Cách từ bỏ gánh nặng để giải thoát

I. Gánh Nặng (Tạp, 2.3, Trọng Ðởm. Ðại 2,19a) (Tăng 25.4, Ðại 2,631c) (S.iii,25)

1-2) Ở Sàvatthi…

3) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về gánh nặng, mang gánh nặng lên, đặt gánh nặng xuống. Hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.

4) Này các Tỷ-kheo, thế nào là gánh nặng? Năm thủ uẩn là câu trả lời. Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là gánh nặng.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kẻ mang gánh nặng? Người là câu trả lời. Vị Tôn giả này có tên như thế này, dòng họ như thế này. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ mang gánh nặng!

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là mang gánh nặng lên? Chính là tham ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, đi tìm hỷ lạc chỗ này, chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là mang gánh nặng lên.

7) Này các Tỷ-kheo, thế nào là đặt gánh nặng xuống? Ðây là sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn, sự từ bỏ, sự xả ly, sự giải thoát, sự không chấp thủ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đặt gánh nặng xuống.

8) Thế Tôn thuyết như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

Năm uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người;
Mang lấy gánh nặng lên,
Chính là khổ ở đời.
Còn đặt gánh nặng xuống,
Tức là lạc, không khổ,
Ðặt gánh nặng xuống xong,
Không mang thêm gánh khác.
Nếu nhổ khát ái lên,
Tận cùng đến gốc rễ,
Không còn đói và khát,
Ðược giải thoát tịnh lạc!

Xem chi tiết:

Kinh Tương Ưng – Tập III – Thiên Uẩn – Chương I – Tương Ưng Uẩn (b)