Theo Nguyễn Đình Diễn, Từ điển Công giáo Anh-Việt, nhà xuất bản Đồng Nai 2014, thì thông điệp, thư luân lưu là “thư của Đức Giáo hoàng gửi các chủ chăn khắp hoàn cầu hoặc một giáo hội địa phương nhằm bày tỏ một vấn đề nào đó, nhất là vấn đề ấy đang gây tranh cãi […]”.
Bản được dùng cho bài viết này là bản đăng trên nguyệt san Công giáo và Dân tộc số 248 (tháng 8/2015), bản dịch của linh mục Aug Nguyễn Văn Trinh.
Thông điệp này rất quan trọng, vì là lần đầu tiên giáo hoàng phát biểu tập trung về vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Thông điệp “Laudato Si’” rất dài (bản in trên nguyệt san Công giáo và Dân tộc trải dài từ trang 3 đến trang 96 của nguyệt san). Nhìn từ quan điểm Phật giáo, chúng tôi thấy thông điệp có nhiều nội dung, trong đó có một vài quan điểm tương đồng với Phật giáo. Do đó, ở đây xin chia sẻ để bạn đọc tham khảo và cùng nhận ra rằng cuối cùng rồi người theo đạo Ca tô La Mã cũng đã bắt đầu nhìn nhận những điều vốn là nguyên lý căn bản của đạo Phật (dĩ nhiên là họ không bao giờ nêu rõ xuất xứ).
3. Ghi nhận về điểm mới căn bản của thông điệp “Laudato si’”
Thông điệp “Laudato Si’” ghi nhận hiện trạng biến đổi khí hậu thế giới.
Vấn đề có vẻ như ai cũng biết, ai cũng thống nhất này thực ra vốn là điều đạo Ca tô La Mã không chịu thừa nhận. Họ coi quan điểm về biến đổi khí hậu thế giới giống như trước đây xem việc nói trái đất xoay quanh mặt trời là chuyện bậy bạ vậy. Khí hậu trái đất được người theo đạo Ca tô La Mã xem là do chúa tạo ra và nó y nguyên như thế.
Trong nguyệt san Công giáo và Dân tộc dẫn trên, trong bài “Thông điệp ““Laudato si’” và cách đọc Công giáo”, tác giả Vũ Văn An, trang 101, thì “Người bảo thủ trong Giáo hội vốn bác bỏ giả thuyết khí hậu thay đổi”. Trong trang tiếp theo bài báo viết “Ông Obama, vì thế, đã lên tiếng ca ngợi lòng can đảm của Đức Phanxicô khi thừa nhận khí hậu thay đổi”.
Thừa nhận một chuyện hiển nhiên như vậy mà được coi là “can đảm”, thì mới thấy thông điệp “Laudato Si’” quan trọng như thế nào! Đạo Ca tô La Mã tỏ ra hết sức giáo điều, mù quáng, và những quan điểm như trong thông điệp “Laudato Si’” thật là đột phá, nhất là khi sau quan điểm căn bản đã có dáng dấp đạo Phật.
4. Quan điểm của thông điệp “Laudato Si’” về giết và ăn thịt động vật
Trong quan điểm này, chúng ta sẽ thấy ẩn hiện việc nhìn nhận quan điểm không sát sinh của đạo Phật.Trước đây, khác với Phật giáo, vốn không cho sát sinh (bao gồm việc giết động vật), đạo Ca tô La Mã chỉ cấm giết người mà thôi. Việc giết động vật, ăn thịt động vật được coi là tự nhiên, bình thường không hề có tội. Chúa Giê su đã từng làm phép lạ làm cho lưới được nhiều cá.Một bên có quan điểm giết và ăn thịt động vật là chuyện đương nhiên, còn một bên coi giết hại động vật là tàn ác, khuyến khích ăn chay hoặc chỉ ăn thịt trong những trường hợp đặc biệt (không trực tiếp giết, bảo người giết để mình ăn, không nghe tiếng kêu con vật khi bị giết, không thấy con vật khi bị giết).
Đây là điểm khác biệt căn bản giữa đạo Ca tô La Mã và đạo Phật.
Năm 2014, một linh mục tại địa phận Vĩnh Long, Việt Nam, ông Phê rô Nguyễn Văn Tường, do thuyết giảng nội dung kêu gọi ăn cây cỏ và trái có hạt giống (ăn thực vật, không ăn thịt động vật) mà đã bị “vạ tuyệt thông tiền kết” đuổi ra khỏi đạo Ca tô La Mã.
Cũng có một nhánh rẽ trong đạo Ca tô La Mã, được coi là không chính thống, vì có chủ trương không ăn thịt động vật. Đó là phái tiết dục (encratites).
Còn lại thì chúng ta đều biết, trong đạo Ca tô La Mã, ăn thịt động vật là chuyện đương nhiên. Vào các ngày lễ lớn như Noel, tín đồ, tu sĩ ăn gà quay, ngỗng quay, nhiều xứ đạo giết chó hàng loạt…
Thế nhưng, nếu tự do giết và ăn thịt động vật, thì trong một thông điệp tôn giáo, phải nói làm sao đây. Ông Phanxicô đã đụng đến cái khó này.
Bởi vì, bảo vệ môi trường không phải chỉ là bảo vệ thực vật cây cỏ. Hệ sinh thái không chỉ là cây cỏ mà gồm cả động vật. Cùng với cây cỏ, hệ sinh thái tổn thương tức là mọi sinh vật đều tổn thương. Mà điều đã rõ, giết và ăn thịt động vật là một nguyên nhân dẫn đến sự tổn thương đó.
Ăn thịt vật nuôi đã được chứng minh là cũng gây tác hại môi trường, do phải tiêu tốn tài nguyên vào việc chăn nuôi cũng như chịu đưng sự ô nhiễm.
Về mặt đạo đức, giết và ăn thịt động vật có vấn đề gì không, khi tôn giáo bàn luận đến vấn đề này.
Thông điệp “Laudato Si’” đã bước đầu đưa ra những quan điểm mới trái với truyền thống đạo Ca tô La Mã, cái mà tác giả bài “Thông điệp “Laudato Si’”, cách đọc Công giáo” gọi là Công giáo bảo thủ.
Linh mục Phê rô Nguyễn Văn Tường người bị vạ tuyệt thông do kêu gọi ăn cây cỏ và trái cây có hạt giống trong bài giảng Trời mới (có thêm xem trên You Tube) chỉ rõ quan điểm “vật dưỡng nhân”, cho phép ăn thịt động vật là quan điểm của toàn giáo hội Ca tô La Mã.
Bây giờ hóa ra, Giáo hoàng Phanxicô sau 1 năm, đã nói y như linh mục bị phạt vạ tuyệt thông Nguyễn Văn Tường, và là nói y như đạo Phật.
Thật ngạc nhiên, thông điệp “Laudato Si’” phê phán quan điểm con người thống trị muôn loài của đạo Ca tô La Mã truyền thống: “Điều này cho phép trả lời một kết án đối với suy nghĩ theo Do Thái giáo và Kitô giáo : Người ta nói rằng, trình thuật sáng thế mời gọi con người “thống trị” trái đất (so St 1,28), việc bóc lột khủng khiếp thiên nhiên qua cách trình bày con người như chủ và tàn phá. Đấy không phải là cách giải thích Thánh Kinh đúng đắn, như Giáo Hội hiểu. Thật sự, đôi khi, những người Kitô hữu chúng tôi giải thích sai Thánh Kinh, nhưng ngày hôm nay chúng tôi phải xác nhận rõ ràng, từ sự kiện được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa và với mệnh lệnh cai quản trái đất, từ đó đưa đến quyền thống trị các tạo vật khác. Điều quan trọng, phải đọc Thánh Kinh trong mạch văn của nó, với sự chú giải thích hợp, và phải nhớ rắng, các bản văn này mời chúng ta “canh tác” và “gìn giữ” ngôi vườn của Thiên Chúa (x. St 2,15). Thuật ngữ “canh tác” có nghĩa là trồng trọt, khai hoang hay làm việc, và thuật ngữ “gìn giữ” có nghĩa là bảo vệ, cứu giúp, giữ gìn, chăm sóc, canh chừng. Điều này đưa đến sự liên kết hỗ tương giữa con người và thiên nhiên” (Tài liệu đã dẫn trang 26).
Vậy thì ra trước đây “những người Kitô hữu chúng tôi giải thích sai Thánh Kinh”, “những người Kitô hữu chúng tôi” là cả Giáo hội đạo Ca tô La Mã toàn cầu. Linh mục Nguyễn Văn Tường đả kích giáo hội đạo Ca tô La mã, bị phạt vạ tuyệt thông, hóa ra lại là người đi trước và chẩn đoán đúng bệnh của Giáo hội thế giới này. Nếu liên hệ Thông điệp “Laudato Si’” với trường hợp linh mục Phê rô Nguyễn Văn Tường, thì có thể thấy rõ tính chất Trung cổ của Giáo hội Ca tô La Mã ngày nay vẫn còn rất rõ. Nhưng có điều tính chất trung cổ ấy ngày nay đã trở nên mong manh hơn rất nhiều so với thời kỳ Brunô, Ga-lilê. Chính vì vậy, nên mới có chuyện mới năm trước tư tưởng đã làm một linh mục tuyệt thông, thì năm sau lại được Giáo hoàng thể hiện dưới một hình thức khác.
5. Tính tất yếu của nội dung Thông điệp “Laudato Si’”
Giáo hội Ca tô La Mã thế giới là tổ chức tôn giáo quốc tế khá nhanh nhạy trong các sự kiện toàn cầu. Tuy nhiên, đối với vấn đề biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, việc lên tiếng của Giáo hội Ca tô La mã là chậm và không thể chậm hơn nữa. Thông điệp “Laudato Si’” ra đời vào lúc này là một tất yếu, ắt phải, đương nhiên.
Khác với các thông điệp trước đây của giáo hoàng Ca tô La mã thường chỉ nói về con người, Thông điệp “Laudato Si’” là thông điệp về môi trường, nghĩa là về yếu tố ngoài con người, trong đó phải đề cập đến bảo vệ động vật. Nói đến bảo vệ động vật nhưng cứ nói quan điểm cũ bất thành văn của đạo Ca tô La Mã là cứ ăn thoải mái, tùy thích, thì tất nhiên không thể được, không ra gì, trái ngược với xu thế mới trên thế giới.
Thế nên, Giáo hoàng Phanxicô phải nói những điều như chúng ta đã đọc được trong Thông điệp “Laudato Si’”. Trên quan điểm nền “chúng tôi giải thích sai Kinh thánh”, Giáo hoàng Phanxicô đã nói đến quan điểm yêu thương các loài động vật, bảo vệ động vật, không giết và ăn thịt động vật ở rải rác khắp thông điệp.
Ở đây chúng ta lưu ý, đối với họ Thánh kinh không bao giờ được cho là sai, mà chỉ có việc giải thích sai mà thôi.
Giáo hoàng nói nhiều về những trường hợp cụ thể, không tập trung vào vấn đề như linh mục Phê rô Nguyễn Văn Trường, nhưng cũng khá đủ để cho thấy đạo Ca tô La Mã đổi ngược 180 độ và bây giờ dạy dỗ tín đồ theo quan điểm đạo Phật.
Thông điệp “Laudato Si’” viết: Khi có ai đọc trong Tin Mừng việc Chúa Giêsu nói về các con chim và xác nhận rằng, “Thiên Chúa không quên sót con nào” (Lc 12,6) hỏi rằng người đó có còn khả năng hành xử xấu hay gây tai hại cho chúng được không? Tôi mời gọi tất cả các Kitô hữu làm rõ nét sự sám hối, khi cho phép sức mạnh và ánh sáng của ân sủng đã được lãnh nhận trải rộng trên mọi tương quan với tất cả thụ tạo khác và với cả thế giới xung quanh, và gợi lên tình huynh đệ với toàn thể sáng tạo mà Thánh Phanxicô đã sống một cách rạng rỡ”.
Chúng ta đều biết việc giết thịt gia cầm (đương nhiên thuộc loài chim) như gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây để ăn mừng Chúa giáng sinh, phục sinh đã trở thành một tập quán của đạo Ca tô La mã. Ấy vậy mà giờ đây giáo hoàng dạy dỗ không làm tổn hại đến loài chim thì quả là điều khác biệt lớn.
Những ví dụ như trên khá nhiều và đều khắp cả Thông điệp “Laudato Si’”. Xin phép không dẫn lại, quý bạn đọc có thể dễ dàng đọc thấy mà dành nội dung bài viết cho việc phân tích.
6. Ý nghĩa của Thông điệp “Laudato si’”
Sự khác biệt, nếu không muốn nói là đấu tranh, xung khắc giữa hai quan điểm, Phật giáo chủ trương yêu thương bảo vệ muôn loài gồm cả động vật, và đạo Ca tô La Mã chủ trương giới hạn yêu thương và bảo vệ (không được giết) chỉ ở con người, coi như bước đầu đi vào kết thúc về mặt lý luận, với Thông điệp “Laudato Si’” của Giáo hoàng Phanxicô.
Đó là sự thắng thế của quan điểm Phật giáo (dĩ nhiên phía Ca tô La Mã không nói là như vậy) và Thông điệp “Laudato Si’” củng cố tìm sự giải thích cho quan điểm mới của phía Ca tô La mã (tương đồng với Phật giáo) từ chính Kinh Thánh và việc lý giải Kinh Thánh. Chắc chắn, không bao giờ phía Ca tô La Mã nói ra rằng họ đi theo Phật giáo cả. Nhưng do chính ở đó, quan điểm mới của đạo Ca tô La Mã vẫn bộc lộ sự hạn chế so với Phật giáo. Việc bảo vệ mọi loài động vật không làm tổn hại chúng, cụ thể là không giết thịt, được lý giải từ quyền lợi của Thiên Chúa, là tôn trọng kết quả sáng tạo của Thiên chúa, bảo vệ các loài thọ tạo theo ý chúa, không phải xuất phát từ lòng từ bi, từ sự yêu thương chúng sanh, từ đức hiếu sinh, từ nguyện vọng được sống, tránh sự đau khổ từ chúng sinh hữu tình.
Vì thế, nên trong Thông điệp “Laudato Si’” vấn đề cũng chưa đi đến sự tột đỉnh của sự lý giải từ tôn giáo. Quan điểm bảo vệ động vật được trình bày trước hết từ sự đối phó với môi trường bị tổn thương, đa dạng sinh học bị thiệt hại, đi tới quan điểm bảo vệ thọ tạo từ Thiên chúa, rồi dừng lại ở chỉ mức đó. Động vật, đối tượng được yêu cầu không làm tổn hại, trong Thông điệp “Laudato Si’” chỉ giới hạn ở mức sinh vật thiên nhiên. Vấn đề nuôi để giết thịt mà ăn chưa được đề cập tới rõ ràng, dù rằng chính quy trình đó, dẫn tới tập quán việc ăn thịt, cũng gây tổn hại môi trường.
Chúng ta không đòi người theo đạo Ca tô La Mã tầm nhận thức từ bi như ở Đức Phật trong ngày một ngày hai. Đi đến kết luận rằng “CHÚNG TÔI ĐÃ GIẢI THÍCH SAI KINH THÁNH” như Giáo hoàng Phanxicô đã là quý lắm rồi và quan điểm bảo vệ mọi loài thu tạo từ Thiên chúa rất đáng ngợi khen. Điều này rất có ý nghĩa với quan điểm vật dưỡng nhân, “chúa tạo ra thịt chó ngon để con người thưởng thức”!
Linh mục Phê rô Nguyễn Văn Tường cũng không đi xa hơn Giáo hoàng Phanxicô. Quan điểm ăn cây cỏ và trái cây có hạt giống của ông cũng căn cứ trên quan điểm thọ tạo của Giáo hoàng Phanxicô, cái hơn là Linh mục Phê rô Nguyễn Văn Tường nói rõ hơn và cụ thể hơn giáo hoàng mà thôi.
Đây là điểm mà giáo hoàng còn bị hạn chế. Linh mục Phê rô Nguyễn Văn Tường nói ăn cây cỏ và trái cây có hạt giống là hoàn toàn tương đồng với ăn chay bên Phật giáo Đại thừa. Còn giáo hoàng chỉ mới đi đến ngưỡng cửa của ăn chay, chưa chạm được vào khái niệm ăn chay, dù rằng nếu không giết thịt động vật thì lấy gì mà ăn nếu không ăn chay? Rõ ràng, không làm tổn hại đến động vật, không giết thịt động vật chỉ là cấp độ đầu tiên của tinh thần từ bi. Bây giờ mới nhìn nhận ra không giết thịt động vật vì đó là việc làm có hại, nhưng chỉ nhìn điều đó như một phản ứng đối với biến đổi khí hậu, tổn hại môi trường hay tôn trọng kết quả sáng tạo của Thiên chúa thì quả là còn thấp.
Bước tiếp tuy còn thấp về mặt lý luận này cũng chưa chắc sẽ được triển khai trong thực tế. Sự chậm chạp của triều đình Vatican đối với biến đổi khí hậu tổn thương môi trường và những nhận thức liên hệ nhưng vấn đề giết thịt động vật đã là điềm báo cho việc quan điểm mới của Vatican khó mà triển khai trong thực tế.
Đó là do giết thịt, ăn thịt đã là một thói quen thâm căn trong tín đồ Ca tô La Mã.
Thông điệp “Laudato Si’” nói thì nói như thế, chứ người ta đã quen ăn thịt động vật, mà ăn thì phải giết làm sao mà khác được. Do vậy, thế giới Ca tô La Mã sau Thông điệp “Laudato Si’” vẫn thế, chứ sẽ không thay đổi gì hết.
Thông điệp “Laudato Si’” không nói Thiên chúa sẽ trừng phạt con người do giết thịt, giết thịt vẫn không bị xem là có tội (vì rõ ràng 10 điều răn không cấm) cho nên, nghe thì nghe vậy, không mấy giáo dân sẽ làm theo lời giáo hoàng.
Cho nên chắc chắn cả hơn 1 tỷ người vẫn không tiến triển gì trong vấn đề giết thịt động vật cả, dù đã có Thông điệp “Laudato Si’”.
Tệ hơn, vẫn có nhiều người Ca tô La Mã cho rằng khí hậu là kết quả sáng tạo của Thiên chúa không cách gì thay đổi, một nếp nghĩ làm tiền đề của kiểu quan niệm vì chúa tạo ta thịt chó ngon để cho người ăn.
Người theo đạo Ca tô La Mã có đạt đến mức từ bi để không sát sinh hay không, câu trả lời vẫn là chưa. Vì mãi đến bây giờ, giáo hoàng chỉ mới nhận ra vấn đề giết thịt để bảo vệ môi trường, tôn trọng thụ tạo của Thiên chúa chứ không xuất phát từ lòng từ bi. Để đến được lòng từ bi, bất sát như trình độ của đạo Phật, thì phải qua giai đoạn thực hiện những điều đã được Thông điệp “Laudato Si’” chỉ ra. Tiếc thay, điều đó cũng vẫn khá mơ hồ, tản mạn.
Dưới đây là một số nội dung liên hệ đến quan điểm bảo vệ động vật trong Thông điệp “Laudato Si’” và chỉ là một phần:
– Trách nhiệm đối với trái đất, một trái đất thuộc về Thiên Chúa, cho thấy con người có lý trí, biết tôn trọng các lề luật của thiên nhiên và sự quân bình tế nhị giữa các hữu thể trong thế giới này, chỉ vì “Người ra lệnh, là hết thảy được tạo thành. Người định nơi cho tất cả đến muôn đời muôn thuở, ban truyền lề luật, luật đó chẳng hề qua” (Tv 148, 5b-6). Vì thế, Thánh Kinh trưng ra cho con người nhiều luật lệ khác nhau, không những trong liên hệ với đồng loại, nhưng cả trong liên hệ với các sinh thể khác : “Khi anh (em) thấy lừa hay bò của người anh em mình ngã trên đường, thì đừng bỏ mặc làm ngơ, nhưng phải giúp người anh em đỡ chúng dậy…Nếu trên đường, anh (em) gặp một tổ chim, ở trên bất cứ cây nào hay ở dưới đất, trong đó có chim con hoặc trứng, và chim mẹ đang ủ chim con hay ấp trứng, thì anh (em) không được bắt cả mẹ lẫn con” (Đnl 22,4.6). Trong nhãn quan này, sự nghỉ ngơi trong ngày thứ bảy không phải chỉ dành cho con người, nhưng cho cả “bò lừa của ngươi được nghỉ ngơi” (Xh 23, 12). Với cách thức này, chúng ta nhận thấy Thánh Kinh không đưa ra duyên cớ tập trung vào chỉ con người, mà không lo lắng cho các tạo vật khác.
– Trái tim chỉ có một, và cùng sự đau xót khi chúng ta hành hạ một con vật, thì cũng sẽ bộc lộ trong cách đối xử của chúng ta với những người khác. Mọi thứ độc ác đối với bất cứ thụ tạo nào “đều nghịch lại với phẩm giá con người” [69]. Chúng ta đừng cho chúng ta yêu nhiều, nếu chúng ta vì lợi ích của chúng ta đã loại một phần nào thực tại. “Bình an, công bằng và bảo quản sáng tạo là ba đề tài tuyệt đối liên kết với nhau, không thể tách biệt và nếu chỉ trình bày từng phần có thể lại rơi vào chủ thuyết đúc kết mới (Reduktionismus) [70].
– Dựa vào số lượng lớn và đa dạng các yếu tố phải quan sát, ngay khi nhìn tác động của một dự phóng cụ thể về môi trường, cần phải trao cho những người tìm hiểu một vai trò tương xứng và tạo điều kiện dễ dàng cho việc cộng tác với một sự tự do thuộc cấp đại học. Việc tìm hiểu lâu dài này cần đưa đến những kiến thức, để hiểu những sự khác biệt của sinh vật liên kết với nhau và tạo sự thống nhất lớn lao mà ngày nay chúng ta gọi là “hệ thống môi sinh”. Chúng ta đón nhận chúng, không phải để xác định ích lợi của chúng, cách hợp lý, nhưng vì chúng có những giá trị độc lập khỏi việc sử dụng. Mỗi sinh vật đều tốt đẹp và đáng kinh ngạc, vì đó là một sáng tạo của Thiên Chúa, cũng thế, toàn thể sự hòa hợp các sinh vật trong một không gian xác định sẽ hoạt động như một hệ thống. Cho dù chúng ta không ý thức, chúng ta cũng lệ thuộc vào tổng thể này cho sự sống của chúng ta.
Theo nghĩa này, người ta phải công nhận rằng, thân xác chúng ta đặt chúng ta vào một liên hệ trực tiếp với môi trường và với các sinh vật khác. Việc chấp nhận thân xác của mình như là hồng ân của Thiên Chúa, cần thiết phải đón nhận và chấp nhận trọn cả thế giới cũng là hồng ân của Cha và là ngôi nhà chung; trong khi lý luận cho việc làm chủ thân xác dễ dàng trở thành lý luận làm chủ cả thiên nhiên.”
Minh Thạnh