- III. Dìghàvu (S.v,344)
1) Một thời, Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ, cư sĩ Dìghàvu bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.
3) Rồi cư sĩ Dìghàvu thưa với cha là Jotika:
— Hãy đi, thưa Cha, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nhân danh con, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: “Cư sĩ Dìghàvu, bạch Thế Tôn, bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, xin cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn”. Rồi Cha hãy thưa như sau: “Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đi đến nhà cư sĩ Dìghàvu vì lòng từ mẫn!”
— Ðược, này Con.
Gia chủ Jotika nghe lời cư sĩ Dìghàvu, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.
4) Ngồi một bên, gia chủ Jotika bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, cư sĩ Dìghàvu bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh. Vị ấy cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa như sau: “Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đi đến trú xứ cư sĩ Dìghàvu vì lòng từ mẫn!”
Thế Tôn im lặng nhận lời.
5) Rồi Thế Tôn đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ cư sĩ Dìghàvu; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi xuống rồi, Thế Tôn nói với cư sĩ Dìghàvu:
— Này Dìghàvu, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có dấu hiệu giảm thiểu, không tăng trưởng?
— Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Ðau đớn kịch liệt nơi con không có giảm thiểu, chúng tăng trưởng. Chúng có dấu hiệu tăng trưởng, không có dấu hiệu giảm thiểu.
6) — Do vậy, này Dìghàvu, Ông hãy học tập như sau: “Ta sẽ thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn. Ðối với Pháp… Ðối với chúng Tăng… Tôi sẽ thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định””. Như vậy, này Dìghàvu, Ông cần phải học tập.
7) — Bạch Thế Tôn, đối với bốn Dự lưu phần do Thế Tôn thuyết giảng, tất cả các pháp ấy đều có ở trong con. Con thực hiện chúng đầy đủ. Bạch Thế Tôn, con thành tựu lòng tin bất động đối với Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn… Ðối với Pháp… đối với chúng Tăng… Tôi thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định”.
— Do vậy, này Dìghàvu, sau khi Ông đã an trú trong bốn Dự lưu phần này, Ông hãy tu tập thêm sáu minh phần pháp (chavijjà-bhàgiye dhamme).
8) Ở đây, này Dìghàvu, Ông hãy trú, quán vô thường trong tất cả hành, quán khổ tưởng trong vô thường, quán vô ngã tưởng trong khổ, quán tưởng đoạn tận, quán tưởng ly tham, quán tưởng đoạn diệt. Như vậy, này Dìghàvu, Ông cần phải học tập.
— Bạch Thế Tôn, đối với sáu minh phần pháp được Thế Tôn thuyết giảng này, chúng đều có ở trong con và con thực hiện chúng đầy đủ. Bạch Thế Tôn, con trú, quán vô thường trong tất cả hành, quán khổ tưởng trong vô thường, quán vô ngã tưởng trong khổ, quán tưởng đoạn tận, quán tưởng ly tham, quán tưởng đoạn diệt.
9) Nhưng, bạch Thế Tôn, con có ý nghĩ sau đây: “Ta không có muốn gia chủ Jotika, ở đây khi ta chết phải rơi vào khốn khổ (vighàta)”.
— Này Dìghàvu, chớ có tác ý như vậy! Hãy nhìn, này Dighàvu! Những gì Thế Tôn đang nói cho con, con hãy khéo tác ý.
10) Rồi Thế Tôn sau khi giáo giới cho cư sĩ Dìghàvu với lời giáo giới, từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi.
11) Cư sĩ Dìghàvu, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu liền mệnh chung.
12) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, người cư sĩ tên là Dìghàvu; sau khi được nghe Thế Tôn giáo giới một cách tóm tắt, đã mệnh chung. Sanh thú cư sĩ ấy thế nào? Sanh xứ cư sĩ ấy chỗ nào?
— Hiền minh, này các Tỷ-kheo, là cư sĩ Dìghàvu! Cư sĩ Dìghàvu thực hiện các pháp và tùy pháp, không làm phiền nhiễu Ta với những kiện tụng về pháp.
13) Cư sĩ Dìghàvu, sau khi đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh nhập diệt ở tại đấy, không còn trở lui thế giới này nữa.
Xem chi tiết: