IX. Luận Nghị Ðường (Kutùhalasàlà) (S.iv,398)
1). ..
2) Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta thưa với Thế Tôn:
— Thưa Tôn giả Gotama, những ngày về trước, những ngày về trước nữa, rất nhiều Sa-môn, Bà-la-môn là du sĩ ngoại đạo ngồi tụ tập, tụ hội tại Luận nghị đường, và câu chuyện sau đây được khởi lên: “Vị Pùrana Kassapa này là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng”. Khi nói về một đệ tử từ trần, mệnh chung, họ nói sanh xứ của vị ấy như sau: “Vị này sanh tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này”. Nếu đệ tử là vị thượng nhân, tối thượng nhân, đã đạt địa vị tối thắng, khi vị này từ trần, mệnh chung, họ nói sanh xứ của vị ấy như sau: “Vị này sanh tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này”.
4-9) Makkhali Gosàla… Nigantha Nàtaputta… Sanjaya Belatthiputta… Pakuddha Kaccàyana… vị Ajita Kesakambala này là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng. Khi nói về một đệ tử từ trần, mệnh chung, họ nói sanh xứ của vị ấy như sau: “Vị này sanh tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này”. Nếu đệ tử là vị thượng nhân, tối thượng nhân, đã đạt địa vị tối thắng, khi vị này từ trần, mệnh chung, họ nói sanh xứ của vị ấy như sau: “Vị này sanh tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này”.
10) Còn Sa-môn Gotama này là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng. Khi nói về một đệ tử đã từ trần, đã mệnh chung, Sa-môn Gotama nói sanh xứ của vị ấy như sau: “Vị này sanh tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này”. Nếu đệ tử là bậc thượng nhân, tối thắng nhân đã đạt địa vị tối thượng, khi vị này từ trần, mệnh chung, Sa-môn Gotama không có trả lời: “Vị này sanh tại chỗ này. Vị này sanh tại chỗ này”. Nhưng Ngài nói về vị ấy như sau: “Vị ấy đã chặt đứt ái, đã phá hủy các kiết phược, nhờ chơn chánh thấy rõ kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau”.
11) Thưa Tôn giả Gotama, con có khởi lên phân vân và nghi ngờ như sau: “Như thế nào, cần phải thấu hiểu pháp của Sa-môn Gotama?”
12) — Này Vaccha, thôi vừa rồi sự phân vân của Ông. Thôi vừa rồi sự nghi ngờ của Ông. Chính do trên điểm Ông phân vân mà nghi ngờ được khởi lên. Ta tuyên bố sự sanh khởi, này Vaccha, đối với những ai có chấp thủ, không phải đối với ai không có chấp thủ.
13) Ví như, này Vaccha, một ngọn lửa cháy đỏ khi nào có nhiên liệu (saupàdàna), không phải không có nhiên liệu. Cũng vậy, này Vaccha, Ta tuyên bố về sanh khởi đối với người có chấp thủ (sanh y), không phải với người không có chấp thủ.
14) — Thưa Tôn giả Gotama, trong khi có gió thổi ngọn lửa đi thật xa, thời Tôn giả Gotama tuyên bố cái gì làm nhiên liệu cho ngọn lửa này?
— Này Vaccha, trong khi có gió thổi ngọn lửa đi thật xa, thời Ta nói chính gió là nhiên liệu. Trong khi ấy, này Vaccha, chính gió là nhiên liệu (upàdàna).
15) — Thưa Tôn giả Gotama, trong khi một loài hữu tình quăng bỏ thân này để sanh vào một thân khác, thời Tôn giả Gotama tuyên bố cái gì làm nhiên liệu cho thân này?
— Này Vaccha, trong khi một loài hữu tình quăng bỏ thân này và sanh vào một thân khác, này Vaccha, Ta tuyên bố rằng trong khi ấy chính ái (tanhà) là nhiên liệu (upàdànam).
Xem chi tiết:
Kinh Tương Ưng – Tập IV – Thiên Sáu Xứ – Chương X – Tương Ưng Không Thuyết