Ở đây, này các Tỷ-kheo, một số Thiện nam tử học pháp, như Kinh, Ứng tụng, Giải thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng. Sau khi học các pháp này, họ quán sát ý nghĩa những pháp ấy với trí tuệ. Những pháp ấy, vì ý nghĩa được trí tuệ quán sát, nên trở thành rõ ràng. Họ học pháp không vì lợi ích, muốn chỉ trích người khác, không vì lợi ích, muốn khoái khẩu biện luận, và họ đạt được mục tiêu mà sự học pháp hướng đến. Những pháp ấy, vì khéo nắm giữ, nên đưa họ đến hạnh phúc, an lạc lâu dài. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì khéo nắm giữ các pháp.
Chư Tỷ-kheo, ví như một người ưa muốn rắn nước, tìm cầu rắn nước đi khắp chỗ để tìm rắn nước. Người đó thấy một con rắn nước lớn. Người đó có thể khéo đè con rắn nước với cây gậy có nạng. Sau khi khéo đè với cây gậy có nạng, người đó có thể khéo nắm giữ cổ rắn. Chư Tỷ-kheo, dầu cho con rắn nước ấy có thể cuốn thân nó xung quanh tay, hay cánh tay, hay một thân phần nào khác, người đó cũng không vì nhân duyên ấy đi đến chỗ chết hay đến sự đau khổ gần như chết. Vì sao vậy? Chư Tỷ-kheo, vì khéo nắm giữ con rắn nước vậy.
Cũng vậy, chư Tỷ-kheo, ở đây, một số Thiện nam tử học pháp… chư Tỷ-kheo, vì khéo nắm giữ các pháp vậy. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy hiểu rõ ý nghĩa lời Ta thuyết giảng và thọ trì như vậy. Nếu có ai không hiểu rõ ý nghĩa lời Ta thuyết giảng thì ở nơi đây, các Ông hãy hỏi Ta hay hỏi những bậc Tỷ-kheo trí thức.
Xem chi tiết:
Kinh Trung Bộ – Tập I – 22. Kinh Ví dụ con rắn (Alagaddùpama sutta)