(I) (11) Veranjà
- Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Veranjà, dưới gốc cây Nalerupucimanda. Rồi Bà-la-môn Veranjà đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói nên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Veranjà bạch Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, tôi có nghe như sau: “Sa-môn Gotama không đảnh lễ, không đứng dậy, hay không mời ghế ngồi các Bà-la-môn già yếu, tuổi lớn trưởng lão, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời”. Thưa Tôn giả Gotama, sự thể là như vậy: “Tôn giả Gotama không đảnh lễ, không đứng dậy, hay không mời ghế ngồi các Bà-la-môn già yếu, tuổi lớn trưởng lão, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời”. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, thật là không đầy đủ.
– Này Bà-la-môn, Ta không thấy một ai trong thế giới chư Thiên, trong thế giới Ác ma, trong thế giới Phạm thiên, trong quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người mà ta có thể đảnh lễ người ấy, đứng dậy hay mời ghế ngồi. Này Bà-la-môn, nếu Như Lai đảnh lễ, hay đứng dậy, hay mời ngồi ai, thời đầu người ấy bị bể tan.
- – Tôn giả Gotama, thật thiếu ý vị!
– Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama thật thiếu ý vị”. Này Bà-la-môn, các sắc vị, thanh vị, hương vị, vị vị, xúc vị, các vị ấy, Như Lai đã đoạn tận chúng, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tàla, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama thiếu ý vị”. Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
- “Tôn giả Gotama thiếu tài sản”. Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama thiếu tài sản”. Này Bà-la-môn, các sắc tài sản, thanh tài sản, hương tài sản, vị tài sản, xúc tài sản, các tài sản ấy, Như Lai đã đoạn tận chúng, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama thiếu tài sản”. Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
- “Tôn giả Gotama chủ trương thuyết không hành động”. Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama chủ trương thuyết không hành động”. Này Bà-la-môn, Ta nói không hành động về thân làm ác, về lời nói ác, về ý nghĩ ác. Ta nói không hành động về các pháp ác, bất thiện. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama chủ trương thuyết không hành động”. Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
- “Tôn giả Gotama chủ trương thuyết đoạn diệt “. Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama chủ trương thuyết đoạn diệt “. Này Bà-la-môn, Ta tuyên bố đoạn diệt tham, sân, si. Ta tuyên bố đoạn diệt các ác, bất thiện pháp. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama chủ trương thuyết đoạn diệt”. Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
- “Tôn giả Gotama là người nhàm chán”. Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama là người nhàm chán”. Này Bà-la-môn, Ta nhàm chán thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Ta nhàm chán sự thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama là người nhàm chán “. Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
- “Tôn giả Gotama là người chủ trương hư vô chủ nghĩa”. Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama là người chủ trương hư vô”. Này Bà-la-môn, Ta thuyết pháp để hư vô tham, sân, si. Ta thuyết pháp để hư vô các pháp ác, bất thiện. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, do pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama là người chủ trương hư vô “. Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
- “Tôn giả Gotama là người khổ hạnh”. Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama là người khổ hạnh “. Này Bà-la-môn, Ta tuyên bố rằng cần phải khổ hạnh các pháp ác, bất thiện, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Này Bà-la-môn, với ai, các pháp ác, bất thiện, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác được tu khổ hạnh, được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây tala, được làm cho không thể tái sanh, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, Ta tuyên bố rằng người ấy là người khổ hạnh. Này Bà-la-môn, với Như Lai, các pháp ác, bất thiện, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác đã được tu khổ hạnh, được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây tala, được làm cho không thể tái sanh, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, do pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama là người khổ hạnh”. Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
- “Tôn giả Gotama chủ trương không nhập thai”. Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama chủ trương không nhập thai”. Này Bà-la-môn, với ai mà khả năng nhập thai tái sanh trong tương lai đã đoạn tận, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, Ta tuyên bố rằng người ấy chủ trương không nhập thai. Này Bà-la-môn, Như Lai đã đoạn tận khả năng nhập thai tái sanh trong tương lai đã đoạn tận, đã chặt đứt từ gốc rễ, đã làm cho như thân cây tala, đã làm cho không thể tái sanh, đã làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama chủ trương không nhập thai”. Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.
Ví như, này Bà-la-môn, có tám, mười hay mười hai cái trứng của con gà mái, được con gà mái khéo ấp nằm, ấp nóng và ấp dưỡng, và con gà nào trong những con gà con ấy, đầu tiên hết, lấy chân, móng, đầu, miệng hay mỏ phá vỡ vỏ trứng gà, ra ngoài một cách an toàn, con ấy được gọi là con trưởng hay con trẻ nhất?
– Thưa Tôn giả Gotama, con ấy phải được gọi là con trưởng. Thật vậy, thưa Tôn giả Gotama, con ấy là con trưởng trong tất cả các con gà ấy.
- – Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi Ta vì chúng sanh bị vô minh chi phối, như sanh ra từ trứng, bị bao trùm, đã phá vỡ vỏ trứng vô minh, một mình chứng được vô thượng Chánh Ðẳng Giác ở đời, này Bà-la-môn, thật sự Ta là vị đệ nhất, tối thắng ở đời. Lại nữa, này Bà-la-môn, Ta tinh cần tinh tấn, không biếng nhác. Ta trú niệm, không có thất niệm, thân được khinh an, không có tháo động, định tĩnh, nhất tâm.
- Này Bà-la-môn, ly dục, ly pháp bất thiện, Ta đã chứng đạt và an trú sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ Ta trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ, mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú. Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh.
- Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, không dao động, như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Ta nhớ đến đời sống quá khứ, một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, Ta được sanh ra ở đây”. Như vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các nét chi tiết.
Này Bà-la-môn, đây là trong canh một, Ta chứng được minh thứ nhất, vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh. Do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Này Bà-la-môn, đây là sự xuất sanh thứ nhất của Ta, như con gà con ra khỏi vỏ trứng.
- Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, không dao động, như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, Ta thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ; những hạng chúng sanh này thành tựu thân làm ác, thành tựu miệng nói ác, thành tựu ý nghĩ ác; phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những hạng chúng sanh nào, thành tựu thân làm lành, thành tựu miệng nói lành, thành tựu ý nghĩ lành, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, Ta thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.
Này Bà-la-môn, đây là trong canh giữa, Ta chứng được minh thứ hai, vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh. Do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Này Bà-la-môn, đây là sự xuất sanh thứ hai của Ta, như con gà con ra khỏi vỏ trứng.
- Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, không dao động, như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Ta biết như thật: “Ðây là khổ”, biết như thật: “Ðây là khổ tập”, biết như thật: “Ðây là Khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến Khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là các lậu hoặc diệt”, biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến lậu hoặc diệt”. Do biết như vậy, thấy như vậy, tâm của ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết, ta đã giải thoát. Ta biết: “Sanh đã diệt, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa”. Này Bà-la-môn, đây là trong canh cuối, Ta chứng được minh thứ ba, vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh. Do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Này Bà-la-môn, đây là sự xuất sanh thứ ba của Ta, như con gà ra khỏi vỏ trứng.
- Ðược nghe nói như vậy, Bà-la-môn Veranja bạch Thế Tôn:
– Ðệ nhất là Tôn giả Gotama! Tối thắng là Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Xem chi tiết: