(Pháp môn giải thoát)
Này Cunda, con người tự mình bị rơi vào bùn lầy có thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy, sự tình ấy không thể xảy ra. Này Cunda, con người tự mình không rơi vào bùn lầy, có thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy, sự tình ấy có thể xảy ra. Này Cunda, con người tự mình không được nhiếp phục, không được huấn luyện, không được hoàn toàn giải thoát, tự mình có thể nhiếp phục, huấn luyện và hoàn toàn giải thoát người khác, sự tình ấy không thể xảy ra. Một người được nhiếp phục, được huấn luyện, được hoàn toàn giải thoát, tự mình có thể nhiếp phục, huấn luyện, hoàn toàn giải thoát người khác, sự tình ấy có thể xảy ra. Cũng vậy, này Cunda:
(1) Ðối với người làm hại, không làm hại đưa đến hoàn toàn giải thoát; đối với con người sát sanh, từ bỏ sát sanh đưa đến hoàn toàn giải thoát.
(2) Ðối với con người lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho đưa đến hoàn toàn giải thoát.
(3-43) Ðối với con người không phạm hạnh, sống phạm hạnh…; đối với con người nói láo, từ bỏ nói láo…; đối với con người nói hai lưỡi, từ bỏ nói hai lưỡi…; đối với con người ác khẩu, từ bỏ nói ác khẩu…; đối với con người nói phù phiếm, từ bỏ nói phù phiếm…; đối với con người có tham dục, không tham dục…; đối với con người có sân tâm, không sân tâm…; đối với con người có tà kiến, chánh kiến…; đối với con người có tà tư duy, chánh tư duy…; đối với con người có tà ngữ, chánh ngữ…; đối với con người có tà nghiệp, chánh nghiệp…; đối với con người có tà mạng, chánh mạng…; đối với con người có tà tinh tấn, chánh tinh tấn…; đối với con người có tà niệm, chánh niệm…; đối với con người có tà định, chánh định…; đối với con người có tà trí, chánh trí…; đối với con người có tà giải thoát, chánh giải thoát…; đối với con người bị hôn trầm thụy miên chi phối, không bị hôn trầm thụy miên chi phối…; đối với con người trạo hối, không trạo hối…; đối với con người nghi hoặc, không nghi hoặc…; đối với con người phẫn nộ, không phẫn nộ…; đối với con người oán hận, không oán hận…; đối với con người hư ngụy, không hư ngụy…; đối với con người não hại, không não hại…; đối với con người tật đố, không tật đố…; đối với con người xan tham, không xan tham…; đối với con người man trá, không man trá…; đối với con người khi cuống, không khi cuống…; đối với con người ngoan cố, không ngoan cố….; đối với con người cấp tháo, không cấp tháo …; đối với con người khó nói, dễ nói…; đối với con người ác hữu, thiện hữu…; đối với con người phóng dật, không phóng dật…; đối với con người bất tín, tín tâm…; đối với con người không xấu hổ, có xấu hổ…; đối với con người không sợ hãi, có sợ hãi…; đối với con người nghe ít, nghe nhiều…; đối với con người biếng nhác, siêng năng…; đối với con người thất niệm, an trú niệm…; đối với con người liệt tuệ, thành tựu trí tuệ…
(44) Ðối với con người nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả, đưa đến hoàn toàn giải thoát.
(Kết luận)
Này Cunda, như vậy Ta đã giảng pháp môn đoạn giảm, đã giảng pháp môn khởi tâm, đã giảng pháp môn đối trị, đã giảng pháp môn hướng thượng, đã giảng pháp môn giải thoát hoàn toàn.
Này Cunda, những gì bậc Ðạo Sư phải làm, vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đệ tử, những việc ấy Ta đã làm, vì lòng thương tưởng cho các Người. Này Cunda, đây là những gốc cây, đây là những nhà không tịnh. Này Cunda, hãy Thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau. Ðó là lời giáo huấn của Ta cho các Người.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Maha Cunda hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
Xem chi tiết:
Kinh Trung Bộ – Tập I – 8. Kinh Ðoạn giảm (Sallekha sutta) (Quan trọng)