Tâm giải thoát bất động là mục đích của phạm hạnh (Quan trọng)

Như vậy, này các Tỷ-kheo, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu thiền định, không phải vì lợi ích tri kiến. Và này các Tỷ-kheo, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh.

Này các Tỷ-kheo, ví như một người muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và biết đó là lõi cây. Một người có mắt thấy như vậy, có thể nói: “Người này biết lõi cây, biết giác cây, biết vỏ trong, biết vỏ ngoài, biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người ấy chặt lõi cây, mang đi và tự biết đó là lõi cây. Và người ấy đạt được mục đích mà lõi cây có thể thực hiện”. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây một Thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, bỏ gia đình, sống không gia đình: “Ta bị chìm đắm trong sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị chìm đắm trong khổ đau, bị chi phối bởi khổ đau. Rất có thể, toàn bộ khổ uẩn này có thể chấm dứt”. Vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng.

  1. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này hoan hỷ, tự mãn.
  2. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này khen mình, chê người.
  3. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật. Vị ấy thành tựu giới đức.
  4. Vị ấy do thành tựu giới đức này hoan hỷ nhưng không tự mãn.
  5. Vị ấy, không do thành tựu giới đức này khen mình, chê người.
  6. Vị ấy không do thành tựu giới đức này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu Thiền định.
  7. Vị ấy do thành tựu thiền định nên hoan hỷ nhưng không tự mãn.
  8. Vị ấy không do thành tựu Thiền định này khen mình, chê người.
  9. Vị ấy không do thành tựu thiền định này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu tri kiến.
  10. Vị ấy vì thành tựu tri kiến này nên hoan hỷ nhưng không tự mãn.
  11. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này khen mình, chê người.
  12. Vị ấy không vì thành tựu tri kiến này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do sống không phóng dật, vị ấy thành tựu được phi thời gian giải thoát.

Này chư Tỷ-kheo, sự tình này không thể xảy ra, Tỷ-kheo ấy có thể từ bỏ phi thời gian giải thoát ấy.

Xem chi tiết:

Kinh Trung Bộ – Tập I – 29. Ðại kinh Thí dụ Lõi cây Mahasaropama-sutta