- I. Mahànàma (1)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigrodha.
2) Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:
3) — Kapilavatthu này, bạch Thế Tôn, là phồn vinh, phú cường, dân cư đông đúc, quần chúng khắp nơi chen chúc, chật hẹp. Bạch Thế Tôn, sau khi con hầu hạ Thế Tôn hay các Tỷ-kheo đáng kính, vào buổi chiều, con đi vào Kapilavatthu, con gặp con voi cuồng chạy; con gặp con ngựa cuồng chạy; con gặp người cuồng chạy; con gặp cỗ xe lớn cuồng chạy; con gặp cỗ xe nhỏ cuồng chạy. Trong khi ấy, bạch Thế Tôn, tâm con nghĩ đến Phật bị hoang mang, tâm con nghĩ đến Pháp bị hoang mang, tâm con nghĩ đến chúng Tăng bị hoang mang. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Nếu lúc ấy con mệnh chung, thời sanh thú của con là gì, sanh xứ đời sau chỗ nào?”
4) — Chớ có sợ, này Mahànàma! Chớ có sợ, này Mahànàma! Không ác sẽ là cái chết của Ông! Không ác là cái chết của ông! Này Mahànàma, với ai đã lâu ngày tâm tu tập trọn vẹn về tín, tâm tu tập trọn vẹn về giới, tâm tu tập trọn vẹn về sở văn, tâm tu tập trọn vẹn về thí xả, tâm tu tập trọn vẹn về trí tuệ; với người ấy, dầu thân có sắc này, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng, có bị vô thường phá hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt; dầu cho thân này ở đây bị quạ ăn, chim kên ăn, chim ưng ăn, chó ăn, hay giả-can ăn, hay các loại chúng sanh sai khác ăn; nhưng nếu tâm của vị ấy được lâu ngày tu tập trọn vẹn về tín, tu tập trọn vẹn về giới, tu tập trọn vẹn về sở văn, tu tập trọn vẹn về thí xả, tu tập trọn vẹn về trí tuệ, thời tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.
5) Ví như, này Mahànàma, một người nhận chìm một ghè sữa bơ, hay một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu và đập bể ghè ấy. Ở đây, các mảnh ghè hay mảnh vụn chìm xuống nước; nhưng sữa, bơ hay dầu thời nổi lên, trồi lên trên. Cũng vậy, này Mahànàma, với ai đã lâu ngày, tâm được tu tập trọn vẹn về tín, tâm được tu tập trọn vẹn về giới, tâm được tu tập trọn vẹn về sở văn, tâm được tu tập trọn vẹn về thí xả, tâm được tu tập trọn vẹn về trí tuệ; với người ấy, thân có sắc này, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng, có bị vô thường phá hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, đoạn diệt; dầu cho thân này ở đây bị quạ ăn, chim kên ăn, chim ưng ăn, chó ăn, giả-can ăn hay các sanh loại sai khác ăn; nhưng nếu tâm của vị ấy được lâu ngày tu tập trọn vẹn về tín, tu tập trọn vẹn về giới, tu tập trọn vẹn về sở văn, tu tập trọn vẹn về thí xả, tu tập trọn vẹn về trí tuệ; thời tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.
6) Này Mahànàma, đã lâu ngày tâm Ông được tu tập trọn vẹn về tín, được tu tập trọn vẹn về giới, được tu tập trọn vẹn về sở văn, được tu tập trọn vẹn về thí xả, được tu tập trọn vẹn về trí tuệ. Chớ có sợ, này Mahànàma, chớ có sợ, này Mahànàma, không ác sẽ là cái chết của Ông! Không ác là cái chết của Ông!
- II. Mahànàma (2) (S.v,371)
1) Như vầy tôi nghe.
2) Rồi Mahànàma…
3) — Ở đây, bạch Thế Tôn, Kapilavatthu…
4)– Chớ có sợ hãi, này Mahànàma! Chớ có sợ hãi, này Mahànàma! Không ác sẽ là cái chết của Ông! Không ác là cái chết của Ông! Do thành tựu bốn pháp, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Thế nào là bốn?
5) Ở đây, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn..”…. đối với Pháp… đối với Tăng… thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định.
6) Ví như, này Mahànàma, một cây thiên về phía Ðông, hướng về phía Ðông, xuôi về phía Ðông, nếu bị chặt đứt từ gốc rễ, nó sẽ ngả về phía nào?
— Bạch Thế Tôn, về phía nào nó thiên, về phía nào nó hướng, về phía nào nó xuôi.
— Cũng vậy, này Mahànàma, do thành tựu bốn pháp này, vị Thánh đệ tử thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.
Xem chi tiết:
Kinh Tương Ưng – Tập V – Thiên Ðại Phẩm – Chương XI – Tương Ưng Dự Lưu (b) – III. Phẩm Saranàni