IV. Người Nghèo (S.i,231)
1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ kheo: “– Này các Tỷ-kheo.”
3) “– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.” Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
4) Thế Tôn nói như sau:
5) — Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, một người ở tại thành Vương Xá này; người ấy nghèo khó, bần cùng, khốn khổ.
6) Người ấy chấp trì lòng tin trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, chấp trì giới, chấp trì văn, chấp trì thí, chấp trì tuệ.
7) Người ấy do chấp trì lòng tin trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, chấp trì giới, chấp trì văn, chấp trì thí, chấp trì tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh thiện thú, Thiên giới, đời này và cọng trú với chư Thiên Tam thập tam thiên. Vị ấy chói sáng hơn chư Thiên khác về dung sắc và danh tiếng.
8) Ở đây, này các vị Tỷ-kheo, chư Thiên ở Tam thập tam thiên bực tức, chán ghét, phẫn uất: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Thiên tử này thuở xưa làm người nghèo khó, bần cùng, khốn khổ. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, Thiên giới, đời này và cọng trú với chư Thiên Tam thập tam thiên. Vị ấy chói sáng hơn chư Thiên khác về dung sắc và danh tiếng.”
9) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi chư Thiên ở Tam thập tam thiên: “Này chư Thân hữu, chớ có bực tức với vị Thiên tử này. Này chư Thân hữu, vị Thiên tử này trước kia làm người, chấp trì lòng tin trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, chấp trì giới, chấp trì văn, chấp trì thí, chấp trì tuệ; người ấy do chấp trì lòng tin trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, chấp trì giới, chấp trì văn, chấp trì thí, chấp trì tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh thiện thú, Thiên giới, đời này và cọng trú với chư Thiên Tam thập tam thiên. Vị ấy chói sáng hơn chư Thiên khác về dung sắc và danh xưng” .
10) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka để làm hòa dịu chư Thiên ở Tam thập tam thiên, ngay lúc ấy nói lên bài kệ này:
Ai tín thành Như Lai,
Bất động, khéo an trú,
Ai giữ giới thuần thiện,
Ðược bậc Thánh tán thán.
Ai tín thành chúng Tăng,
Chơn trực và chánh kiến,
Ðược gọi: “Không phải nghèo”,
Ðời sống không hư vọng.
Do vậy người có trí,
Phải kiên trì Phật giáo,
Tín thành và trì giới,
Trí kiến đúng Chánh pháp.
Xem chi tiết:
Kinh Tương Ưng – Tập 1 – Thiên Có Kệ – Chương XI – Tương Ưng Sakka – II. Phẩm Thứ Hai