Do sự khác nhau về tu chứng, nên sanh ra các cõi giới, các loại thần thông, các giáo phái, thần thánh v.v. vì họ chưa hoàn toàn giải thoát vì con rơi vào 62 tà kiến này.
003. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT THUYẾT KINH PHẠM-VÕNG?
Vào một thời kia, đức Phật và các Tỳ-kheo đang đi trên đường từ thành Vương-Xá đến làng Nalanda, có hai du-sĩ ngoại-đạo theo sau, thầy là Suppiya và trò là Brahmadatta, đang cãi nhau: thầy thì hủy-báng Phật, Pháp, Tăng; còn trò thì hết lòng tán-thán ngôi Tam Bảo.
Nhơn thấy các Tỳ-kheo bàn-luận về việc nầy, đức Phật khuyên các Tỳ-kheo khi nghe ai hủy-báng Phật, Pháp, Tăng, chớ nên tức-tối, phiền-muộn, mà có hại cho tâm mình. Còn khi nghe lời tán-thán ngôi Tam Bảo, cũng chớ có quá hoan-hỉ, thích-thú, vì sẽ gây trở ngại cho đường tu. Thái-độ đứng-đắn là phải nói lên sự-thật cho họ biết: trong lời hủy-báng, vạch ra chỗ nào là chẳng chính-xác; trong lời tán-thán, chỉ rõ điểm nào đã thật-sự xảy ra.
Đức Phật lại bảo, phàm-phu khi tán-thán Phật, thường nói đến các ”vấn-đề không quan-trọng, nhỏ-nhặt, chỉ thuộc về giới-luật”. Còn các bực biết tán-thán Như-Lai một cách chân-chánh thì mới nói đến ”các pháp khác, sâu-kín, khó chứng, tịch-tĩnh, mỹ-diệu, vượt ngoài tầm lý-luận suông, chỉ những người trí mới nhận hiểu, chỉ có bực Như-Lai mới tự chứng-tri, giác-ngộ và truyền-thuyết”.
Do đó, Phật thuyết-giảng Kinh Phạm-Võng để dạy về giới-luật, và các pháp cao-siêu vượt thoát được sáu mươi hai kiến-chấp vốn là các tà-kiến đã lôi kéo con người vào vòng sanh-tử khổ-đau của Luân-hồi.
004. NỘI-DUNG KINH PHẠM-VÕNG.
A. Ý chánh: PHẠM-VÕNG nghiã là: Phạm là cõi trời Phạm (Brahma); Võng là lưới; phạm-võng là màn lưới ở cõi Trời Phạm bao trùm cả vũ-trụ. Tựa như một mẻ lưới lớn quăng xuống hồ bắt trọn hết các loài cá tôm, Kinh Phạm-Võng nầy bao trùm được hết tất cả 62 kiến-chấp; chỉ có các bực ”Như-Lai đã giác-ngộ chẳng còn chấp-thủ, (mới) được hoàn-toàn giải-thoát”(khỏi các tà-kiến đó).
B. Phân đoạn: Nội dung bản Kinh rất dài, có thể chia ra ba phần: (1) các giới-luật; (2) các kiến-chấp; (3) nguyên-nhân vướng vào các kiến-chấp đó và cách vượt thoát.
1. Các giới-luật là các điều răn-cấm, gồm có ba cấp: Tiểu-giới dành cho kẻ tu-hành thấp;Trung-giới và Đại-giới dành cho bực tu-hành cao.
2.- Các kiến-chấp là các tà-kiến khiến nghiệp-lực lôi-kéo kẻ dính mắc phải trôi-lăn mãi trong cõi Luân-hồi. Có tất cả 62 kiến-chấp: 18 kiến-chấp liên-quan về quá-khứ và 44 kiến-chấp liên-quan về tương-lai.
3.- Nguyên-nhân vướng vào các kiến-chấp là sự chấp-thủ vào các kinh-nghiệm do sự xúc-cảm của các căn gây nên các cảm-thọ, rồi từ thọ đến ái, từ ái đến thủ (tức là sự chấp-thủ). Nếu biết như-thật các cảm-thọ: sự tập-khởi, sự diệt-trừ, vị ngọt, sự nguy-hiểm và sự xuất-ly khỏi chúng, sẽ vượt ra ngoài các kiến-chấp đó.
005. BA CẤP GIỚI-LUẬT.
– Tiểu giới: chẳng sát-sanh, chẳng trộm-cắp, chẳng tà-hạnh, chẳng nói dối, chẳng nói hai lưỡi, chẳng nói độc-ác, chẳng nói điều vô-nghiã, chẳng ăn phi-thời, chẳng xem múa hát, chẳng nằm giường cao, chẳng nhận vàng bạc, chẳng nhận nô-tỳ, chẳng nhận gia-súc, ruộng vườn, chẳng làm môi-giới, chẳng hối-lộ, chẳng lừa đảo.
– Trung giới: chẳng làm hại các hột giống, chẳng cất chứa thức ăn và đồ dùng, chẳng dự các trò du-hí, các trò giải-trí, chẳng dùng chăn len, nệm bông,
chẳng dùng đồ trang-sức, chẳng bàn phiếm về thời-sự, chẳng biện-luận, tranh-chấp, chẳng đưa tin-tức hoặc nói lời siểm-nịnh để cầu lợi.
– Đại giới: tránh xa các tà-hạnh như xem tướng, đoán mộng, dùng bùa-chú, tránh xa các tà-mạng như tiên-đoán thời-sự, chiêm-tinh, thời-tiết, coi ngày giờ tốt xấu, dùng các ảo-thuật, chữa trị bịnh, để nuôi mạng sống, mặc dầu đã nhận của tín-thí.
Kinh nói: ”… đấy là những vấn-đề không quan-trọng, nhỏ-nhặt, chỉ thuộc giới-luật mà kẻ phàm-phu dùng để tán-thán Như-Lai.”
006. SÁU MƯƠI HAI KIẾN-CHẤP.
Sáu mươi hai loại kiến-chấp bị bao-trùm cả trong màn lưới Phạm-Võng, gồm có:
– 18 kiến-chấp về quá-khứ,
– 44 kiến-chấp về tương-lai.
Mười tám kiến-chấp về quá-khứ có:
– 4 luận-chấp về Thường-trú-luận;
– 4 luận-chấp về Thường, Vô-thường-luận;
– 4 luận-chấp về Hữu-biên, Vô-biên-luận
– 4 luận-chấp về Ngụy-biện-luận;
– 2 luận-chấp về Vô-nhân-luận.
Bốn mươi bốn kiến-chấp về tương-lai có:
– 16 luận-chấp về Hữu-tưởng-luận;
– 8 luận-chấp về Vô-tưởng-luận;
– 8 luận-chấp về Phi-hữu tưởng phi-vô tưởng;
– 7 luận-chấp về Đoạn-diệt-luận;
– 5 luận-chấp về Hiện-tại Niết-bàn-luận.
007. MƯỜI TÁM KIẾN-CHẤP VỀ QUÁ-KHỨ.
Các kiến-chấp liên-quan đến quá-khứ: gồm có 18 luận-chấp về quá-khứ do chủ-trương của các Sa-môn, Bà-la-môn, nhờ nhập định mà nhớ lại được đời, kiếp trước (một kiếp có nhiềuđời):
* 4 luận-chấp về Thường-trú-luận: cho rằng thế-giới và bản-ngã chúng-sanh đều thường-còn mãi mãi:
– trường-hợp 1: vì nhớ được nhiều đời trước;
– trường-hợp 2: vì nhớ được nhiều kiếp trước;
– trường-hợp 3: vì nhớ được nhiều thành-kiếp, và hoại-kiếp trước (thành, hoại-kiếp có nhiềukiếp);
– trường-hợp 4: vì dựa theo óc suy-luận.
* 4 luận-chấp về Thường-trú-luận và Vô-thường-luận: cho rằng thế-giới và bản-ngã vừathường-trú với một hạng chúng-sanh, vừa vô-thường với các hạng chúng-sanh khác:
– trường-hợp 1: từ cõi Quang-âm thiên có vị hữu-tình sanh sang cung Phạm-thiên trước nhứt, tự cho mình là chúa-tể, coi các chúng-sanh khác, sanh sau, là con cháu của mình. Vị Đại-Phạm-Thiên đó có mạng sống lâu dài, sắc-tướng đẹp-đẽ, uy-quyền rộng lớn, nên được xem là thường-hằng; còn các chúng-sanh khác thì vô-thường, phải chịu sự biến-dịch.
– trường-hợp 2: từ cõi Trời Phạm, có hạng chư Thiên vì mê-say dục-lạc, nên bị ô-nhiễm, thác-sanh xuống cõi nhơn-gian. Nhờ biết tu-hành, nhập-định, nhớ lại đời trước, nên chủ trương rằng, chư Thiên nào không say-mê dục-lạc, không bị thác-sanh thì thường-hằng; còn kẻ bị ô-nhiễm thì vô-thường.
