. Ngày Vaishakh Purnima (theo tiếng Nepal) hay là Ngày Vesak – còn được gọi là Ngày Lâm Tỳ Ni – đã được công nhận tại Nepal như là một ngày lễ quốc gia, một ngày chính thức của tinh thần bất bạo động.
Ông INAM-UL-HAQUE, đại sứ Pakistan, nói rằng miền tây bắc của đất nước ông là quê hương của nền văn minh Phật giáo Gandhara, phát triển vào thế kỷ thứ I trước Tây lịch.

Đây là thời kỳ của nghệ thuật Gandhara, là một kết nối của nghệ thuật Hy Lạp – La Mã với truyền thống Phật giáo. Sự đóng góp của Phật giáo vào văn hóa, nghệ thuật và văn minh của dân chúng Nam Á và các nơi khác rất quan trọng. Thông điệp về hòa bình, từ bi và chân lý của đức Phật đã được chia sẻ trong các tôn giáo và tín ngưỡng khác. Công nhận của LHQ về Ngày Vesak là một ghi nhận thích đáng về sự đóng góp của Phật giáo cho sự phát triển tâm linh của nhân loại.
Ông KAMALESH SHARMA, đại sứ Ấn Độ, nói rằng tác động lớn lao của Phật giáo vào các giá trị của thế giới về tâm linh, luân lý và đạo đức rất xứng đáng để Hội đồng LHQ công nhận và tôn vinh ngày Vesak. Cốt lõi của các lời dạy của Đức Phật đã tác động lên đời sống của hàng triệu người trên thế giới, với hy vọng và giải thoát. Quốc gia của ông sẽ tham gia tích cực vào ngày lễ này tại LHQ.
Sau đó, đại sứ các nước Lesotho, Nicaragua và Hoa Kỳ cùng quyết định tham gia hỗ trợ dự thảo nghị quyết này. Nghị quyết được Hội đồng LHQ chấp thuận thông qua, ngày 15 tháng 12, năm 1999.
Bình Anson trích dịch