Tự ngã có thể là kẻ thù có thể là thân ái

IV. Thân Ái (S.i,71)

1) Ở tại Sàvatthi.

2) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, ở đây khi con đang ngồi yên tịnh một mình, tư tưởng này khởi lên nơi con: “Ðối với những ai, tự ngã là thân ái? Ðối với những ai, tự ngã là kẻ thù?” Và rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau:

3) “Những ai sống thân làm ác, sống miệng nói ác, sống ý nghĩ ác; đối với người ấy, tự ngã là kẻ thù. Dầu họ có nói: “Tự ngã là thân ái của chúng tôi”, nhưng tự ngã đối với họ là kẻ thù. Vì sao vậy? Những gì kẻ thù làm cho kẻ thù, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thù.

4) Những ai sống thân làm thiện, sống miệng nói thiện, sống ý nghĩ thiện, đối với họ, tự ngã là thân ái. Dầu cho họ có nói: “Tự ngã là kẻ thù của chúng tôi”, nhưng tự ngã đối với họ là thân ái. Vì sao vậy? Những gì kẻ thân ái làm cho kẻ thân ái, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thân ái.”

5) Như vậy là phải, thưa Ðại vương. Như vậy là phải, thưa Ðại vương. Thưa Ðại vương, những ai sống thân làm ác… Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thù. Thưa Ðại vương, những ai sống thân làm thiện… Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thân ái.

6)

Nếu những ai biết được,
Tự ngã là thân ái,
Họ sẽ không liên hệ,
Với các điều ác hạnh.
Kẻ làm điều ác hạnh,
Khó được chơn hạnh phúc,
Bị thần chết cầm tù,
Từ bỏ thân làm người.
Kẻ có nghiệp như vậy,
Cái gì là của mình?
Lấy cái gì đem đi?
Cái gì theo dõi họ,
Như bóng theo dõi hình?
Ở đây kẻ bị chết,
Làm các nghiệp công đức,
Làm các nghiệp ác đức,
Lấy cả hai đem đi.
Cả hai của kẻ ấy,
Như bóng theo dõi hình.
Cả hai theo kẻ ấy,
Do vậy hãy làm lành,
Tích lũy cho đời sau,
Công đức cho đời sau,
Là hậu cứ cho người.

Xem chi tiết:

Kinh Tương Ưng Bộ – Tập 1 – Thiên Có Kệ – Chương III – Tương Ưng Kosala – I. Phẩm Thứ Nhất