– trường-hợp 3: cũng từ cõi Trời Phạm, có hạng chư Thiên tâm-trí bị ô-nhiễm vì đố-kỵ, nên thác-sanh xuống cõi nhơn-gian. Nhờ biết tu-hành, nhập-định, nhớ lại đời trước, nên chủ trương rằng, chư Thiên nào tâm-trí chẳng bị đố-kỵ ô-nhiễm, chẳng thác-sanh, nên thường-hằng; còn ai bị ô-nhiễm tâm-trí thì vô-thường.
– trường-hợp 4: các nhà suy-luận nhờ sự thẩm-sát, cho rằng cái gì thuộc về sắc-thân thì chẳng kiên-cố, nên vô-thường; còn những gì thuộc về tâm-thức , về bản-ngã thì thường-hằng.
* 4 luận-chấp về Thế-giới hữu-biên, hay vô-biên: (hữu-biên = có giới-hạn; vô-biên = chẳng có giới-hạn)
– trường-hợp 1: cho rằng khi nhập-định thì thấy thế-giới nầy có con đường chạy vòng quanh, cho nên đó là hữu-biên;
– trường-hợp 2: cho rằng khi nhập-định lại thấy thế-giới nầy chẳng có giới-hạn, cho nên vô-biên;
– trường-hợp 3: cho rằng khi nhập-định thì thấy thế-giới nầy vô-biên theo chiều ngang, và có giới-hạn ở bên trên và bên dưới, vì vậy cho nên vừa hữu-biên, vừa vô-biên.
– trường-hợp 4: dùng lý-luận, có vị cho rằng thế-giới nầy chẳng phải hữu-biên, chẳng phải vô-biên,
chẳng phải vừa hữu-biên, vừa vô-biên. Thế-giới nầy, thật ra, chẳng phải hữu-biên, cũng chẳng phải vô-biên.
* 4 luận-chấp về Ngụy-biện (”trườn uốn như con lươn”): do chẳng biết như-thật, nên dùng lờingụy-biện lẫn tránh câu trả lời dứt-khoát, như:”Tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế.” Bốn trường-hợp ngụy-biện là:
– trường-hợp 1: vì sợ sai-lầm;
– trường-hợp 2: vì sợ bị chấp-thủ;
– trường-hợp 3: vì sợ bị thử-thách;
– trường-hợp 4: vì ngu-si
* 2 luận-chấp về Vô-nhân-luận: cho rằng thế-giới nầy và bản-ngã chẳng phải do nhân-duyênmà sanh ra (vô-nhân = chẳng vì nhân-duyên gì, tự-nhiên sanh ra):
– trường-hợp 1: có vị lấy lý-do là vì trước kia tôi chẳng có; nay tôi lại đang có; từ trạng-thái không có, nay tôi trở thành một loài hữu-tình, nên vô-nhân.
– trường-hợp 2: các nhà biện-luận do sự biện-bác, tuyên-bố, Bản ngã và Thế-giới do vô-nhân sanh.
008. BỐN MƯƠI BỐN KIẾN-CHẤP VỀ TƯƠNG-LAI.
Các kiến-chấp liên quan đến tương-lai gồm có 44 luận-chấp sai-lầm về tương-lai, được phân ra:
– 16 luận-chấp Hữu-tưởng-luận;
– 8 luận-chấp về Vô-tưởng-luận;
– 8 luận-chấp về Phi-hữu-tưởng, phi-vô-tưởng luận
– 7 luận-chấp về Đoạn-diệt-luận;
– 5 luận-chấp về Hiện-tại Niết-bàn-luận;
Các kiến-chấp nầy là chủ-trương sai-lạc về tương-lai do các Sa-môn, Bà-la-môn dựa vào các cảm-thọ được kinh-nghiệm qua sáu căn khi tiếp-xúc với sáu trần, rồi vì tham-ái mà sanh ra chấp-thủ.
