(VII) (7) Tưởng Hay Tác Ý (1)
- Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, có thể chăng một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định, như vậy, vị ấy có thể trong đất không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước, trong lửa không tưởng đến lửa, trong gió không tưởng đến gió, trong Không vô biên xứ không tưởng đến Không vô biên xứ, trong Thức vô biên xứ không tưởng đến Thức vô biên xứ, trong Vô sở hữu xứ không tưởng đến Vô sở hữu xứ, trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trong thế giới hiện tại không tưởng đến thế giới hiện tại, trong thế giới đời sau không tưởng đến thế giới đời sau, và phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy nghĩ đến, trong ấy vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?
- Này Ananda, có thể như vậy, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, có thể trong đất không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước, trong lửa không tưởng đến lửa, trong gió không tưởng đến gió, trong Không vô biên xứ, không tưởng đến Không vô biên xứ, trong Thức vô biên xứ không tưởng đến Thức vô biên xứ, trong Vô sở hữu xứ không tưởng đến Vô sở hữu xứ, trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trong thế giới hiện tại không tưởng đến thế giới hiện tại, trong thế giới đời sau không tưởng đến thế giới đời sau. Và phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy nghĩ đến, trong ấy vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.
- Nhưng bạch Thế Tôn, như thế nào một vị Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất… trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau… vị ấy có thể không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?
- Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo tưởng như sau: “Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Như vậy, này Ananda, vị Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước… trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau… vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.
(VIII) (8) Tưởng Hay Tác Ý (2)
- Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Thế Tôn, rồi đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda thưa với Tôn giả Sàriputta:
– Thưa Tôn giả Sàriputta, có thể chăng một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước, trong lửa không tưởng đến lửa, trong gió không tưởng đến gió, trong Không vô biên xứ, không tưởng đến Không vô biên xứ, trong Thức vô biên xứ không tưởng đến Thức vô biên xứ, trong Vô sở hữu xứ không tưởng đến Vô sở hữu xứ, trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trong thế giới hiện tại không tưởng đến thế giới hiện tại, trong thế giới đời sau không tưởng đến thế giới đời sau. Và phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy nghĩ đến, trong ấy vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?
- Này Ananda, có thể như vậy, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy… được ý suy nghĩ đến, vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.
- Nhưng thưa Tôn giả Sàriputta, như thế nào, một Tỷ-kheo, khi chứng được Thiền định như vậy… được ý suy nghĩ đến, vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?
- Ở đây, này Hiền giả Ananda, Tỷ-kheo tưởng như sau: “Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Như vậy, này Hiền giả Ananda, Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất không tưởng đến đất… trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau… vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.
- Thật vi diệu thay, thưa Hiền giả! Thật hy hữu thay, thưa Hiền giả! Sự giải thích của Ðạo Sư và đệ tử tương hợp, tương hội, không tương phản nhau, nghĩa với nghĩa, lời với lời, tức là đối với câu tối thượng. Thưa Hiền giả, vừa rồi tôi đã đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này, Thế Tôn với những câu thế này với những lời thế này, đã trả lời về ý nghĩa này, giống như Tôn giả Sàriputta. Thật vi diệu thay, Hiền giả! Thật hy hữu thay, Hiền giả! Sự giải thích của Ðạo Sư và đệ tử sẽ tương hợp, sẽ tương hội, không tương phản nhau tức là về câu tối thượng.
(IX) (9) Tác Ý
- Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, có thể chăng một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, có thể không tác ý đến mắt, có thể không tác ý đến sắc, có thể không tác ý đến tai, có thể không tác ý đến tiếng, có thể không tác ý đến mũi, có thể không tác ý đến hương, có thể không tác ý đến lưỡi, có thể không tác ý đến vị, có thể không tác ý đến thân, có thể không tác ý đến xúc, có thể không tác ý đến đất, có thể không tác ý đến nước, có thể không tác ý đến lửa, có thể không tác ý đến gió, có thể không tác ý đến Không vô biên xứ, có thể không tác ý đến Thức vô biên xứ, có thể không tác ý đến Vô sở hữu xứ, có thể không tác ý đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, có thể không tác ý đến đời này, có thể không tác ý đến đời sau. Phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy nghĩ đến, vị ấy có thể không có tác ý. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tác ý?
- Này Ananda, có thể như vậy: Một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, có thể không tác ý đến mắt, có thể không tác ý đến sắc… (như trên, 9.1)… được ý suy nghĩ đến, vị ấy có thể không có tác ý. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tác ý.
- Bạch Thế Tôn, nhưng thế nào, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, có thể không tác ý đến mắt, có thể không tác ý đến sắc… được ý suy nghĩ đến, vị ấy có thể không có tác ý. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tác ý?
- Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tác ý như sau: “Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn”. Như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể không tác ý đến mắt, có thể không tác ý đến sắc… được ý suy nghĩ đến, vị ấy có thể không có tác ý. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tác ý.
Xem chi tiết:
Kinh Tăng Chi Bộ – Chương XI – Mười Một Pháp – I. Phẩm Y Chỉ