15. Lại nữa, bạch Thế Tôn, điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết pháp về vấn đề Thường trú luận. Bạch Thế Tôn, có ba loại Thường trú luận như thế này. Bạch Thế Tôn ở đây có vị Sa môn hay Bà-la-môn, nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm nên tâm nhập định; khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời, trăm ngàn đời, vô số trăm đời, vô số ngàn đời, vô số trăm ngàn đời, nhớ rằng: “Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi sống với tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ ấy chết đi, tôi được sanh đến chỗ kia. Tại chỗ kia, tôi đã sống với tên như thế này, tuổi thọ như thế này.” Như vậy vị ấy nhớ nhiều đời quá khứ với những đặc điểm và những chi tiết. Vị ấy nói rằng: “Trong thời quá khứ, tôi biết được thế giới là trong hoại kiếp hay thành hoại kiếp. Nhưng trong tương lai tôi không được biết thế giới là trong hoại kiếp hay thành kiếp. Bản ngả và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá. Còn những loại hữu tình kia thì lưu chuyển, luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú.” Ðó là Thường trú luận thứ nhất.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, ở đây, có vị Sa môn hay Bà-la-môn nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như một thành kiếp hoại kiếp, hai thành kiếp hoại kiếp, ba thành kiếp hoại kiếp, bốn thành kiếp hoại kiếp, năm thành kiếp hoại kiếp, mười thành kiếp hoại kiếp, nhớ rằng: “Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ ấy chết đi, tôi lại sanh tại chỗ kia. Tại chỗ kia, tôi đã sống với tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ kia chết đi, tôi được sanh tại chỗ này.” Như vậy vị ấy nhớ nhiều đời quá khứ với những đặc điểm và những chi tiết. Vị ấy nói: “Trong thời quá khứ, tôi biết được thế giới là trong hoại kiếp hay thành kiếp. Trong tương lai, tôi biết được thế giới sẽ là trong hoại kiếp hay thành kiếp. Bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn những loại hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú.” Ðó là Thường trú luận thứ hai.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, ở đây, vị Sa môn hay Bà-la-môn, nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như mười thành kiếp hoại kiếp, hai mươi thành kiếp hoại kiếp, ba mươi thành kiếp hoại kiếp, bốn mươi thành kiếp hoại kiếp, nhớ rằng: “Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ ấy chết đi, tôi lại được sanh tại chỗ kia. Tại chỗ kia, tôi đã sống với tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này.” Như vậy vị ấy nhớ nhiều đời quá khứ, với những đặc điểm và những chi tiết. Vị ấy nói: “Trong thời quá khứ, tôi biết được thế giới là trong hoại kiếp hay thành kiếp. Trong tương lai, tôi biết được thế giới là trong hoại kiếp hay trong thành kiếp. Bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn những loại hữu tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sống lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú.” Ðó là Thường trú luận thứ ba. Bạch Thế Tôn, như vậy là tối thượng về vấn đề Thường trú luận.
Xem chi tiết:
https://buocdauhocphat.com/kinh-truong-bo-tap-ii-28-kinh-tu-hoan-hy-sampasadaniya-sutta