009. MƯỜI SÁU LUẬN-CHẤP VỀ HỮU-TƯỞNG.
16 luận-chấp về Hữu-tưởng-luận chủ-trương, sau khi chết, bản-ngã con người còn có tưởng:
– bản-ngã có sắc, chẳng bịnh, sau khi chết còn có tưởng;
– bản-ngã chẳng có sắc, …;
– bản-ngã có sắc, cũng chẳng có sắc, …;
– bản-ngã cũng chẳng có sắc, cũng chẳng chẳng có sắc, …;
– bản-ngã là hữu-biên, …;
– bản-ngã là vô-biên, …;
– bản-ngã là hữu-biên và vô-biên, …;
– bản-ngã cũng chẳng hữu-biên, cũng chẳng vô-biên, …;
– bản-ngã là nhứt-tưởng, …;
– bản-ngã là dị-tưởng, …;
– bản-ngã là thiểu-tưởng, …;
– bản-ngã là vô-lượng-tưởng, …;
– bản-ngã là thuần-lạc, …;
– bản-ngã là thuần-khổ, …;
– bản-ngã là khổ-lạc, …;
– bản-ngã chẳng khổ, chẳng lạc, chẳng bịnh, sau khi chết có tưởng.
010. TÁM LUẬN-CHẤP VỀ VÔ-TƯỞNG.
8 luận-chấp về Vô-tưởng-luận chủ-trương bản-ngã chẳng có tưởng sau khi chết:
– bản-ngã có sắc, chẳng bịnh, sau khi chết chẳng có tưởng;
– bản-ngã chẳng có sắc, …;
– bản-ngã có sắc, cũng chẳng có sắc, …;
– bản-ngã chẳng có sắc, cũng chẳng chẳng có sắc, …;
– bản-ngã là hữu-biên, ….;
– bản-ngã là vô-biên, …;
– bản-ngã là hữu-biên và vô-biên, ….;
– bản-ngã là phi-hữu-biên và phi-vô-biên, chẳng bịnh, sau khi chết chẳng có tưởng.
011. TÁM LUẬN-CHẤP VỀ PHI-HỮU, PHI-VÔ TƯỞNG.
8 luận-chấp về Phi-hữu-tưởng, phi-vô-tưởng luận chủ-trương sau khi chết, bản-ngã chẳng phải có tưởng, cũng chẳng phải chẳng có tưởng:
– bản-ngã có sắc, chẳng bịnh, sau khi chết thì phi-hữu tưởng, phi-vô tưởng;
– bản-ngã chẳng có sắc, …;
– bản-ngã có sắc và cũng chẳng có sắc, …;
– bản-ngã phi-hữu sắc và cũng phi-vô sắc, …;
– bản-ngã là hữu-biên, …;
– bản-ngã là vô-biên, …;
– bản-ngã là hữu-biên và vô-biên, …;
– bản là phi-hữu biên và phi-vô biên, chẳng bịnh, sau khi chết thì phi-hữu tưởng, phi-vô tưởng.
012. BẢY LUẬN-CHẤP VỀ ĐOẠN-DIỆT.
7 luận-chấp về Đoạn-diệt-luận do các Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương rằng, bản-ngã của loài hữu-tình bị tiêu-hủy hoàn-toàn, chẳng còn gì, sau khi chết.
– vì bản-ngã có sắc, do bốn đại hợp thành, nên sau khi chết, thân hoại, chẳng còn gì nữa;
– vì còn có một bản-ngã khác, có sắc, có thiên-tánh, thuộc Dục-giới, nhưng sau khi chết, thân hoại, bản-ngã nầy cũng bị tiêu-diệt hết.
– vì còn có bản ngã khác nữa, có sắc, có thiên-tánh, thuộc Sắc-giới, nhưng sau khi chết, …;
– vì còn có bản-ngã khác nữa, chẳng có sắc, thuộc Không vô-biên-xứ, nhưng sau khi chết, …;
– vì còn có bản-ngã khác nữa, … , thuộc Thức vô-biên-xứ, nhưng sau khi chết, …;
– vì còn có bản-ngã khác nữa, … . thuộc Vô-sở-hữu-xứ, nhưng sau khi chết, …;
– vì còn có bản-ngã khác nữa, …, thuộc Phi-tưởng, phi phi-tưởng-xứ, nhưng sau khi chết, thân hoại, bản-ngã cũng bị tiêu-diệt hết.
013. NĂM LUẬN-CHẤP VỀ HIỆN-TẠI NIẾT-BÀN.
5 luận-chấp về Hiện-tại Niết-bàn-luận do các Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương rằng, trong hiện-tại bản-ngã của chúng-sanh có thể đạt tới cõi Niết-bàn tối-thượng:
– khi bản-ngã tận hưởng năm món dục-lạc (thú vui vật-chất) do các giác-quan mang đến;
– khi bản-ngã ấy biết lià xa các dục-lạc, đạt đến cõi Sơ-thiền;
– khi bản-ngã ấy … đạt đến cõi Nhị-thiền;
– khi bản-ngã ấy … đạt đến cõi Tam-thiền;
– khi bản-ngã ấy … đạt đến cõi Tứ-thiền.
014. CÁC PHÁP SÂU-KÍN GIÚP VƯỢT THOÁT KHỎI SÁU MƯƠI HAI KIẾN-CHẤP.
62 luận-chấp ( 18 kiến-chấp về quá-khứ và 44 kiến-chấp về tương-lai, vừa được liệt-kệ trênđây) do các Sa-môn, Bà-la-môn dựa theo kinh-nghiệm từ nơi các cảm-thọ gây nên bởi sự tiếp-xúc giữa sáu căn và sáu trần, đưa đến sự tham-ái, rồi từ tham-ái sanh ra chấp-thủ, khiến cho bị nghiệp-lực lôi-kéo vào các nẻo tái-sanh của Luân-hồi. Họ”bị bao trùm bởi màn lưới Phạm-Võng của sáu mươi hai luận-chấp nầy, dầu có nhảy vọt lên, cũng bị hạn-cuộc bao phủ ở đấy”.
Như-Lai nhờ chẳng chấp-trước vào các kiến-chấp đó, nội-tâm tịch-tĩnh, biết rõ như-thật sự tập-khởi, sự diệt-trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy-hiểm và sự xuất-ly của chúng, nên được hoàn-toàn giải-thoát. Đó là những ”pháp sâu-kín, khó thấy, khó chứng, tịch-tĩnh, mỹ-diệu, vượt ngoài tầm của lý-luận suông, tế-nhị, chỉ những người có trí mới có thể phận-biệt. Những pháp ấy, Như-Lai đã tự chứng tri, giác-ngộ và truyền-thuyết. Và chính những pháp ấy, những ai như-thật chân-chánh tán-thán Như-Lai mới nói đến”.
015. HỌC-TẬP KINH PHẠM-VÕNG NHƯ THẾ NÀO?
1. HỌC KINH PHẬT chẳng phải là đọc sơ qua để biết Kinh nói về việc gì như đọc tiểu-thuyết, mà phải đọc-tụng thật nhiều lần, tìm hiểu rõ nghiã cạn, nghiã sâu và nghiã ẩn của bản Kinh.Đọc và hiểu Kinh còn chưa đủ, cần phải biết cách áp-dụng vào đời sống hằng ngày để thực-tập. Kinh Phật chẳng những dạy ta các kiến-thức, Kinh còn dạy ta lối sống giải-thoát nữa, dođó học Kinh mà chẳng thực-hành thì thiếu-sót rất lớn, còn chưa biết hưởng lợi-lạc do Kinh mang đến.
2. Kinh Phạm-Võng nêu hai điểm quan-trọng:
a.- Các giới-luật trong Phật-học: tuy chia ra tiểu, trung và đại-giới, nhưng người học Kinh Phật phải nhớ đó là các điều răn-cấm để tránh phạm các tội-ác, nên ráng giữ cho trọn, được giới nào cũng đều tốt cả.
b.- Các kiến-chấp, tuy gồm 62 luận-chấp sai-lầm, nhưng đều qui vào quá-khứ và tương-lai.Chẳng cần học thuộc để nhớ hết cả, chỉ cần biết chúng đều do sự chấp-thủ mà ra; hễ chẳng bám-níu vào và đeo-đuổi theo các cảm-thọ nơi giác-quan, thì có hi-vọng tránh được hết.
3. Tuy Kinh Phạm-Võng chẳng nói đầy-đủ về nghiệp-lực đã dẫn-dắt chúng-sanh vào các nẻo Luân-hồi, người học Kinh Phật nên biết thêm rằng, gây ra nghiệp-lực là do lời nói (khẩu-nghiệp), hành-động (thân-nghiệp) và ý-nghĩ (ý-nghiệp). Sáu mươi hai kiến-chấp nói trong Kinh Phạm-Võng là những tà-kiến tạo thành ý-nghiệp — quan-trọng nhứt trong ba loại nghiệp — có lẽ vì thế mà trong Kinh-Tạng, Kinh Phạm-Võng đã được chọn làm bản Kinh đầu-tiên củaTrường-Bộ Kinh.
(TN – Mtl, 2006-02-11).
Xem tại mục 62 loại Tà kiến thuộc:
Kinh Trường Bộ – Tập I – 01. Kinh Phạm võng (Brahmajàla Sutta) (Quan trọng)