Vài Nét Về Sự Chấp Nhận Phật Giáo Ở Tây Phương

Sự thức tỉnh trí thức ở Tây Phương đã làm cho Tây Phương nhận rõ được chân giá trị của Phật Giáo.Không được tiếp xúc với Phật Giáo và Phật Giáo thường bị xuyên tạc bởi Ki Tô Giáo, và nhất là sống trong định chế toàn trị như Công Giáo trong nhiều thế kỷ, nên người dân Tây Phương thường biết rất ít về thực chất của Phật Giáo.Tuy Phật Giáo đã được Tây phương biết đến từ hậu bán thế kỷ 19 với Paul Carus và người ông bảo trợ, Daisetz T. Suzuki, rồi sau đó với những bậc trí thức nổi danh trong xã hội Tây phương về những công cuộc nghiên cứu Phật Giáo như Edwin Arnold, Rhys Davids, Edward Conze, Christmas Humphreys, Theodore Stcherbatsky, Sangharakshita v..v.. nhưng Phật Giáo hầu như chỉ được biết tới trong giới trí thức có thể nói là rất giới hạn.Phải đến hậu bán thế kỷ 20, khi đức Đạt Lai Lạt Ma rời Tây Tạng sang định cư ở Ấn -độ, cộng với cuộc vận động cho hòa bình, chấm dứt chiến tranh của Thiền sư Nhất Hạnh, và cuộc tranh đấu của Phật Giáo ở Nam Việt Nam vào năm 1963, đại chúng trong thế giới Tây phương mới biết nhiều đến Phật Giáo, và từ đó Phật Giáo mới bắt đầu phát triển mạnh ở Tây phương.
Trong sự phát triển nhanh chóng của Phật Giáo này, Phật Giáo Việt Nam đã góp phần không nhỏ.Trước đây Tây phương, đặc biệt là giới trí thức, chỉ biết tới Phật Giáo qua những khảo luận trí thức của một số học giả.Trong cuộc chiến ở Việt Nam, cuộc vận động cho hòa bình của Thiền Sư Nhất Hạnh, cuộc tranh đấu của Phật Giáo đưa tới cao điểm là cuộc tự thiêu của Bồ Tát Thích Quảng Đức và một số Tăng Ni, Phật tử khác đã làm vang động thế giới.Hình ảnh ngọn lửa từ bi bốc lên từ nhục thân Bồ Tát Thích Quảng Đức ngồi trong tư thế kiết già, lưng ngay, cổ thẳng, vững như trái núi, đã được truyền đi khắp thế giới làm chấn động nhân tâm thế giới và làm cho thế giới xúc động.
Người Tây phương, quen thuộc với phương pháp bành trướng hay bảo vệ Ki-Tô Giáo bằng gươm đao, súng đạn mà họ cho rằng để vinh danh Chúa, cho nên lúc đầu không hiểu nổi hành động tự thiêu của các Phật tử.Nhưng sau khi hiểu rõ Phật Giáo hơn, họ hiểu rằng hành động tự thiêu là một hành động đại hùng đại lực, từ bi tích cực, để chuyển hóa, thức tỉnh lương tâm con người đang chìm đắm trong màn vô minh dày đặc, chứ không phải là vì hận thù hoặc vì danh lợi trong những mục đích chính trị.Từ những nhận thức này, người Tây phương đã bị hấp dẫn bởi những sắc thái vị tha, cao cả, xả thân, và nhân bản của Phật Giáo.Và, với đầu óc tiến bộ của xã hội Tây phương, thiên về suy lý và tin vào khoa học, người Tây phương một khi đã đi vào Phật Giáo đều nhận thấy cái tinh thần khai phóng, chân thực, từ bi, hòa bình, và hữu hiệu của giáo lý và các phương pháp hành trì của Phật Giáo.
Năm 1969, John H. Garabedian & Orde Coombs xuất bản cuốn Những Tôn Giáo Đông Phương Trong Thời Đại Điện Tử (Eastern Religions In The Electric Age), hình bìa ngoài là hàng chữ lớn viết lên tường: Chúa Ki-Tô Đã Chết – Phật Đang Sống (Christ Is Dead – Buddha Lives), nội dung nói về cuộc nổi dậy đạo đức ở Mỹ (moral revolt in America), phân tích tại sao hàng triệu giới trẻ đang vứt bỏ những truyền thống của họ và tìm kiếm những giải đáp mới trong những tư tưởng và tôn giáo Đông phương (Why millions of young people are rejecting their own traditions and seeking new answers in the ideas and religions of the East).Hiển nhiên Phật Giáo đã cung ứng cho họ một món ăn tinh thần mà họ khao khát.Hãy nhìn vào số trí thức Tây phương trong các tôn giáo độc thần đã đi theo Đức Đạt Lai Lạt Ma học Đạo, hay theo Thầy Nhất Hạnh học Thiền và số Kinh điển, sách Phật Giáo v..v.. đã được xuất bản ở Âu Mỹ thì chúng ta có thể thấy ảnh hưởng của Phật Giáo trên thế giới Tây phương ngày nay như thế nào.
Năm 1994, Stephen Batchelor xuất bản cuốn Sự Thức Tỉnh Của Tây Phương (The Awakening of the West), nội dung viết về lịch sử tiếp xúc của Phật Giáo với Tây phương.Cuốn sách được giới thiệu như sau:
“Cuốn “Sự Thức Tỉnh Của Tây Phương” là một cuốn viết rất hay về lịch sử tiếp xúc của Phật Giáo với Tây phương trong 2000 năm qua – một cuốn sử biên về những cơ hội bỏ lỡ, sự kiêu căng văn hóa, thảm kịch chính trị, và những giấc mộng không thành.Từ thời đại đế Alexandre, các vua chúa và giáo hoàng Tây phương đã mong mỏi kiếm được quyền lực bằng cách chinh phục Á Châu.Qua nhiều thời kỳ họ đã phái từng đợt sứ giả và các nhà truyền giáo tới Á Châu để tiếp xúc với những người “ngoại đạo”, nhưng tâm thức hẹp hòi của người Tây phương đã làm cho những người này chẳng biết được bao nhiêu về Phật Giáo.
Ngày nay Phật Giáo được coi như là một tôn giáo phát triển nhanh nhất và là một trong những phong trào tinh thần có ảnh hưởng nhiều nhất ở Tây phương. 
Sau đây là một trường hợp điển hình về sự thức tỉnh của con người Tây phương ra khỏi những mê lầm của tôn giáo truyền thống của mình: sự xuất bản cuốn Tinh Túy Của Phật Giáo (The Essence of Buddhism), tác giả là John Walters.
Cuốn sách nhỏ này, vào khoảng 150 trang, rất đặc biệt, vì đó là tác phẩm của một người trưởng thành trong truyền thống Ki Tô, được dạy Phật Giáo là một tôn giáo yếm thế, vô vọng, một dạng sơ khai của chủ thuyết hiện sinh v..v.., và tin rằng Ki Tô Giáo là tôn giáo duy nhất có ích cho nhân loại.Nhưng sau một chuyến du hành Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, ông ta đã thấy tận mắt thực chất của Phật Giáo, hoàn toàn không như những điều ông đã được nhồi vào đầu từ khi còn nhỏ.Ông bèn suy nghĩ lại, tìm hiểu lịch sử và so sánh Ki Tô Giáo với Phật Giáo.Ông nghĩ tới “những sai lầm và tội ác của những Giáo hội Ki Tô và những giới chức lãnh đạo trong quá khứ” (the blunders and crimes of the churches and their leaders in past ages), những lễ tiết (rituals) trong Ki Tô Giáo mà ông cho là có tính cách “mê tín tàn bạo” (sadistic superstition) và so sánh với“một trong những sự vinh quang nhất của Phật Giáo là tinh thần khoan nhượng” (one of the greatest glories of Buddhism is its tolerance).
Chân giá trị của Phật Giáo đã làm cho John Walters thức tỉnh, thức tỉnh khỏi những điều sai sự thực, mê muội mà tôn giáo truyền thống của ông đã đầu độc đầu óc ông từ khi ông còn nhỏ.Và đây là sự thức tỉnh về tư duy, một khả năng quý báu nhất của con người.

https://sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN14.php